| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/08/2014 , 09:23 (GMT+7)

09:23 - 12/08/2014

400 triệu và một nhân cách

Một sự việc đang được lan truyền trên rất nhiều trang mạng với những lời khâm phục.

Ngày 4/8, khi đi trên cầu thang bộ trong khu văn phòng cho thuê của Cty Hải Thành (Bộ Tư lệnh Hải quân, ở số 5 phố Lý Tự Trọng, TP Hải Phòng), đến chiếu nghỉ giữa tầng 3 và tầng 4, ông Đinh Xuân Nhật (đang làm việc tại Cty Luật 1/5, có trụ sở tại đó) thấy một túi ni lông màu đen. Nhặt lên, ông thấy trong túi có 3 cọc tiền.

Ông lập tức gọi bảo vệ của tòa nhà đến làm chứng, kiểm đếm kỹ 3 cọc tiền, tổng cộng có 400 triệu đồng. Ông đã thông báo: Ai đánh rơi tiền thì liên lạc với ông để nhận lại.

 Đầu giờ chiều, anh Lương Quốc Nam, 24 tuổi, trú tại nhà số 346, phố Lũng Nam, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng, đến gặp ông, nhận mình là chủ nhân của số tiền đó. Thấy Nam trả lời đúng những đặc điểm của túi tiền cũng như mệnh giá của từng cọc tiền, ông Nhật đã vui vẻ trả lại Nam số tiền đó, không nhận bất cứ đồng nào khi Nam lấy ra để cảm ơn.

400 triệu là một số tiền lớn. Khi ông Nhật phát hiện túi tiền ở chiếu nghỉ, xung quanh không có ai. Ông hoàn toàn có thể ỉm đi, mang túi tiền đó vào phòng làm việc và biến nó thành của mình mà không một ai có thể nghi ngờ.

Điều đáng nói nữa là: Ông Nhật nguyên là kiểm sát viên của VKSND TP Hải Phòng, năm nay 62 tuổi. Năm 2012, khi về hưu, ông được Giám đốc Cty Luật 1/5 mời đến làm việc.

Đến nay ông vẫn chưa có nhà riêng. Vợ chồng ông phải thuê một mảnh đất ở quận Đồ Sơn để mở một quán ăn độ nhật. Và hiện ông đang nợ 150 triệu đồng tiền làm quán. Hàng ngày, ông đi xe buýt từ quán đến công ty làm việc.

Là kiểm sát viên của VKSND TP Hải Phòng, nơi mà tình hình tội phạm diễn ra vô cùng phức tạp và nghiêm trọng. Chắc hẳn trong đời công tác, ông Nhật đã rất nhiều lần được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng trong các vụ án, với tư cách là đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa.

Hơn thế nữa, VKS còn là cơ quan có thẩm quyền Kiểm sát điều tra và Kiểm sát xét xử. Với cương vị đó, ông không thiếu gì cơ hội để kiếm những đồng tiền bất chính. Chỉ cần hợp tác với thẩm phán chủ tọa phiên tòa giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo thôi chứ chưa kể đến việc “giúp” một số bị cáo thoát án tử hình, chẳng hạn, là số tiền ông thu về không phải tính bằng chục mà phải là con số trăm triệu.

Nỗi oan của người dân và sự nhẹ tội, thoát tội của bọn tội phạm sẽ biến thành nhà lầu, xe hơi, tiền gửi ngân hàng… Để gia đình ông sống một đời, thậm chí nhiều đời, trên nhung lụa.

Nhưng việc cả đời công tác ở VKSND cấp thành phố trực thuộc Trung ương mà không có nổi một ngôi nhà. Và việc thản nhiên trả lại 400 triệu đồng cho người mất mà không hề có chút đắn đo, chính là những chỉ số nói lên tính liêm khiết của ông trong cái công việc được coi là cầm nắm tính mạng của người khác trong tay, nghiêng bên này một chút là tù tội, là tử hình, nghiêng bên kia một chút là thoát.

“Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất”. Từ ngàn xưa, người đời đã luôn mong cho những người có trách nhiệm cầm cán cân công lý có được 3 phẩm chất ấy.

Muốn có được 3 phẩm chất ấy, thì cái gốc chính là không tham. Ở cương vị ấy mà không tham, thì dân lành được bảo vệ, bọn tội phạm bị trừng trị nghiêm minh. Và pháp luật sẽ trở thành ngôi nhà chung để xã hội nương náu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm