| Hotline: 0983.970.780

4 cựu 'sếp lớn' BSR đối diện án chung thân tội nhận tiền Oceanbank

Thứ Hai 21/01/2019 , 07:05 (GMT+7)

Ngày 21/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm giai đoạn 2 đối với 4 cựu sếp lớn Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) do liên quan đến việc gửi tiền, nhận lãi ngoài từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

4 bị can cùng bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 355, BLHS năm 2015 gồm Vũ Mạnh Tùng (SN 1974, nguyên Phó TGĐ BSR); Nguyễn Hoài Giang (SN 1968, nguyên Chủ tịch BSR); Phạm Xuân Quang (SN 1980, nguyên Kế toán trưởng BSR); Đinh Văn Ngọc (SN 1973, nguyên TGĐ BSR)…

14-16-48_binh_son
4 cựu sếp lớn BSR đối diện án chung thân tội nhận tiền Oceanbank

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ năm 2009 đến 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ của ngân hàng Oceanbank - tổ chức tín dụng Tập đoàn Dầu khí góp 20% vốn điều lệ, Công ty BSR đã gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn tại Oceanbank chi nhánh Quảng Ngãi. Các cựu sếp lớn của BSR đã ký hàng loạt văn bản, hợp đồng gửi tiền và nhận hàng chục tỷ đồng tiền chi lãi ngoài từ Oceanbank.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Hoài Giang khi làm Tổng giám đốc BSR đã ký 19 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với tổng số tiền hơn 11.500 tỷ đồng và 23 triệu USD. Sau đó, khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV, Nguyễn Hoài Giang đã ký phê duyệt 15 tờ trình để BSR gửi tiền vào Oceanbank.

Người kế nhiệm chức Tổng giám đốc BSR từ nguyễn Hoài Giang là Đinh Văn Ngọc cũng ký 6 tờ trình gửi 1.840 tỷ đồng và 12 tờ trình đề xuất gia hạn gửi hơn 12.000 tỷ đồng. Còn Phó tổng giám đốc Vũ Mạnh Tùng ký 35 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với tổng số 7.830 tỷ đồng. Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng BSR, bị cáo buộc ký liên quan việc đề xuất cấp trên ký tổng cộng 56 hợp đồng tiền gửi với tổng số hơn 19.400 tỷ đồng và 23 triệu USD.

Căn cứ vào khoản gửi của BSR, theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank lúc đó, về việc chi trả lãi ngoài tiền huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng này là bà Nguyễn Minh Thu nhận tiền từ hội sở để chi cho các sếp lớn của BSR, gọi là tiền chăm sóc khách hàng.

Mặc dù kết quả điều tra xác định nhóm lãnh đạo BSR không thỏa thuận hay đòi hỏi việc chi tiền ngoài từ Nguyễn Minh Thu, tuy nhiên, đến kỳ chi lãi ngoài, Nguyễn Minh Thu căn cứ vào số dư tiền gửi của BSR để lập bảng kê theo mức lãi suất được duyệt để báo cáo Hà Văn Thắm. Mức chi dựa vào sự ảnh hưởng của các sếp BSR trong việc gửi tiền vào Oceanbank. Trong đó, Nguyễn Hoài Giang, Vũ Mạnh Tùng giữ vai trò chính.

Cụ thể, tại các phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm giai đoạn 1 và tại Cơ quan điều tra, các bị cáo, bị can và người liên quan đã khai nhóm lãnh đạo chủ chốt của Lọc hóa dầu Bình Sơn nhận hơn 10 tỷ đồng từ Nguyễn Minh Thu tại trụ sở công ty hoặc nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong đó Nguyễn Hoài Giang nhận 2,9 tỷ đồng, Vũ Mạnh Tùng nhận hơn 3,7 tỷ đồng, Phạm Xuân Quang nhận 2,2 tỷ đồng, Đinh Văn Ngọc nhận ít nhất, chỉ 1,5 tỷ…

Các bị can khai do không có thông tin gì về việc Oceanbank có chủ trương chi lãi ngoài nên không kê khai, hạch toán số tiền trên vào công ty. Tại phiên xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm giai đoạn I, các bị can này không khai về việc được nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Nguyễn Minh Thu vì sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quá trình điều tra, truy tố, các bị can đều thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Nguyễn Hoài Giang, Vũ Mạnh Tùng, Phạm Xuân Quang và Đinh Văn Ngọc đã chủ động khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền chiếm đoạt.

Căn cứ tội danh bị truy tố của các bị cáo tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì 4 cựu sếp lớn của BSR sẽ phải đối mặt với mức án từ 20 năm tù đến chung thân.

Ngoài 4 bị cáo nói trên, HĐXX đã triệu tập một loạt các tổ chức, cá nhân đến phiên tòa để làm rõ các nội dung liên quan, gồm: Hà Văn Thắm (SN 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank); Nguyễn Minh Thu (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank);  Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank); Trần Thị Thiên Ngân (SN 1977, nguyên Giám đốc Chi nhánh Oceanbank Đà Nẵng) và Phan Thị Tú Anh (SN 1964, nguyên Giám đốc Chi nhánh Oceanbank Quảng Ngãi)…

Đa số những người bị triệu tập đều đã bị tuyên án trong đại án Hà Văn Thắm giai đoạn 1, riêng cựu Chủ tịch Oceanbank mới đây bị khởi tố thêm tội mới do chỉ đạo cấp dưới ký kết hơn hợp đồng khống để rút tiền hoàn ứng chi lãi ngoài và tiếp khách.

Việc khởi tố được thực hiện khi cơ quan chức năng điều tra việc ông Hà Văn Thắm chỉ đạo đồng phạm là Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán Oceanbank) và Lê Thị Thu Thủy (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của Oceanbank) tạo dựng các hợp đồng dịch vụ khống, rút tiền chuyển vào tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương để hoàn ứng tiền chi lãi ngoài, chi tiếp khách và đối ngoại.

Theo điều tra, giai đoạn 2010-2013, Oceanbank đã chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền số tiền lớn dẫn đến không còn nguồn tiền để hoàn ứng. Sau đó, Hà Văn Thắm chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy phối hợp với bộ phận kinh doanh tìm nguồn tiền nộp vào tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương.

Oceanbank được xác định đã ký kết hơn 40 hợp đồng khống có nội dung chủ yếu là dịch vụ quảng cáo, thuê trụ sở, tổ chức hội nghị... Thực tế giá trị hợp đồng chỉ hơn 14 tỷ nhưng Oceanbank đã thanh toán gần 130 tỷ đồng. Bằng cách này, đối tác đã chuyển lại cho Oceanbank hơn 80 tỷ đồng.

Số tiền nêu trên được nhà băng này dùng để chi lãi ngoài cho Lọc Hóa dầu Bình Sơn, PVI hay PVPower. Hà Văn Thắm cũng sử dụng một phần nhưng chưa xác định được mục đích. Trong giai đoạn 1 vụ án, Hà Văn Thắm bị kết án chung thân, Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình.

Ngày 22/1, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án các bị cáo.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm