| Hotline: 0983.970.780

4 loại tên lửa Syria có thể dùng để hạ gục tiêm kích F-16 Israel

Thứ Hai 12/02/2018 , 19:28 (GMT+7)

Lực lượng phòng không Syria sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không tầm trung và xa, đủ sức bắn rơi tiêm kích hiện đại của Israel.

Một tiêm kích F-16 của không quân Israel hôm 10/2 bị tên lửa Syria bắn hạ khi thực hiện chiến dịch không kích căn cứ quân sự Iran trên lãnh thổ nước này. Quân đội Syria chưa công bố loại tên lửa được dùng để bắn hạ chiếc F-16, giới chuyên gia quân sự cho rằng lực lượng phòng không Syria nước này đang sở hữu 4 loại tên lửa có uy lực, đủ sức bắn hạ các máy bay hiện đại của Israel, theo IISS.
 

S-200 Vega

Tổ hợp phòng không tầm xa S-200 Angara/Vega được Liên Xô phát triển vào thập niên 1960 để bảo vệ các khu vực hành chính, công nghiệp và quân sự tối quan trọng khỏi các cuộc tập kích đường không. Đây là tổ hợp tên lửa phòng không có kích thước và tầm bắn lớn nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, cũng là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất trong biên chế quân đội Syria.

S-200 là mẫu tên lửa phòng không cuối cùng kết hợp động cơ chính nhiên liệu lỏng và tầng đẩy sơ tốc nhiên liệu rắn, cũng là tổ hợp cuối cùng của Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) được đặt trên các bệ phóng cố định. Phiên bản S-200A Angara có tầm bắn 180 km được biên chế cho PVO vào năm 1966, trong khi Syria đang biên chế mẫu S-200VE Vega ra đời trong thập niên 1970 với tầm bắn lên tới 300 km.

Dù ra đời trong thập niên 1960-1970, tổ hợp S-200 vẫn có khả năng nâng cấp sâu, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại như S-300. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định Syria đang có ít nhất 48 bệ phóng, tương đương với 8 tiểu đoàn tên lửa S-200.

Bệ phóng tên lửa S-200 của Syria. Ảnh: Twitter.

Mỗi quả đạn 5V28 của S-200 dài 10,8 m, nặng 7,1 tấn, mang đầu đạn nổ mảnh nặng 217 kg và trang bị ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Quả đạn có tốc độ tối đa 9.000 km/h, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 km và độ cao 40 km.

Điểm yếu của hệ thống S-200 chính là bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh. Một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi, nhưng khả năng cơ động kém vẫn là điểm yếu chết người của tổ hợp này.

Trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn, các trận địa S-200 dễ bị vô hiệu hóa bằng tên lửa hành trình trước khi kịp đe dọa máy bay đối phương. Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn có sức đe dọa nhất định trong các xung đột nhỏ, hoặc đóng vai trò như lá chắn răn đe hoạt động của không quân đối phương.
 

S-125 Pechora

Hệ thống S-125 Neva/Pechora được Liên Xô phát triển để bổ sung lưới phòng không tầm trung, bên cạnh dòng S-25 Berkut và S-75 Dvina. So với tên lửa tiền nhiệm S-75 Dvina, S-125 có tầm bắn và trần bắn kém hơn, nhưng sở hữu khả năng đánh chặn mục tiêu cơ động như tiêm kích tốt hơn.

Các phiên bản S-125 cũng có thể đánh chặn mục tiêu bay thấp hơn so với tổ hợp S-75, trong khi khả năng kháng nhiễu được tăng cao đáng kể. Mỗi tổ hợp bao gồm 4 bệ phóng với tối đa 16 quả đạn trong tình trạng sẵn sàng phóng. Tên lửa 5V27 của tổ hợp S-125 có tầm bắn 35 km và trần bắn 18 km, tốc độ tối đa 4.320 km/h. 

Tới đầu thập niên 2000, Nga bắt đầu phát triển biến thể S-125-2M "Pechora-2M", nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho các tổ hợp S-125 đời cũ. Hệ thống này có khả năng kết nối với những tổ hợp phòng không tầm xa như S-300, được trang bị nhiều cảm biến mới để phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh.

Tổ hợp S-125-2M được Nga chuyển giao cho Syria. Ảnh: Blogspot.

Kính ảnh nhiệt trên phiên bản S-125-2M có thể phát hiện tiêm kích F-16 từ khoảng cách 30 km mà không đánh động phi công đối phương như radar thông thường. Điều này cho phép kíp vận hành bám bắt mục tiêu và bất ngờ phóng tên lửa, không để máy bay địch kịp phản ứng.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Syria đang biên chế 148 bệ phóng S-125 Pechora và 12 bệ phóng S-125-2M.
 

2K12 Kub

Hệ thống phòng không tầm trung 2K12 Kub được Liên Xô thiết kế năm 1959, trước khi sản xuất đại trà trong giai đoạn 1968-1985. Một khẩu đội 2K12 gồm 4 xe chiến đấu, mỗi chiếc trang bị ba tên lửa, cùng 4 xe tải mang theo 12 quả đạn dự trữ và hệ thống lắp đạn. Toàn bộ các xe chiến đấu và đài radar đều được đặt trên khung gầm bánh xích, giúp tăng khả năng cơ động trên địa hình phức tạp, dễ dàng bảo vệ đội hình tăng thiết giáp và tránh bị đối phương đánh trả.

Radar 1S91 của tổ hợp 2K12 gồm radar cảnh giới 1S11 và đài dẫn bắn 1S31, cùng bộ thiết bị nhận diện địch ta (IFF) và kênh bám bắt quang học. Đài 1S91 được cho là có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 75 km và bắt đầu dẫn bắn trong tầm 28 km.

Tên lửa 9M336 được trang bị ngòi nổ chạm và cận đích, có tầm bắn hiệu quả 24 km và độ cao tối đa 14 km. Quả đạn sử dụng hệ thống đẩy với tầng sơ tốc chạy bằng nhiên liệu rắn, sau khi nhiên liệu cháy hết, khoang chứa rỗng sẽ trở thành buồng đốt cho động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). Thiết kế này được coi là đi trước thời đại, vượt trội so với các tên lửa phòng không cùng thời của phương Tây. 9M336 có thể đạt tốc độ tối đa 3.460 km/h, đủ khả năng đe dọa mọi chiến đấu cơ hiện đại.

Syria biên chế khoảng 200 bệ phóng Kub trước khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Một số hệ thống có thể đã bị phá hủy hoặc rơi vào tay quân nổi dậy trong 7 năm chiến tranh.
 

9K317 Buk-M2E

Buk là hệ thống phòng không tầm trung tự hành do Liên Xô phát triển và được Nga cải tiến, nhằm thay thế những tổ hợp 2K12 Kub lạc hậu. Đây là một trong những vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế quân đội Syria hiện nay. SIPRI cho biết Damascus đã nhận bàn giao 5 tiểu đoàn Buk-M2E với tổng trị giá một tỷ USD trong giai đoạn 2010-2013.

Xe phóng đạn của tổ hợp Buk-M2E do Nga chế tạo. Ảnh: ROE.

Buk-M2E là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Buk-M2 hiện đại hóa cho quân đội Nga, được Moscow biên chế từ năm 2008. Mỗi tổ hợp Buk-M2E có thể tấn công tối đa 24 mục tiêu cùng lúc trên nhiều hướng khác nhau.

Một hệ thống Buk-M2E tiêu chuẩn gồm 6 xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A317E. Mỗi xe TELAR được trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn 9S36E để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm.

Xe 9A317E được lắp 4 quả đạn tên lửa có tầm bắn tối đa 45 km, sử dụng nhiên liệu rắn với tốc độ tối đa 4.940 km/h. Mỗi quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng 70 kg, kích hoạt bằng ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Ngoài các loại máy bay và tên lửa hành trình bay thấp, tổ hợp Buk-M2E cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách 20 km.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất