| Hotline: 0983.970.780

4 Bộ trưởng trả lời chất vấn: ĐBQH "hứa" sẽ hỏi đến cùng

Thứ Hai 22/11/2010 , 08:37 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN bên lề QH, nhiều ĐB cho biết đã gửi câu hỏi bằng văn bản và sẽ “truy” đến cùng để làm rõ thắc mắc của cử tri tại phiên chất vấn trực tiếp.

Hôm nay (22/11), các thành viên Chính phủ (gồm Công thương, Y tế, Tài chính, GT-VT) bắt đầu đăng đàn trước khi Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trao đổi với NNVN bên lề QH, nhiều ĐB cho biết đã gửi câu hỏi bằng văn bản và sẽ “truy” đến cùng để làm rõ thắc mắc của cử tri tại phiên chất vấn trực tiếp.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Trả lời nghiêm túc, dân tin tưởng hơn vào Chính phủ

Tôi đã gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng và các Bộ trưởng, rất mong nhận được câu trả lời sáng tỏ về thực trạng nợ nần của Vinashin, trách nhiệm của Thủ tướng cũng như các thành viên khác của Chính phủ. Tôi cho rằng câu trả lời chất vấn càng thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc, cử tri càng cảm thấy tin tưởng hơn vào Chính phủ. Trước trọng trách lớn của mình, ĐBQH sẽ không phụ niềm tin yêu, mong mỏi của cử tri cả nước.

Trước QH, Bộ trưởng GT-VT và Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình về vụ Vinashin nhưng trả lời chưa thỏa đáng. Theo tôi lẽ ra những chi tiết về công nợ của tập đoàn này phải được thể hiện trong báo cáo gửi QH. Đọc báo cáo của Chính phủ, tôi không được biết quá trình vay nợ, cơ cấu nợ của Vinashin và trách nhiệm cụ thể của các thành viên Chính phủ như thế nào?

Câu hỏi chất vấn thứ hai là vấn về bauxite. Trước dư luận và kiến nghị của trên 2.000 trí thức, lao động, quân nhân; trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chính phủ quyết định như thế nào về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên? Nếu tiếp tục thực hiện thì hiệu quả kinh tế - quốc phòng - an ninh - môi trường ra sao? Và nếu xảy ra sự cố bùn đỏ như Hungary thì ai chịu trách nhiệm, kể cả khi đó Thủ tướng đã nghỉ công tác?

Câu hỏi thứ ba: Vì sao Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM trong khi tại kỳ họp vừa rồi QH đã không thông qua dự án này.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Đọc văn bản Bộ trả lời tôi thấy chán quá.

Tôi đã gửi đến Bộ Tài chính câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ này về quản lý vốn, tài sản… của Vinashin. Bộ trưởng đã trả lời theo công văn hỏa tốc. Nhưng đáng buồn là các câu trả lời đều né tránh, chung chung, không đi thẳng vào cụ thể. Đọc văn bản tôi cũng thấy chán. Chỉ nêu nguyên tắc quy định chung trong phân công quản lý, những giải pháp nhằm khắc phục thiếu sót, đổ vỡ thời gian tới, cấu trúc lại tập đoàn, không nêu cụ thể trách nhiệm dẫn tới sai phạm.

Trả lời “hỏa tốc” là rất nhanh, nhưng sao cứ nói chung chung thế? Tôi sẽ tiếp tục truy vấn đề này ở phiên chất vấn trực tiếp.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Tôi mong Thủ tướng trả lời

Về tình trạng thiếu điện kéo dài và chậm khắc phục, tôi đã gửi chất vấn đến Phó Thủ tướng sau kỳ họp thứ bảy nhưng chưa được trả lời. Và tại kỳ họp này, nếu Phó Thủ tướng không đăng đàn trả lời chất vấn, tôi mong sẽ nhận được câu trả lời từ Thủ tướng.

Mặc dù Bộ trưởng NN-PTNT không trả lời chất vấn kỳ này, nhưng tôi vẫn gửi câu hỏi của cử tri để Bộ trưởng trả lời. Về quy hoạch hệ thống phòng chống lũ bão trong điều kiện nước biển dâng, biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ miền Trung, có biện pháp nào để tránh thiệt hại do lũ bão gây ra không? Đây là việc lớn vì mỗi lần lũ bão là thiệt hại không nhỏ, trong khi đó chúng ta đã có Pháp lệnh PCLB, Luật Đê điều. Nhất là phải điều tra vấn đề sau khi có đường mòn Hồ Chí Minh và các công trình thủy điện nhưng tại sao nước vẫn dâng nhanh như thế, bài toán này phải được lý giải.

ĐB Nguyễn Lân Dũng: Chi cho Đại lễ bao nhiêu?

Tại kỳ họp này tôi đã gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính câu hỏi: “Đề nghị xác định lại thông tin cho rằng chi phí cho Đại lễ lên đến 90.000 tỷ đồng. Và việc mua từ châu Phi 2.000 viên rubi để lắp mắt cho 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm? Trong khi đồng bào miền Trung đang bị lũ chồng lên lũ thì chi phí cho Đại lễ có lãng phí quá hay không?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã trả lời rất chung chung rằng, kinh phí tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được thực hiện từ nhiều nguồn, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn huy động đóng góp của các cá nhân, tổ chức... Các khoản chi từ ngân sách các địa phương, trong đó chủ yếu là Hà Nội, thẩm quyền quyết định chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do HĐND, UBND địa phương quyết định. Hiện Bộ Tài chính đang yêu cầu UBND Hà Nội báo cáo, địa phương đang tổng hợp, quyết toán và sẽ báo cáo sau.

Tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề này tại phiên chất vấn trực tiếp. Bộ Tài chính phải yêu cầu địa phương báo cáo rõ để người dân và cử tri được biết, chứ không chỉ chờ báo cáo mà không biết thời hạn bao giờ sẽ có báo cáo. Từ khi kỳ họp QH đến nay, cả Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đều không đưa ra con số cụ thể nào khi trả lời ĐB và báo chí.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Tại sao thủy điện cứ xả lũ hại dân thế?

Tôi đã gửi Bộ trưởng Bộ Công thương câu hỏi: Tại các kỳ họp trước, Chính phủ có hứa là sẽ sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa đối với các hồ đập. Vậy Bộ trưởng cho biết hiện đã có bao nhiêu quy trình được ban hành, vận dụng thực tế có tác dụng đến đâu? Chẳng biết thủy điện vận hành kiểu gì mà cứ xả lũ hại dân thế?”.

Một câu hỏi nữa là cơ sở nào để hạn chế cắt điện sinh hoạt của nhân dân trong các năm 2010-2011 như Bộ trưởng đã cam kết? Dự kiến sẽ cắt điện bao nhiêu phần trăm? Tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Công thương cho cử tri biết vì sao tại báo cáo nghiệm thu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng cho rằng hệ số hoàn vốn RSS còn cao hơn cả tính toán ban đầu, dù thời gian xây dựng và vốn đầu tư tăng gần gấp 3 lần?

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): K+ làm phương hại quyền hưởng thụ của người dân

Tôi đã gửi câu hỏi chất vấn Chính phủ về việc K+ tạo độc quyền trong kinh doanh làm phương hại đến quyền hưởng thụ chính đáng của nhân dân kèm lá đơn kiến nghị của Hội Cổ động viên (bóng đá) Việt Nam liên quan đến việc VTV liên kết với đối tác nước ngoài thành lập doanh nghiệp K+ độc quyền phát một số chương trình được đông đảo nhân dân quan tâm.

Điều này không những buộc khách hàng của mình phải nộp thêm những khoản phí vô lý mà còn làm phương hại đến quyền hưởng thụ của đông đảo người xem, hiện gây dư luận xấu đối với VTV- một DN đặc thù của Nhà nước. Tại sao một DNNN có thể độc quyền trong hoạt động kinh tế để làm phương hại đến quyền được hưởng thụ những giá trị truyền thông lành mạnh của người dân?

ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội): Cử tri không đồng tình, QH không "thông" thì đừng theo đuổi

Vì sao Chính phủ vẫn quyết tâm xây dựng dự án đường sắt cao tốc trong khi tại kỳ họp vừa rồi QH đã quyết định không thông qua dự án này và cũng không hề có Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và triển khai bất cứ một đoạn đường sắt cao tốc nào? Trước khi khai mạc kỳ họp này nhiều cử tri phản ánh với tôi là họ không đồng tình dự án đường sắt “siêu tốc”, nhưng Chính phủ vẫn cứ theo đuổi gây tốn kém thời gian và lãng phí tiền của.

Vấn đề thứ hai tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về chất lượng giao thông. Nhà nước đầu tư nhiều tiền của xây dựng đường sá, cầu cống nhưng nhiều công trình chưa làm xong đã hỏng; giải pháp mở rồi lại bịt ngã tư ở thành phố lớn không cải thiện được tắc đường mà giao thông lại càng thêm rối.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm