| Hotline: 0983.970.780

40 lao động tại Malaixia về quê: Hạnh phúc và nỗi lo

Thứ Năm 12/04/2012 , 09:59 (GMT+7)

Sau gần 2 tháng bơ vơ không việc làm, 40/52 lao động Việt Nam bị phía Malaixia tạm giữ đã về quê an toàn trong niềm vui mừng, hạnh phúc khôn xiết của người thân.

Sau gần 2 tháng bơ vơ không việc làm, 40/52 lao động Việt Nam bị phía Malaixia tạm giữ trong tổng số 69 lao động được Cty CP Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) cung ứng cho Cty ASMANA (Malaixia) tháng 7/2010 đã về quê an toàn trong niềm vui mừng, hạnh phúc khôn xiết của người thân. Thế nhưng ẩn sau niềm vui đó là nỗi lo nợ nần và việc làm trong thời gian tới của chính người lao động và gia đình họ.

Sự quan tâm của Chính phủ 2 nước

Nhận được thông tin chuyến bay VN 680 từ Cualalămpơ, lúc 20h10’ ngày 10/4/2012 (giờ địa phương) chở 40 lao động Việt Nam từ Malaixia hạ cánh sân bay Nội Bài, sáng ngày 11/4, PV NNVN đã đến xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), địa phương có nhiều lao động trở về cố ghi những khoảnh khắc đoàn viên sau bao ngày tháng thấp thỏm âu lo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lao động trên được hợp đồng sang làm việc dịch vụ như lau chùi, dọn dẹp tại các bệnh viện ở Malaixia với mức lương 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Mọi việc thuận buồm xuôi gió cho đến tháng 7/2011, lao động Việt Nam phát hiện Cty môi giới lao động (Cty Houseproud Asia) vẫn chưa đóng tiền thuế Levy và làm thủ tục gia hạn vi-sa năm thứ hai cho mình vì lý do tài chính. Thay vào đó, họ chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt - Special pass cho người lao động hàng tháng kể từ tháng 8/2011 (thời hạn hết hạn vi-sa năm thứ nhất) đến ngày 31/1/2012.

Chị Phạm Thị Tình, thôn 7, Cẩm Duệ cho biết: Khi biết hết hạn vi-sa, bọn em đã đề nghị Cty môi giới đóng tiền thuế Levy và làm thủ tục gia hạn vi-sa để được tiếp tục làm việc, nhưng sau nhiều lần khiếu nại, Cty không những không giải quyết mà còn bảo 52 người bọn em tạm thời ở nhà không đến làm việc, rồi họ cho người đến hứa năm lần bảy lượt bảo ít ngày nữa sẽ gọi đến làm. Đợi gần 1 tháng, tiền ăn, sinh hoạt hết, lương tháng trước không được Cty trả nên bọn em phải vay mượn bạn bè ăn uống cầm cự cho qua ngày.

Sự việc trở nên phức tạp khi ngày 21/2/2012, Cty FABER là thầu chính của Cty ASMANA quyết định chấm dứt hợp đồng sử dụng lao động dịch vụ tại các bệnh viện với Cty ASMANA. 52 lao động của Việt Nam (chủ yếu là lao động người huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Quỳ Hợp, Nghi Lộc (Nghệ An) và Thái Nguyên) bị cơ quan nhập cư của địa phương tạm giữ vì cư trú quá hạn. Trong thời gian này, toàn bộ số lao động trên được lực lượng cảnh sát địa phương Malaixia bảo vệ và cung cấp thức ăn, nước uống chu đáo.

Về phía nước ta, ngay khi sự cố xảy ra, Ðại sứ quán, Ban quản lý lao động, chuyên gia Việt Nam tại Malaixia và Công ty Việt Hà đã tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan của Malaixia cùng Cty ASMANA và Cty môi giới lao động để giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho toàn bộ lao động Việt Nam bị tạm giữ.

Đến chiều 9/4, 52 lao động đã được Ðoàn công tác và Sứ quán Việt Nam đưa ra khỏi nơi tạm giữ về nghỉ tại Ðại sứ quán nước ta ở Thủ đô Cualalămpơ. Tại đây, các lao động được đón tiếp thân tình, chu đáo và bố trí ăn ở ngay trong khuôn viên Ðại sứ quán. Trong số 52 lao động nói trên, có 12 người có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc, 40 lao động có nguyện vọng về nước đã được các cơ quan chức năng nước ta và Cty ASMANA mua vé máy bay để về nước.  

Chị Quyên (bên phải) đã được đoàn tụ với gia đình

Chị Phạm Thị Quyên, thôn 7, Cẩm Duệ, nói: “Dù phải chịu nhiều ấm ức và hoảng sợ khi bị đánh, bị phạt ở trại tạm giữ Zuru nhưng chị em chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Malaixia đã giúp đỡ chúng tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày bị tạm giữ ở Cualalămpơ, chúng tôi đã được cảnh sát địa phương cho ăn uống ngày 3-4 bận, cho quần áo mặc và còn cho người dân địa phương làm các trò chơi giúp chúng tôi khuây khỏa khi ở trong trại. Các cơ quan chức năng của nước ta cũng đối đãi rất thân tình, chu đáo với chúng tôi khi ở Đại sứ quán. Sự quan tâm của Chính phủ 2 nước đã góp phần giúp chúng tôi bớt chạnh lòng, xót xa khi trở về nước”.

Tại sân bay Nội Bài, 40 lao động này đã được Quỹ hỗ trợ việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) hỗ trợ 2 triệu đồng/người; Cty Việt Hà hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng; tiền tàu xe và một số phần quà khác.

Nỗi lo ngày trở về

Hai tháng qua sống trong thấp thỏm, lo âu, thức trắng đêm ngóng chờ tin tức vợ, cuối cùng sáng qua, 11/4, anh Nguyễn Trọng Sơn, chồng chị Phạm Thị Tình cũng nở được nụ cười khi đón vợ trên chuyến xe khách từ sân bay Nội Bài trở về.

Anh Sơn vui mừng: “Tui và anh em họ hàng gần 2 tháng nay ăn không ngon, ngủ không yên vì lo cho mẹ nó (chị Tình). Thấy báo chí, truyền hình đưa tin mà nóng hết cả ruột gan, giờ mẹ nó về đây rồi tui mừng lắm. Có lẽ đây là lần cuối cùng vợ chồng tui xa nhau lâu như vậy”. 

Niềm vui sum họp của gia đình anh Sơn chị Tình sau gần 2 tháng thấp thỏm, âu lo

Dù nở nụ cười hạnh phúc khi vợ chồng đoàn tụ nhau nhưng trên khuôn mặt anh Sơn vẫn canh cánh nỗi lo cho những ngày sắp tới. Ngày trước chị Tình ở nhà sản xuất 2 sào ruộng và chăn nuôi thêm bò, lợn để nuôi con cái ăn học, còn anh Sơn ngày ngày đi làm phụ hồ chắt góp tiền xây căn nhà cấp 4 để trú mưa che nắng. Xây xong nhà anh chị nợ ngân hàng, anh em bạn bè hơn 50 triệu đồng. “Nghĩ bụng ở quê sản xuất nhỏ lẻ không đủ ăn nói gì trả nợ, vợ chồng bàn bạc rồi quyết định vay ngân hàng và Cty môi giới xuất khẩu lao động 21 triệu đồng để tui sang Malaixia làm việc những mong kiếm thêm thu nhập về trả nợ, nào ngờ xảy ra cơ sự như hôm nay. Giờ về quê rồi, ruộng đất ít, chăn nuôi không có vốn, nghề phụ lại càng không, chẳng biết rồi đây gia đình tui sẽ sống thế nào với cục nợ” - chị Tình lo lắng.

Hoàn cảnh của lao động Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 6 oái oăm hơn khi một mình chị phải gánh số nợ hơn 20 triệu đồng vay ngân hàng, anh em để đi xuất khẩu lao động. Chị Hoa tâm sự: “2 đứa con đang tuổi ăn học, sống trong ngôi nhà dột nát, tôi nghĩ vay mượn tiền sang Malaixia làm việc kiếm ít đồng vốn về sửa lại căn nhà, lo cho con cái, không ngờ giờ tiền nợ vay ngân hàng chưa trả hết mà đã phải trở về với hai bàn tay trắng”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.