| Hotline: 0983.970.780

4 đề xuất nuôi cá lòng hồ

Thứ Tư 20/11/2019 , 09:15 (GMT+7)

Nước ta có gần 7.000 hồ các loại với tổng diện tích có thể nuôi trồng thủy sản lên đến hàng trăm nghìn héc-ta là một tiềm năng lớn.

Mới đây, TS Phan Đinh Phúc, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đề xuất 4 giải pháp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả bền vững.

Các loại hồ và hình thức nuôi cá

Hồ ở nước ta được xây dựng với nhiều mục tiêu khác nhau: Thủy lợi, thủy điện, kiểm soát lũ, cung cấp nước sinh hoạt. Có hồ đơn mục tiêu và có hồ đa mục tiêu. Tổng thể đang có 6.336 hồ thủy lợi và hơn 500 hồ thủy điện, trong đó có 13 hồ lớn với diện tích mỗi hồ hơn 5.000 ha và hồ Trị An lớn nhất với diện tích 32.400 ha. Hồ nhỏ có diện tích dưới 1.000 ha. Hồ chủ yếu ở vùng trung du và miền núi, trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

11-55-21_1911191
Lồng nuôi cá tại hồ Trị An.

Nuôi cá lòng hồ có 4 hình thức: nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến, nuôi có quản lý, nuôi lồng, nuôi đăng chắn. Nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến phổ biến ở hồ chứa lớn và vừa, dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Hình thức này chủ yếu là bảo vệ và khai thác nguồn lợi tự nhiên, hàng năm có thả thêm cá giống một cách thường xuyên hoặc không thường xuyên. Các loài cá thả thêm là mè, trắm cỏ, trôi, rô phi, chép, là chính.

Cũng phổ biến ở hồ chứa lớn và vừa là nuôi cá lồng nổi. Gồm lồng bằng lưới, gỗ, tre; đa số thâm canh. Cá nuôi rất đa dạng, hầu như các địa phương có loại cá nào đều được đưa vào lồng nuôi; từ lóc, trê, mè, trắm đến điêu hồng, bống tượng, chép giòn, chạch lấu và nhiều loại cá mới thuần hóa như nheo Mỹ, tầm, cá chẽm (thuần hóa nước ngọt).

Nghề nuôi cá hồ có quản lý (culture-based fisheries-CBF) phổ biến ở hồ vừa và nhỏ. Chủ thể nuôi thả cá giống trực tiếp vào hồ, có quản lý chăm sóc, thu hoạch. Cá giống được thả hàng năm, quản lý bảo vệ, bổ sung thức ăn, thu hoạch theo kế hoạch. Chủ yếu thả các loài mè, trắm, trôi Ấn, rô phi, chép, mè vinh.

Còn nuôi cá đăng chắn là chắn một khu vực khép kín, nước cạn, thường là một khe hay vịnh nhỏ có khả năng chắn gió mạnh để nuôi cá. Hình thức này chỉ áp dựng ở những nơi hồ nước có nhiều chi lưu và đang bị chính quyền địa phương hạn chế.
 

Thăng trầm nghề nuôi cá hồ

Theo các nghiên cứu, thời kỳ kinh tế bao cấp, nuôi cá hồ chủ yếu quảng canh – quảng canh cải tiến do Nhà nước quản lý. Sau khoảng 30 năm không phát triển, khi đất nước mở cửa chuyển sang thời kinh tế thị trường thì giai đoạn đầu từ 1986 – 1995, nghề nuôi cá hồ suy thoái, sản lượng ước tính giảm 20 – 25% so với giai đoạn trước. Tổng sản lượng cá nuôi hồ trên cả nước trung bình một năm chỉ được 1.028 tấn.

Sang giai đoạn 1996 – 2005, nhiều chủ thể tham gia quản lý nghề cá hồ (hộ cá thể, cộng đồng, nhà nước, công ty tư nhân…). Các mô hình CBF phát triển mạnh và đạt hiệu quả tốt ở những hồ chứa nhỏ. Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh nhưng sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ, đối tượng nuôi chưa đa dạng.

Từ năm 2006 đến nay, các mô hình CBF tiếp tục phát triển và đạt hiệu quả tốt ở các hồ chứa nhỏ. Nghề nuôi cá lồng đã rộng khắp các vùng trong cả nước, quy mô sản xuất được nâng cao, đối tượng nuôi đa dạng. Đặc biệt, các hồ chứa lớn bắt đầu thả cá tái tạo nguồn lợi một số loài bản địa.

Nghiên cứu trên diện tích nuôi cá lòng hồ cả nước 120.742 ha, sản lượng cá năm 2001 là 31.869 tấn, đến năm 2008 tăng lên 69.291 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 11,73%. Hiện nay, năng suất cá một năm nuôi ở hồ nhỏ đạt tới 1.500 kg/ha; ở hồ cỡ vừa là 700 kg/ha, còn hồ lớn 200 kg/ha.

Riêng về nuôi lồng nổi, thể tích lồng năm 2001 là 17.034 m3 đến năm 2008 tăng lên 52.528 m3, bình quân tăng hàng năm 17,45%. Năng suất cá nuôi lồng cũng tăng, hiện nay đã đạt trung bình từ 30 – 40 kg/m3.

Về tiêu thụ, cá đánh bắt từ hồ chủ yếu bán tươi, một ít qua đông lạnh, toàn bộ tiêu thụ thị trường trong nước. Vì bán tươi nên hầu hết bán tại địa phương, một số loại đặc sản có thể bán được ra ngoài đia phương. Tiêu thụ hạn hẹp nên giá sản phẩm không ổn định, thay đổi theo mùa và theo nhu cầu của một bộ phận nhỏ dân cư.
 

Bốn giải pháp phát huy tiềm năng

Nghiên cứu của TS Phan Đinh Phúc ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đánh giá, tiềm năng mặt nước hệ thống hồ khá lớn, có thể tăng sản lượng nuôi thủy sản lên gấp nhiều lần hiện nay. Đối tượng nuôi đa dạng và nuôi được khắp đất nước với mỗi vùng có những tiềm năng đặc thù về sản phẩm thủy sản.

11-55-21_1911192
Lồng nuôi cá tầm của Công ty Cá tầm Việt Nam ở hồ thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức là cơ sở hạ tầng yếu, trình độ công nghệ nuôi và chế biến thủy sản nuôi lòng hồ còn lạc hậu nên năng suất lẫn hiệu quả kinh tế đều thấp. Nhất là công nghệ sản xuất thủy sản ở hồ nhìn chung còn rất lạc hậu. Một số hồ không ưu tiên cho phát triển nghề cá, chưa có quy hoạch chi tiết về những vùng nuôi lồng trên các hồ.

Theo TS Phúc, cần vượt qua các thách thức, chú trọng phát triển nuôi cá lòng hồ bởi ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa xã hội vì hệ thống hồ nằm ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa để góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân. Đẩy mạnh việc nuôi cá ở các hồ vừa và lớn với những loài thủy đặc sản gắn với vùng miền, những loài có giá trị xuất khẩu để phát triển kinh tế và du lịch.

Có 4 giải pháp TS Phúc đưa ra về chính sách, tổ chức quản lý sản xuất, thị trường và khoa học công nghệ. Trước tiên, về cơ chế chính sách, cần có tín dụng ưu đãi cho người nuôi cá lồng, thu hút đầu tư nghề nuôi cá lồng trên hồ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính sách quy định giá cho thuê mặt nước với diện tích/thể tích nuôi lồng trên hồ. Còn về tổ chức quản lý sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo chuỗi đối với nghề nuôi cá lồng trên hồ, tổ chức cộng đồng quản lý nuôi cá lồng.

Giải pháp thị trường, chú trọng cả nội địa lẫn xuất khẩu. Để đẩy mạnh xuất khẩu, các hiệp hội và doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng, còn thị trường trong nước khuyến khích hình thành các kênh phân phối đến các chợ, siêu thị, nhà hàng; gắn các sản phẩm đặc thù của địa phương với du lịch.

Giải pháp khoa học công nghệ, hoàn thiện việc nghiên cứu phát triển các giống thủy đặc sản và nâng cao chất lượng con giống cho nghề nuôi cá lồng ở hồ. Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho nghề nuôi lồng nhằm sản xuất ra lượng lớn sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

"Cần quy hoạch chi tiết các hồ có thể nuôi cá lồng, các vùng nuôi lồng trong các hồ chứa lớn và vừa. Hướng phát triển nghề nuôi cá lòng hồ (trọng tâm nuôi cá lồng ở các hồ lớn) là sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Chế biến các phụ phẩm thành các loại thực phẩm chức năng, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; chế biến thức ăn cho gia súc và gia cầm…để gia tăng giá trị sản phẩm". -TS Phan Đinh Phúc.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm