| Hotline: 0983.970.780

30 năm lặng lẽ tìm đồng đội

Thứ Năm 12/12/2013 , 11:06 (GMT+7)

Đã 30 năm qua, ông Phan Thanh Dũng (SN 1952, ở thôn Tây Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), một thương binh 2/4, lặng lẽ lên chốn rừng thiêng nước độc làm công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Đã 30 năm qua, ông Phan Thanh Dũng (SN 1952, ở thôn Tây Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), một thương binh 2/4, lặng lẽ lên chốn rừng thiêng nước độc làm công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.

>> Ông Nhẫn “điên”
>> Hiệp sĩ ở làng

Nghỉ làm cán bộ để tìm mộ liệt sĩ

Về xã Đại Thạnh hỏi thăm nhà ông Dũng, ai cũng nhiệt tình chỉ lối. Thấy chúng tôi là người lạ, người dân nơi đây hỏi: “Các chú đi kiếm hài cốt liệt sĩ à! Rứa các chú tìm đúng địa chỉ rồi. Vào nhà ông Dũng thương binh ấy”.

Cái tính khiêm tốn, giản dị của anh bộ đội Cụ Hồ trong ông Dũng vẫn vẹn nguyên. Ông bảo: “Có gì mà viết. Những việc tôi làm cũng chỉ mong muốn đưa hài cốt đồng đội về quê hương, để họ có thể gần gũi với người thân của mình. Một thời cầm súng chiến đấu cho quê hương đất nước nhưng không may ngã xuống, nếu cứ để anh em nằm lại ở rừng sâu thì lạnh lẽo lắm. Tôi là người lính may mắn sống sót, được trở về thì phải có nghĩa vụ với những người đồng đội của mình chứ”.

Chiến tranh đã cướp đi những người sinh thành ra ông. Ba ông là liệt sĩ Phan Nuôi, đã hi sinh oanh liệt khi bảo vệ cơ sở cách mạng. Mẹ ông cũng hi sinh trong một trận chiến ác liệt với quân thù. Rồi chị của ông cũng bị giặc bắn chết khi mới 18 tuổi. Rồi đồng đội ông. Những người nằm xuống khi mới chỉ vào đời, ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất.


Thương binh Phan Thanh Dũng, 30 năm tìm kiếm một liệt sĩ

15 tuổi, ông Dũng tham gia làm liên lạc cho bộ đội hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực thực phẩm. Đến năm 18 tuổi ông làm công việc chăm sóc, vận chuyển bộ đội bị thương ở khu vực rừng núi huyện Đại Lộc, nơi có nhiều bệnh viện dã chiến đóng như Bệnh viện Y10, K76, B2, Đồi 530, trung đoàn 38, K79…

Những năm tháng đó, ngoài việc vận chuyển bộ đội bị thương, những người không may ngã xuống, một tay ông khâm liệm, chôn cất. Vào cuối năm 1972, khi đang vận chuyển đồng đội bị thương từ chiến trường về bệnh viện, ông bị địch bắn và được đưa về bệnh viện Y10 điều trị. Vết thương quá nặng, ông được chuyển ra Hà Nội và mất tới hai năm để phục hồi sức khỏe. Về lại địa phương, ông tham gia công tác chính quyền, làm Phó Chủ tịch xã Đại Thạnh.

Cuộc sống gia đình dần ổn định nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến đồng đội ngã xuống, nằm lại giữa chiến trường xưa, ông lại chạnh lòng, rơi nước mắt. Năm 1978, huyện Đại Lộc tổ chức đợt quy tập mộ hài cốt liệt sĩ ở các khu rừng trên địa bàn. Biết tin, ông Dũng tình nguyện dẫn đầu lực lượng dân quân xã Đại Thạnh vào nơi ngày xưa ông từng chiến đấu để tìm kiếm những đồng đội của mình.

Trong đợt quy tập ấy, hàng ngàn bộ hài cốt liệt sĩ được những người như ông đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đại Lộc. Những ngày tìm được đồng đội đưa về ông đều khóc thương vô hạn. Đến năm 1984, xã Đại Thạnh tách ra làm hai (xã Đại Thạnh và Đại Chánh), ông Dũng xin nghỉ làm việc ở xã để tập trung đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

30 năm, những khu rừng ở huyện Đại Lộc nơi nào cũng in dấu chân ông. Lúc thì thân nhân các liệt sĩ đến nhờ chỉ địa điểm trước đây chôn cất để họ cất bốc, lại có những lúc ông chỉ một mình đi vào rừng để nhớ lại những địa điểm đồng đội ngã xuống ngày xưa để kiếm tìm. Khi phát hiện ra hài cốt, ông chạy về báo lên xã, huyện để quy tập về nghĩa trang. Nếu có thông tin còn sót lại thì thông báo cho gia đình liệt sĩ.


Ông Dũng trong một lần tìm kiếm mộ liệt sĩ ở rừng sâu (ông Dũng người bên phải)

Khó khăn, gian khổ vô cùng nhưng ông Dũng chưa bao giờ nản chí. Ngược lại, những phần mộ liệt sĩ tìm thấy càng tiếp thêm động lực cho ông kiếm tìm. Ông bảo, để tìm được một bộ hài cốt liệt sĩ giữa rừng sâu nước độc không dễ dàng. Bỏ qua những ngày đường vật vã với chiếc ba lô trên vai, những đêm dài ăn dầm ở dề trong rừng, điều khó khăn nhất của việc đi tìm mộ là làm sao phát hiện được có hài cốt liệt sĩ nằm dưới đất sâu, có khi sâu đến 2 - 3 m.

Khó khăn thì có thể khắc phục, chứ nỗi đau khi thấy đồng đội nằm rải rác giữa rừng thì vô bờ bến. Có những lúc tìm đúng chỗ, khi đào lên dưới lớp đất ấy có đến hàng chục hài cốt liệt sĩ nhưng không có một thông tin nào. Hài cốt nào cũng giống hài cốt nào. Đau lắm. Tìm được đồng đội rồi nhưng chẳng phân biệt được ai là ai cả.

Hơn 30 năm tìm hài cốt liệt sĩ, ông Dũng chẳng nhớ hết số đồng đội mà mình tìm thấy. Cứ có thân nhân các gia đình liệt sĩ đến tìm thì ông dẫn đường tìm kiếm. Không có ai nhờ ông cũng một mình đi tìm. Ví dụ như năm 2012, ông tìm được 38 hài cốt đưa về quê và thông tin cho các gia đình liệt sĩ.

KHÔNG TIN NHÀ NGOẠI CẢM

Bây giờ, ngôi nhà của gia đình ông Dũng đã trở thành quen thuộc với nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền đất nước. Có rất nhiều thân nhân các liệt sĩ khi được ông Dũng giúp tìm kiếm hài cốt đã nhận ông làm cha nuôi, mời ông đi ra miền Bắc tham quan, gửi tặng ông cặp heo rừng để nuôi…

Ông bảo đấy là tấm lòng thành họ cho mình, còn chuyện tiền bạc không bao giờ ông lấy. Có gia đình trả ơn ông cả chục triệu đồng, có người cho tiền xây dựng lại nhà cửa nhưng ông chưa bao giờ nhận của ai cái gì. Với ông, việc tìm hài cốt liệt sĩ là nghĩa tình của người còn sống với người đã mất.


Những liệt sĩ được ông Dũng tìm kiếm, đưa về quê mai táng

Kinh nghiệm 30 năm tìm mộ đồng đội, điều ông thấy phân vân là có nhiều nhà ngoại cảm rởm, tự cho mình có khả năng nói chuyện được với người âm để lấy tiền những gia đình thân nhân của liệt sĩ.

“Chiến tranh, hi sinh là chuyện đương nhiên, nhưng nay thời bình rồi, người thân mong muốn đưa các liệt sĩ về quê. Nhiều nhà ngoại cảm một hai khẳng định nơi đây là mộ liệt sĩ nhưng khi đào lên không thấy một cái xương, hay một vật gì liên quan cả. Hài cốt thì không có nhưng gia đình liệt sĩ mất hàng chục triệu đồng. Có hàng chục người đến tìm tôi rồi nhờ nhà ngoại cảm đi theo nhưng tôi chưa thấy một trường hợp nào chính xác cả”, ông Dũng buồn rầu.

Trường hợp các gia đình đưa theo nhà ngoại cảm, nếu nhờ, ông Dũng đi cùng chỉ đường nhưng nhờ cất bốc phải đáp ứng được những quy định mà mấy chục năm kinh nghiệm ông đúc kết. Ông Dũng cho rằng: “Mộ liệt sĩ chứ có phải cục đất, khúc cây đâu mà bị phân hủy hết? Nếu có hết thì cũng có tấm vải dù, dép cao su, thắt lưng, vải tăng, ni lông… đằng này bốc lên ít đất đen mà cho đó là hài cốt thì quá vô lương tâm”. (Hết)

“Tôi còn sức khỏe thì còn tiếp tục tìm kiếm; mỗi lần đưa một đồng đội về quê hương lại thôi thúc tôi lên đường. Nhà tôi tuy nghèo nhưng gia đình êm ấm, các con ăn học đến nơi, đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Tôi nghĩ cuộc sống thế là đủ rồi, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Đồng đội đang nằm ở rừng sâu rất nhiều, nên phải nỗ lực hơn nữa”, ông Dũng tâm sự.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất