| Hotline: 0983.970.780

30 năm nuôi chồng và hai con tâm thần

Thứ Sáu 27/06/2014 , 08:25 (GMT+7)

Gần 30 năm qua, một mình bà Võ Thị Nhung (SN 1952), ở xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phải chăm sóc chồng và hai đứa con bị bệnh tâm thần.

Nghị lực và tấm lòng thương con, thương chồng của người đàn bà "chân yếu tay mềm" này khiến ai chứng kiến cũng phải xót xa.

Năm 1972, bà Nhung đi dân công hỏa tuyến góp phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ đất nước. Đến năm 1975, bà trở về quê hương, sau đó kết duyên với ông Ngô Xuân Thung, là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cưới nhau được một thời gian ông bà lần lượt sinh 3 người con (hai gái, một trai). Dù cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng gia đình nhỏ này luôn đầy ắp tiếng cười.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tai họa ập xuống đôi vợ chồng trẻ khi năm 1998 hai đứa con đầu là Ngô Thị Mai (SN 1981) và Ngô Xuân Long (SN 1985) sau khi học xong cấp 1 lần lượt bị bệnh tâm thần. Suốt ngày la hét, xé bỏ quần áo, lang thang khắp đầu đường xó chợ. Đặc biệt, mỗi lúc lên cơn, hai chị em lại tự đánh vào người mình, thân hình lúc nào cũng chi chít các vết bầm tím.

“Vợ chồng tui đã vét hết tiền bạc trong nhà đưa hai con đến BV Tâm thần Nghệ An chữa trị. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt điều trị (khoảng hơn 1 tháng) xuất viện về quê ít ngày, bệnh tình hai đứa lại tái phát với mức độ nặng hơn”, bà Nhung nhìn hai đứa con nói trong nước mắt.

Bà Nhung cũng cho biết, mặc dù phát bệnh sau chị nhưng biểu hiện của Long nặng hơn người chị rất nhiều. Tất cả các hành động của Long đều thực hiện trong vô thức, bất kể thời tiết nóng bức hay giá lạnh quần áo trên người Long đều xé rách nát. “Nhiều lần cháu trèo cổng bỏ đi, tui phải tìm cả tháng trời mới thấy. Bất đắc dĩ, mấy năm nay tui đành nuốt nước mắt dùng sợi xích sắt xích con lại vì sợ con lại bỏ đi mất”, bà Nhung uất nghẹn.

Tai họa chưa dừng lại ở hai đứa con thì chồng bà cũng bỗng dưng phát bệnh tâm thần như các con. Từ một người đàn ông hiền lành, tốt bụng ông Thung trở thành một người hoàn toàn khác, suốt ngày chửi bới, khóc, cười một mình; thậm chí vác dao đuổi chém cả vợ con, hàng xóm láng giềng.

Bà Nhung thở dài: “Không hiểu vì sao ông ấy lại phát bệnh như vậy. Bình thường ông ấy rất hiền lành, nhưng mỗi lúc lên cơn điên người thân thiết cũng không nhận ra nữa. Bốn năm nay ông thường trốn lên gác chuồng trâu sau nhà để ở vì “dưới đất sợ bóng đèn đốt nóng chân”. Hết con rồi đến chồng lâm bệnh tui đau đớn vô cùng. Sao ông trời lại đày đọa gia đình tui đến mức này chứ”.

Chúng tôi nhìn vào gia cảnh của bà mà ứa nước mắt. Cứ đến bữa cơm bà Nhung lại lọ mọ đút từng thìa cho từng người con. Người chị tên Mai suốt ngày chui rúc trong góc giường, không còn ý thức về cuộc sống bên ngoài. Còn cậu em Ngô Xuân Long nằm trên tấm phản bằng gỗ đặt dưới góc bếp ẩm thấp với sợi dây xích sắt dưới chân, thân hình trần truồng nhai ngấu nghiến từng thìa cơm mẹ đút. Cứ thế, tất tần tật từ nấu ăn, giặt giũ, đút cho chồng, cho con ăn… đến việc vệ sinh cá nhân đều do bà Nhung cáng đáng.

“Mùa nóng còn đỡ chứ mùa lạnh thấy hai đứa con nằm co ro vì lạnh mà lòng tui quặn đau. Nhưng cứ mặc áo vào cho chúng được ít hôm lại xé rách nát”, người mẹ già buồn bã nói.

15-35-58_img_7350-lrge

Được biết, mấy năm gần đây do già yếu lại phải chăm sóc chồng con nên bà Nhung đành phải cho người khác mượn ruộng làm để lấy ít lúa nuôi gia đình. Tài sản duy nhất của gia đình là 1 con bò cái cũng đã bị kẻ trộm lấy mất. Chút hy vọng còn lại của bà là đứa con gái út Ngô Thị Phương (SN 1990), đang làm công nhân trong Đồng Nai. Phương vốn dĩ sức khỏe cũng yếu nên chỉ kiếm đủ tiền nuôi bản thân, năm thì mười họa mới gửi được cho mẹ vài trăm nghìn mua thuốc cho anh, chị và bố.

Bà Nhung lo lắng: “Rồi mai mốt tui chết đi không biết chồng và hai đứa con phải bấu víu vào đâu. Ước gì chồng con tui có thể khỏi bệnh, tự chăm sóc được bản thân, như thế thì có nhắm mắt xuôi tay tui cũng yên lòng”.

Ông Hoàng Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Xá cho biết: “Gia đình bà Nhung thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một mình bà phải chăm sóc ba người điên nhưng chưa khi nào tôi thấy bà Nhung kêu than nửa lời. Người dân trong xóm dù muốn giúp đỡ thật nhiều nhưng vì nhà ai cũng nghèo khó cả nên chỉ hỗ trợ bà được bát gạo, bó rau ăn qua ngày. Chúng tôi rất mong qua Báo NNVN các nhà hảo tâm trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ gia đình bà Nhung để bà vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ban từ thiện hạnh nguyện cấp cô độc (chùa Phúc Thành), tài khoản 010100371091395 - Ngân Hàng Ngoại Thương TP Vinh, Nghệ An. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.834541, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm