| Hotline: 0983.970.780

30 năm chăm sóc 3 người con tâm thần

Thứ Bảy 11/08/2018 , 07:30 (GMT+7)

Suốt 30 năm qua, người mẹ nghèo nuôi 3 con mắc bệnh tâm thần chỉ luôn đau đáu một câu hỏi nghe thật xót xa: “Lỡ mai mình chết đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc chúng?”. 

Đó là câu nói đầy chua chát của bà Phạm Thị Côi (SN 1965) trú tại Tổ 15, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Bà Côi bên cạnh 2 người con ngây dại

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, năm 20 tuổi, bà Côi kết hôn với ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1963). Năm 1988, bà mang thai đứa con đầu lòng. Đặt tên con là Nguyễn Thị Thảo với mong muốn con luôn ngoan ngoãn thảo hiền, vậy mà không bao lâu sau khi con chào đời, mọi hi vọng của gia đình dường như đều bị dập tắt. Căn bệnh tâm thần khiến chị Thảo nhận thức kém về mọi mặt, suốt ngày chỉ biết ngơ ngác, gào thét trong man dại. Gia đình đã hết lòng chạy chữa nhưng bệnh tình của chị không có dấu hiệu thuyên giảm.

Gác lại nỗi đau, vợ chồng bà Côi khấp khởi mừng thầm khi mang thai và sinh người con thứ 2. Anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1988) sinh ra càng lớn tâm trí có biểu hiện càng không được như như bình thường, thỉnh thoảng lên cơn co giật, sùi bọt mép. Đến tuổi đi học, anh Hiếu cũng không thể cắp sách đến trường giống như bạn bè cùng trang lứa. May mắn là khi lớn lên, mọi người se duyên anh với chị Trịnh Thị Hương - một người ở xã kế bên và sinh 2 cháu bé bụ bẫm, đủ nếp đủ tẻ. Thế nhưng kinh tế khó khăn khiến bà Côi vừa phải cáng đáng nuôi con vừa góp gạo nuôi cháu.

Mơ ước cháy bỏng có một đứa con lành lặn luôn thôi thúc vợ chồng bà Côi. Chính vì vậy, năm 1996, vợ chồng bà quyết định sinh thêm con thứ 3. Thế nhưng cú sốc lại tiếp tục lặp lại khi anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996) càng lớn càng có biểu hiện giống với anh chị mình khi ngày đêm la hét, cười nói một mình với những tiếng không ai hiểu được và miệng thường lép bép nhai lá cây.

10-21-10_nh_8
Hai đứa con điên loạn của bà Côi hàng ngày chỉ biết ngồi một chỗ la hét, đập phá

Bà Côi không muốn nhắc chuyện quá khứ, không muốn kể nhiều về nỗi đau. Thế nên khi dòng hồi tưởng vừa dứt, bà đưa mắt sang nhìn đứa cháu nội đang say ngủ trên giường. “May mắn quá, nó không mắc bệnh giống bố. Mẹ nó là người bình thường nhưng chấp nhận lấy thằng Hiếu con tôi là tôi thấy thương lắm rồi”.

Bà Côi vẫn nhớ ngày bé xíu, cậu con út đã từng khôn ngoan thế nào. Vậy mà số phận trớ trêu, gần 20 năm qua, anh Tuấn lớn lên, bà chỉ quen với hình ảnh Tuấn đi lại tha thẩn, miệng lép bép nhai lá cây, nói năng lảm nhảm và suốt ngày ăn vạ, đòi nghịch đinh vít.

“Sở thích của nó từ trước tới nay chỉ là chơi với đinh thôi. Có lần nó vác dao dọa giết tôi, tôi sợ, bỏ chạy và vấp ngã rồi nghĩ mình sẽ chết. Ai dè nó chỉ đứng đó cười hềnh hệch. Khổ lắm, trí khôn của nó mãi mãi chỉ như đứa trẻ con lên 3 nhưng lại có phần hơi hung bạo. Người khác không hiểu nên thấy khó chịu về nó”.

10-21-10_nh_3
Bà Côi chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người con gái

Sau nhiều năm vật lộn mưu sinh, do bất lực về cơm áo gạo tiền và bệnh tật điên loạn của các con nên cuối năm 2014, ông Thắng - chồng bà Côi đã qua đời do căn bệnh phổi đã chuyển sang giai đoạn cuối. Mỗi sáng mở mắt ra, bà Côi lại nghĩ xem mình phải làm gì để kiếm tiền mua thức ăn cho các con.

“Bây giờ 5 người lớn và 2 đứa cháu nội chỉ sống nhờ vào nguồn trợ cấp 1,3 triệu đồng/tháng. Tôi với con dâu làm thêm được việc gì thì làm nhưng vẫn phải chật vật sống từng bữa. Có hôm chỉ ăn rau với cháo cho lấp đầy dạ dày”, bà Côi nghẹn ngào chia sẻ.

Ông Trương Văn Hiền, Tổ trưởng tổ dân phố 15, cho biết: “Nhiều đêm trái gió trở trời, tổ dân phố chúng tôi đều không ngủ được do 3 đứa con tâm thần điên loạn của bà Côi đuổi đánh lẫn nhau khắp nhà. Thấy vậy, người dân trong tổ dân phố lại sang can ngăn, ai cũng thương và xót xa cho số phận của gia đình họ”.

10-21-10_nh_9
Căn nhà tạm bợ của gia đình bà Côi

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà  Phạm Thị Côi trú tại Tổ 15, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; hoặc gửi về hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?