| Hotline: 0983.970.780

5 năm Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo ra nhiều con số ấn tượng

Thứ Bảy 10/11/2018 , 13:31 (GMT+7)

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sáng nay (10/11), Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ ngành Trung ương, Bộ NN-PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo 63 tỉnh thành trên cả nước cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội, HTX và đông đảo các nông dân điển hình trên cả nước...
Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã thông qua báo cáo chi tiết về kết quả của ngành nông nghiệp nước ta sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2013-2017, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được các Bộ ngành, địa phương triển khai một cách quyết liệt, sâu rộng, tạo được những bước chuyển mạnh mẽ cả về tư duy, nhận thức của toàn ngành. Một số chỉ tiêu cụ thể như: Mức tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp đạt 2,55%/năm bình quân giai đoạn 2013 – 2017. Tỉ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị SX ngành nông nghiệp đã tăng từ 64% lên 80%. Cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm gần 4 triệu người sang các lĩnh vực khác, năng suất lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tăng gần 10 triệu đồng/người, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra...
Đánh giá cao sự nghiêm túc, quyết liệt của Bộ NN-PTNT trong quá trình triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như Sơ kết 5 năm của Đề án, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tái khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là khu vực dễ tổn thương nhất trong xã hội hiện nay. Vì vậy, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ triển khai từ năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu mới của bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp – nông thôn trong đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là trọng tâm của việc cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7 của Đảng về nông nghiệp – nông thôn – nông dân.
Phó Thủ tướng đánh giá: dù đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhất là thiên tai cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình thị trường quốc tế ngày càng nhiều khó khăn rào cản..., nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp còn khó khăn... Tuy nhiên chỉ sau 5 năm, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được những thành công quan trọng. Trong đó, đặc biệt là sự chuyển biến về tư duy, nhận thức, sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, các hệ thống chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp cũng không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với định hướng kinh tế của đất nước cũng như hài hòa với lợi ích của các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.
Nông nghiệp đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng theo lợi thế của từng vùng, từng sản phẩm một cách bền vững và ngày càng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. KH-CN ngày càng được áp dụng sâu rộng, đóng góp 30% vào gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và năng suất lao động. Đây là hướng đi đúng đắn có tính tất yếu thời đại của ngành nông nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp 5 năm gần đây cũng đã và đang có được những bước chuyển dần sang định hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững và có giá trị cao...
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, Đề án đã góp phần cải thiện nhanh xóa đói giảm nghèo cho cư dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn miền núi. Đặc biệt, XK nông sản năm 2017 đã đạt trên 36 tỉ USD và dự kiến cán mốc 40 tỉ USD trong năm 2018, trong đó nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh và có vị thế toàn cầu. Đây là thành tựu vô cùng lớn của ngành nông nghiệp qua 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu theo hướng giá trị gia tăng. Đồng thời, việc kiểm soát vệ sinh ATTP, chất lượng vật tư nông nghiệp tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ... Từ thực tiễn triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, trong 5 năm qua, cả nước đã có rất nhiều những cách làm hay, các nông dân, HTX, các doanh nghiệp, nhà khoa học xuất sắc, điển hình tiêu biểu, đóng góp lớn cho nền nông nghiệp và phát triển nông thôn của nước nhà. “Đến nay, có thể nói Đề án đã đạt hoặc tiệm cận được với những mục tiêu quan trọng cả về khía cạnh kinh tế - xã hội lẫn yếu tố môi trường theo định hướng đến năm 2020” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lưu ý những thành công trong 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là những thành công bước đầu, tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế, bất cập mà Đề án Tái cơ cấu cần phải điều chỉnh, tập trung hơn nữa cho giai đoạn tiếp theo, trước mắt tới năm 2020. Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương, Bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội... cũng đã có nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp, xây dựng, đề xuất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thay mặt Bộ NN-PTNT đã nghiêm túc tiếp thu, và cho biết sẽ sớm có các giải pháp, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới đề Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm