| Hotline: 0983.970.780

50 năm Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

Thứ Sáu 30/11/2018 , 14:50 (GMT+7)

Hôm nay (30/11), Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.

Viện là cái nôi gắn bó với nhiều nhà khoa học lớn của ngành nông nghiệp như cố Tiến sỹ Nông học Lương Định Của, cố Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng...
 

Lịch sử hình thành

Viện CLT - CTP được thành lập năm 1968 theo Nghị định số 24/CP ngày 09/02/1968 của Hội đồng Chính phủ. Với việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Viện CLT-CTP được thành lập lại trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị trực thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam trước đây.

12-14-41_nh_tru_so_vien_clt-ctp_file_goc_1
Trụ sở Viện CLT-CTP

Hiện nay, Viện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực CLT-CTP, chủ yếu là lúa, đậu đỗ và cây có củ. Viện đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu-chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho vùng ĐBSH. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở vật chất của Viện luôn được đầu tư xây dựng, các phòng thí nghiệm được bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.

Viện có 255 cán bộ, trong đó có 2 PGS, 20 tiến sĩ, 100 thạc sĩ, 101 cán bộ đại học, còn lại là công nhân kỹ thuật và nhân viên. Hàng năm, Viện cử nhiều lượt cán bộ đi công tác, học tập ở trong và ngoài nước, cử hàng trăm lượt cán bộ làm chuyên gia giúp các nước châu Phi...
 

Những chặng đường phát triển

Giai đoạn đầu: Từ ngày đầu thành lập, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, Viện phải ở nhờ, sơ tán trong dân, cơ sở vật chất chỉ có vài ngôi nhà lá, nhà cấp 4, phòng thí nghiệm, máy móc phục vụ trong nghiên cứu hết sức thô sơ. Sự phát triển lớn mạnh của Viện gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học nổi tiếng như Tiến sĩ Lương Định Của, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, ...

Trong thập kỷ 70, Viện đã đi đầu trong nghiên cứu và khuyến cáo biện pháp cấy chăng dây thẳng hàng cho lúa và đưa giống lúa mang gen lùn cải tiến cứng cây, năng suất cao góp phần tăng sản lượng lúa và giải quyết nạn thiếu lương thực vào cuối những năm 80. Cũng trong thời kỳ này, Viện đã chọn tạo và giới thiệu cho sản xuất nhiều giống táo, giống dưa mới, quy trình trồng khoai tây bằng hạt… ở nhiều vùng trong cả nước. Trong thập kỷ 90, Viện đã đưa ra sản xuất các giống lúa chất lượng có hàm lượng protein trong gạo cao tới 11%, so với hàm lượng protein trung bình ở phần lớn các giống lúa chỉ đạt 7-8%.

Bên cạnh đó, Viện còn chủ trì thực hiện các chương trình quốc gia về cây lương thực và cây thực phẩm cấp Nhà nước như: Chương trình lúa cấp Nhà nước 02-01 và chương trình màu cấp Nhà nước 02-02 giai đoạn 1981-1985; Chương trình CLT-CTP cấp Nhà nước giai đoạn 1986-1990 và giai đoạn 1991-1995...

Với những đóng góp cho đất nước, Viện đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2003 và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012. Nhiều tập thể, cá nhân của Viện được tặng các danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Viện trưởng, TS Nông học Lương Định Của; cố PGS Phan Hùng Diêu và PGS.TS Tạ Minh Sơn. Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và Giải thưởng Koshihikari của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI  cho cố Viện trưởng, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng...

Giai đoạn đổi mới: Bước sang giai đoạn đổi mới, nhất là từ năm 2000 trở lại đây, Viện tiếp tục là đơn vị đi đầu trong cả nước về nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ mới cả về giống và quy trình kỹ thuật.

Từ năm 2008 đến nay, Viện đã có hơn 100 giống cây trồng mới và 09 quy trình kỹ thuật được công nhận cho SX, gồm 44 giống lúa thuần, 12 giống lúa lai, 14 giống đậu đỗ, 19 giống cây có củ, 14 giống rau quả.

Trong đó, 18 giống lúa và 01 giống lạc đã được thương mại hóa bằng hình thức chuyển giao bản quyền cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiều giống cây trồng do Viện chọn tạo đã và đang được mở rộng diện tích SX, góp phần quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Thành tựu nổi bật là đã chọn tạo thành công và giới thiệu cho SX bộ giống lúa cực ngắn ngày (P6ĐB, PC6, N25, GL102…) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các tỉnh phía Bắc, tránh né lũ ở miền Trung và dự trữ quốc gia. Đây là những giống lúa có TGST 80-95 ngày trong vụ Mùa hoặc Hè Thu, năng suất 50-55 tạ/ha, chất lượng gạo ngon.

Nhóm giống lúa chất lượng, kháng sâu bệnh (P6, AC5, LTh31, HDT10…) cho các vùng SX lúa hàng hóa lớn, tập trung. Giống có TGST từ 100-115 ngày, năng suất đạt 60-70 tạ/ha, chất lượng cao, có mùi thơm, cho giá bán cao hơn gạo bình thường 20-30%.

Đặc biệt, Viện đã có những thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử cải tiến tính kháng bệnh bạc lá cho giống lúa BT7 và bệnh đạo ôn cho giống lúa BC15.

Nhóm giống lúa chống chịu với các điều kiện bất thuận như hạn (CH5, CH16, CH207, …), úng (U17, U20, U21…), mặn (M4, M6…) cho canh tác lúa ở các vùng thường xuyên bị hạn hán, không có hệ thống tưới tiêu chủ động, vùng úng trũng hoặc các vùng ven biển bị xâm nhiễm mặn.

Viện cũng đã chọn tạo thành công nhiều giống lúa Nếp như N87, N98, N100… có TGST ngắn (105-115) ngày, năng suất đạt 55-70 tạ/ha/vụ, có thể gieo cấy cả 2 vụ trong năm. Hiện khoảng 80% diện tích canh tác lúa nếp tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung được gieo cấy bằng các giống lúa nếp của Viện.

Về lúa lai, Viện đã lai tao thành công nhiều dòng bất dục đực TGMS, CMS mới từ các nguồn của Việt Nam, Trung Quốc và IRRI. Đặc biệt, Viện đã lai tạo thành công nhiều tổ hợp lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh như HYT100, HYT124, HYT225... được một số doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao bản quyền.

12-14-41_nh_tu_my_phong_kh_178
12-14-41_nh_tu_my_phong_kh_261
Các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao là thế mạnh nghiên cứu của Viện CLT-CTP

Nhiều giống lạc mới do Viện chọn tạo như L14, L17, L18, L23, L27… được phát triển rộng ngoài SX. Trong đó, giống lạc L14 hàng năm đạt khoảng 1 vạn ha, chiếm 70% diện tích trồng lạc ở các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, Viện cũng giới thiệu cho SX biện pháp che phủ nilon cho lạc. Những thành tựu này đã góp phần nâng năng suất bình quân lạc cả nước.

Về cây có củ, Viện cũng đã chọn tạo được nhiều giống khoai tây (KT1, KT2, KT3, KT5, VC38-6,  VT2, P3, Eben, Sinora và 2 giống khoai tây hạt lai Hồng hà 2 và Hồng Hà 7), khoai lang (KB1, KLC266, KL20-209, KLC3…), sắn (KM94, Sa21-12, Sa06, BK…)… có năng suất cao, chất lượng, kháng sâu bệnh, đang được mở rộng ngoài SX. Đặc biệt, Viện đã làm chủ công nghệ SX khoai tây siêu bi sạch bệnh theo công nghệ khí canh của Hàn Quốc, cung ứng hàng chục triệu củ giống sạch bệnh. Giống khoai lang KB1 do Viện nghiên cứu đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc, chiếm 30 – 40% diện tích khoai lang ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

Viện cũng là một trong các đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển cây thực phẩm chủ lực như dưa chuột, cà chua, bí xanh… và một số cây ăn quả đặc sản. Nổi bật như giống cà chua Hồng Lan (Ba Lan lùn), giống cà chua C155 cùi dày, giống cà chua mới VT5, VT10, năng suất đạt 45-50 tấn/ha; giống dưa chuột lai PC4 năng suất 48-50 tấn/ha; các giống bí xanh số 1, bí xanh số 2 và giống Thiên thanh 5, năng suất 40 – 50 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 – 3 lần trồng lúa. Các giống táo, đặc biệt giống Đại táo 15 có khối lượng quả lớn (70-100g/quả), chất lượng quả ngon, ăn giòn, ngọt mát phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...

Nhằm tiếp cận những công nghệ mới, Viện luôn chủ động tạo các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như IRRI, ICRISAT, CIP, AVDRC... Đặc biệt Viện đã có những chương trình hợp tác với các nước Châu Phi và Nam Mỹ để gửi các chuyên gia của Viện sang giúp nước bạn phát triển sản xuất lúa gạo, nâng cao an ninh lương thực.

Cùng với nghiên cứu khoa học về lĩnh vực CLT-CTP, Viện đã nghiên cứu thành công cơ sở lý luận nhằm hình thành hệ thống dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhiều sản phẩm, với đa dạng các loại hình tổ chức SX cho nông dân và liên kết SX hàng hóa... Tiêu biểu như các vùng SX theo chuỗi giá trị, có bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm như: Hiệp hội bò H'mông Cao Bằng, HTX chăn nuôi lợn Thống Nhất (Hà Tĩnh), mía tím Hòa Bình, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), cam Cao Phong (Hòa Bình)...

Viện cũng đã có 09 biện pháp kỹ thuật được công nhận chính thức và nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác đối với các giống CLT-CTP, điển hình như: Quy trình kỹ thuật canh tác mới, che phủ nilon, bón phân cân đối với cây lạc, mở ra vụ lạc mới thu đông; Kỹ thuật trồng đậu tương trên nền đất ướt với phương pháp làm đất tối thiểu hoặc gieo vãi...

 

(Viện trưởng Viện CLT-CTP)

Xem thêm
Mong ước gửi gắm vào 50 con gà giống

THỪA THIÊN - HUẾ 50 con gà giống cùng thức ăn, kỹ thuật được hỗ trợ hy vọng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở Kim Đôi, Quảng Thành, Quảng Điền có khởi đầu kinh tế tốt.

Dịch vụ cấp cứu cho... thú cưng

Nhiều người tại TP.HCM không còn ngỡ ngàng với chiếc xe cấp cứu không giống với hầu hết những xe cấp cứu khác, đó chính là xe cấp cứu dành riêng cho thú cưng.

Giống mới kết hợp sản xuất theo VietGAP giúp năng suất chè Kỳ Anh tăng 6-7%

HÀ TĨNH Đưa các giống mới thay thế giống cũ và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè tăng từ 6 - 7%, đồng thời thay đổi ý thức người dân.

Bình luận mới nhất