| Hotline: 0983.970.780

51 năm ngày lâm nghiệp Việt Nam 28/11/1959-28/11/2010: Kể từ dịp Bác trồng cây

Thứ Sáu 26/11/2010 , 10:35 (GMT+7)

28/11/1959 là ngày Bác Hồ viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân làm thay đổi hẳn nhận thức về ý thức môi trường của người dân cả nước...

Ai cũng nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa
28/11/1959 là ngày Bác Hồ viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân làm thay đổi hẳn nhận thức về ý thức môi trường của người dân cả nước thủa còn nặng nỗi lo cơm ăn, áo mặc.

Cũng nhân dịp đầu xuân năm 1960, chính Bác đã phát động Tết trồng cây và trồng cây đa đầu tiên tại Công viên Thống Nhất mở ra một phong trào đầy tính nhân văn ăn sâu, bám rễ vào đời sống dân Việt. Có thể điểm lại một loạt cột mốc quan trọng của phong trào trồng cây, gây rừng cùng những mốc quan trọng trong phát triển của ngành lâm nghiệp: Từ năm 1959 đến 1969, Bác Hồ đã trồng 7 cây đa lưu niệm, cây đầu tiên tại Công viên Thống Nhất (1960) và cây cuối cùng tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội) tháng 2 năm 1969.

 Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới mưa bom, lửa đạn quân thù, Tết trồng cây ở miền Bắc vẫn được duy trì và phát triển rất mạnh. Nhiều Tết trồng cây với chủ đề đấu tranh thống nhất nước nhà, vì miền Nam ruột thịt đã được tổ chức khắp các địa phương. Nhiều khu rừng, vườn cây, hàng cây mang tên kết nghĩa với miền Nam được gây dựng, chăm lo.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ngay xuân đầu thống nhất, Tết trồng cây mừng đất nước đã được mở đầu tại nhiều tỉnh ở miền Nam trong rộn ràng cờ hoa, trong niềm hân hoan náo nức của triệu con tim, khối óc. Từ năm 1977, Tết trồng cây đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của toàn thể dân tộc Việt Nam từ Nam chí Bắc. Cứ 10 năm, Bộ Lâm nghiệp khi đó lại tổ chức một lần tổng kết Tết trồng cây, mỗi lần tổng kết lại xuất hiện thêm những nhân tố mới, điển hình mới về tổ chức thực hiện và phương thức trồng cây .

Trong thập kỷ 60, trung bình mỗi năm nhân dân miền Bắc trồng được 150 triệu cây. Những năm 70, hàng năm cả nước đã trồng được 300 triệu cây. Thập kỷ 80, bình quân hàng năm đã trồng được 350 triệu cây. Thập kỷ 90 hàng năm đã trồng từ 280 đến 300 triệu cây. Tết trồng cây và trồng cây phân tán đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Từ các cụ phụ lão, đến các em thiếu niên, nhi đồng. Từ các trường học đến các đơn vị quân đội. Từ nông thôn đến thành thị.

Phong trào trồng cây phân tán đã xây dựng được trên đất nước ta hơn 2 tỷ cây xanh ổn định, phân tán trên khắp các làng mạc, thành phố tạo nên màu xanh, môi trường sống tốt lành và là nguồn cung cấp gỗ cho các nhu cầu của hàng chục triệu dân cư nông thôn. Đầu những năm 1990 để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng, Đảng và nhà nước đã quan tâm đến việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện còn, trồng rừng mới cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đồng thời chuyển mạnh nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chính sang lâm nghiệp xã hội.

Từ một nền lâm nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác lợi dụng tài nguyên rừng sang phát triển toàn diện gắn khai thác với tái sinh rừng. Chính vì vậy ngành lâm nghiệp đã có những chuyển biến mạnh mẽ, hạn chế được suy thoái về rừng và nâng độ che phủ của rừng rất báo động ở 28,2% vào năm 1995 lên 38,7% vào năm 2008. Có thể kể đến những chương trình, dự án lâm nghiệp nổi tiếng đã làm thay da đổi thịt đất nước, choàng thêm tấm áo thanh tân, tươi trẻ cho non sông như chương trình 327, như dự án 5 triệu ha rừng.

Dự kiến, đến hết năm 2010 hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng có thể sẽ đạt và vượt so với Nghị quyết 73 của Quốc hội.
Từ năm 1993 nhà nước có chương trình đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được thực hiện theo quyết định số 327-QĐ của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi “Một số chủ trương, chính sách sử dụng rừng, đất trống đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và mặt nước” hay một cái tên giản dị, dễ nhớ đã ăn sâu vào tâm thức hàng triệu người: “Chương trình 327”. Trong 4 năm thực hiện chương trình 327 (1993-1997) nhà nước đã đầu tư 2.287 tỷ đồng để trồng được diện tích rừng lên đến 1.242.000 ha.

 Kế tiếp 327 là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã được Quốc hội khóa X thông qua ngày 5/2/1997. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chính của Dự án từ năm 1998 đến hết năm 2009 như sau: Khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ bình quân 2.454.480 ha/năm trong đó từ 2006 – 2009 bình quân khoảng 2,5 triệu ha/năm so với Nghị quyết 73 của Quốc hội là 1,5 triệu ha/năm. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 1.250.575 ha. Trồng mới được 2.173.851 ha. Tổng vốn đầu tư ước thực hiện 14.444.350 triệu đồng.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.