| Hotline: 0983.970.780

4 năm làm việc như không

Thứ Tư 09/06/2010 , 11:09 (GMT+7)

Đã bao giờ cô bị người khác gọi theo nghĩa “hữu danh vô thực” chưa? Vậy mà cháu đã chịu đựng 4 năm rồi đấy.

Cháu chào cô!

Cháu năm nay 26 tuổi, vừa lập gia đình năm 2009. Chồng cháu là bộ đội chuyên nghiệp, đóng quân cách nhà 100 km. Tụi cháu yêu nhau 1 năm rưỡi (ở cùng quê) rồi đi đến hôn nhân. Chúng cháu ở cùng bố mẹ chồng. Chuyện gia đình chưa có gì đáng nói, thư này xin cô tư vấn về công việc.

Đã bao giờ cô bị người khác gọi theo nghĩa “hữu danh vô thực” chưa? Vậy mà cháu đã chịu đựng 4 năm rồi đấy.

Học CĐSP tỉnh 3 năm, giữa năm 2006 cháu ra trường, về quê làm cô giáo làng, dạy hợp đồng trường THCS xã bên cạnh. Ban đầu cháu và các bạn cùng huyện nghĩ ai rồi cũng sẽ từ từ được tuyển dụng sau một thời gian hợp đồng. Trong thời gian chờ đợi, cháu vừa dạy học vừa đăng ký liên thông lên đại học để mong có tấm bằng cao hơn và cơ hội nhiều hơn. Làm hợp đồng năm có năm không, gọi là giáo viên nhưng không có BHYT, không BHXH, hè nghỉ không lương…

Có lẽ đi đại học trong thời gian này cũng là một bước đi sai lầm của cháu. Bời vì càng gần đến kỳ tuyển dụng của huyện thì chúng cháu thấy càng vô vọng. Các huyện khác cũng có tuyển dụng ngành học của chúng cháu được đào tạo nhưng số lượng rất ít, chỉ có con em huyện đó mới được. Và đến giữa năm 2007 thì dường như tất cả đều dừng tuyển Toán, Văn, Anh văn. Riêng huyện cháu đến năm 2008 thì bảo thẳng là thừa gần 100 giáo viên Văn trong biên chế nên tạm thời dừng tuyển. Như vậy tụi cháu càng chờ càng mong manh. Một số ít bạn của cháu dạy Toán, Văn, Anh văn đã đi Tây Nguyên hoặc lên Lai Châu, Sơn La. Song cũng có người ở lại quê dạy hợp đồng năm có năm không.

Gần đây huyện cháu mới mở lớp trung cấp tại chức tiểu học dành cho các đối tượng đã tốt nghiệp Cao đẳng hay đại học chuyên ngành Toán, Văn, Anh văn nhưng chưa được vào biên chế. Học dưới dạng tại chức, hệ trung cấp, văn bằng 2 để cho chúng cháu có “cơ hội” tuyển dụng vào ngành tiểu học vì ngành này còn đang thiếu giáo viên (chứ không phải họ hứa học đi rồi chắc chắn chúng cháu được tuyển dụng). Nếu may mắn 1 năm nữa học xong (cũng 5 – 6 năm từ khi ra trường) thì được tuyển. Và khi đó, bằng đại học hay cao đẳng cũng không giá trị gì.

Vậy tụi cháu có nên theo học ngạch học này không cô? Hay là phải bỏ quê hương bởi có ở lại cũng không bao giờ được tuyển dụng thành giáo viên chính thức? Rất nhiều bạn cháu ra trường được bằng Giỏi và bằng Khá mà vẫn phải chờ đó cô?

Mong cô cho tụi cháu một lời khuyên.

Cháu gái: Hoa Hướng Dương

Cháu thân mến!

Bây giờ ở đâu trên thế giới cũng bị cảnh người đông của khó. Dân số bùng nổ, miếng ăn khó khăn, công việc không đủ mà nhiều vùng còn bị sa mạc hóa. Chắc cháu cũng nghe thấy trên báo đài và Internet, người thất nghiệp khiến các thành phố bất an hơn và mọi người cùng chán nản, gầm ghè nhau qua từng ngày sống. Làm sao tránh được tâm trạng bi quan này? Không sao thoát ra như kẻ ngoại cuộc được. Là vì nhân loại đang thời kỳ bế tắc chung đó thôi.

Không riêng gì sư phạm, ngành nghề nào cũng vừa thừa vừa thiếu tùy vào nhu cầu và điều kiện của mỗi địa phương. Như trong thư cháu viết, tỉnh cháu thì có vẻ thừa nhưng Tây Nguyên và Tây Bắc thì lại thiếu, luôn luôn thiếu. Trước tiên phải nói đến 2 nguyên do khiến cho xã hội nghèo mà lãng phí nhân lực: đào tạo nhắm chừng tự phát và bệnh sĩ. Bản thân ngành giáo dục nói chung, và công việc đào tạo các loại nghề nói riêng không theo qui hoạch nào cả, hình như tất cả là do sự tự phát của cầu và cung nên thầy thừa thợ thiếu. Trên hết, còn do cái bệnh sính bằng cấp cao của dân mình, học lực trung bình cũng phải gò lần 2 lần 3 để vào được đại học, cơm cha áo mẹ công thầy 4 năm ra trường, không có việc, chịu thua! Tại sao không học cái gì đó dễ hơn, vào đời sớm, kiến tiền nhanh và rồi sẽ “liên thông” vào lúc thuận tiện?

Cháu đã sai lầm ngay khi vừa lấy chồng, chưa có tuyển dụng mà đã “liên thông”. Có phải cái bệnh sính bằng đại học không? Cô vẫn luôn quý các cô tiểu học vì ở cấp này con người được vun đắp nhiều nhất, vì vậy mà các cô giáo cũng cực nhất và nếu mình yêu nghề thì thú vị nhất đấy. Một mình một lớp 1, mệt mà vui với những thiên thần không bao giờ quên hình ảnh thiêng liêng này trong suốt cuộc đời của chúng. Vậy mà người giỏi đi thi đại học hết để được dạy cấp II và cấp III cho oách cơ.

Và khi cung đã thừa thì các cháu bị “rơi” thẳng đứng xuống tiểu học, âu cũng là chuyện quy luật, cung và cầu. Nhưng làm việc gì cũng phải học mới chuyên sâu được. Ví như cháu và các bạn đã có bằng đứng bếp nhưng giờ làm ăn khó khăn bán buôn ế ẩm mọi người phải bị đôn xuống chân chạy bàn, phải học ngắn hạn để biết mà làm xẹc-via cho giỏi, thế thôi. Đó cũng là cách mà tỉnh họ điều chỉnh nhân lực, lao động, con người trong địa phương của họ.

Không việc gì phải xa nhà xa quê cháu ạ. Hãy đi trung cấp ngạch tiểu học để được tuyển dụng và có việc, có lương ổn định đã. Hãy ngưng chương trình liên thông đại học đi để còn đẻ con nữa. Không biết chừng giờ cháu đã có bầu, rồi thì ngay việc đi ngạch tiểu học cũng không thực hiện được nữa là. Lên sâu khấu ai cũng mong mình là đào kép chính nhưng lực bất tòng tâm, vai phụ cũng cần, mình xem nó trọng thì nó là trọng, thế thôi. Phàm ở đời, biết mình biết thời thì dễ sống, không cầu cao quá mà chi, ấm bụng và ấm thân thì việc gì cũng không là mọn hết.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất