| Hotline: 0983.970.780

5 năm xây dựng nông thôn mới ở Long An

Thứ Tư 11/01/2017 , 08:13 (GMT+7)

Long An có 166 xã tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), điểm xuất phát thấp (năm 2010 số tiêu chí đạt bình quân/xã có 6 tiêu chí, số xã đạt dưới 10 tiêu chí chiếm đến 91%).

Qua 5 năm triển khai chương trình, đã có 43 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 25,9% tổng số xã toàn tỉnh.
 

Đột phá từ cơ chế, chính sách

Xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và ANQP ở nông thôn, do đó một trong những giải pháp chủ yếu để xây dựng NTM thành công là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động.

13-50-18_nh-1
Công trình cầu treo Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh
 

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Long An đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó huy động từ người dân và cộng đồng dân cư trên 4.500 tỷ đồng (chiếm 34,6%), huy động từ doanh nghiệp 221 triệu đồng, chiếm 1,7%.

Tuy nhiên, qua thực tế xây dựng NTM, việc huy động các nguồn lực xã hội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện một số dự án, công trình chưa phù hợp. Những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xã nghèo, khó khăn nhưng mức hỗ trợ ngân sách còn thấp; một số loại công trình chưa quy định mức hỗ trợ của ngân sách …

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh Long An quy định ngân sách hỗ trợ cho 16 nhóm dự án, trong đó 8 nhóm dự án được hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư.

Đó là: Quy hoạch xây dựng NTM cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức NTM; xây dựng trụ sở xã; đường đến trung tâm xã, liên xã, trục xã và cầu giao thông trên các trục đường này; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã và nghĩa trang nhân dân.

13-50-18_nh-2
Đường liên ấp 1 - ấp 4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa do người dân tự tổ chức thi công
 

8 nhóm dự án còn lại ngân sách chỉ hỗ trợ từ 30 - 80%, phần còn lại từ 20 - 70% được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
 

Giúp dân nâng cao thu nhập

Trong năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Long An vẫn phát triển ổn định (tốc độ tăng trưởng đạt 11%), cơ cấu kinh tế đang chuyền dịch theo hướng tích cực.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 tăng lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 15,6 triệu đồng). Để giúp người dân tăng thu nhập, tỉnh ưu tiên thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế như lúa, thanh long, bắp, mè, rau, chanh, gia cầm, heo, bò sữa, cá nước ngọt, tôm...

Tăng cường công tác khuyến nông và hoạt động nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu KHKT vào sản xuất. Tăng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất lúa gạo tuy vẫn là thu nhập chính của cư dân nông thôn nhưng đã có bước phát triển tích cực. Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn tiếp tục phát triển và được xem là mô hình liên kết có hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng và phủ kín vùng lúa chất lượng cao.

Diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn tăng từ 2.477ha năm 2011 lên gần 20.000ha năm 2016. Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn vẫn cho năng suất cao và ổn định, giá thành sản xuất lúa giảm từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn từ 100 - 150 đồng/kg.

Qua đó lợi nhuận của người nông dân tăng từ 2 - 3 triệu đồng/ha, doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn đã chủ động được nguồn nguyên liệu cả về số lượng, chất lượng, giá cả và thời gian cung cấp nguyên liệu.

Ngoài cây lúa, thanh long được xác định là cây trồng chủ lực thứ 2 và cũng đã có bước phát triển ổn định. Cây thanh long không chỉ được trồng ở huyện Châu Thành - thủ phủ thanh long của tỉnh mà còn được trồng ở huyện Đức Huệ, TP Tân An…

13-50-18_nh-3-
Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Châu Thành
 

Năm 2016, diện tích thanh long đã đạt 5.568ha, trong đó diện tích cho trái khoảng 2.200ha; sản lượng ước đạt 78.500 tấn; giá thanh long có nhiều biến động (thanh long xông đèn rải vụ giá 35.000 - 65.000 đồng; thanh long chính vụ ruột trắng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 15.000 - 20.000 đồng/kg), nông dân có lợi nhuận từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Thời gian qua, Long An đã thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, đồng thời tập trung phát triển ngành nghề nông thôn gắn với thực hiện các đề án khuyến công và chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất