| Hotline: 0983.970.780

6/8 triệu tấn phân bón có nguy cơ bị làm giả

Thứ Tư 02/12/2009 , 16:51 (GMT+7)

Mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 8 triệu tấn phân bón, trong đó ít nhất 6 triệu tấn có nguy cơ bị làm giả, nhái.

Đó là số liệu được Hiệp hội phân bón Việt Nam đưa ra tại buổi ký thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất phân bón vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Hiệp hội Phân bón kiến nghị, cần phải tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả cao hơn từ 5 đến 6 lần, thậm chí 20 lần, hoặc có thể khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung nhiều điều xử phạt trong nghị định 131 và 191 với chế tài đủ sức răn đe. Đặc biệt, cần sớm đưa 2 vụ sản xuất phân bón giả ở Cty Tân Trường Sinh và Bắc Bình Vương ra xét xử, trả lại sự lành mạnh cho thị trường phân bón trong nước.

PHÂN BÓN GIẢ “ĐÁNH QUẢ” RỒI… RÚT!

Phó GĐ Cty Phân bón Việt Nhật, ông Nguyễn Tiến Toát, đơn vị bị làm giả phân bón nhiều vào loại nhất nhì trên thị trường, bức xúc: Theo chúng tôi, hậu quả của những gian lận, giả dối trong sản xuất kinh doanh phân bón nên đánh giá gần như hậu quả của ma túy bởi nó cũng tạo ra siêu lợi nhuận, làm hại hàng triệu nông dân.

Ông Toát nêu ra một ví dụ: Trong báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân sử dụng 8 triệu tấn phân bón, chỉ có 2 triệu tấn ít có khả năng làm giả, còn lại 6 triệu tấn khả năng làm giả rất cao. Với giá 2 - 10 triệu đồng/tấn, nếu 6 triệu tấn chỉ cần giảm 10% chất lượng thì những người làm giả đã rút ra trị giá khoảng 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, những báo cáo của tất cả các ngành mới chỉ đánh giá được hàm lượng dinh dưỡng không được đưa vào đất mà chưa đánh giá được tác hại đối với năng suất và sản lượng cây trồng. Khi đã làm giả thì không chỉ mất mùa vụ đó mà những cây lâu năm phải mất mấy năm sau mới hồi phục được.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam thống kê, hiện cả nước có đến hơn 60 DN sản xuất phân bón giả. Trong các đơn vị này, mới chỉ có 3 đơn vị bị điều tra khởi tố. Cá biệt, nhiều hành vi vi phạm trắng trợn như của Cty TNHH Việt Thái, Cty Đông Hải Quảng Nam - Đà Nẵng… vẫn không bị pháp luật trừng trị. Cty TNHH Việt Thái đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK là 16-16-8-13S, tổng hàm lượng dinh dưỡng là 53%, nhưng khi kiểm định, hàm lượng N chỉ có 3%, phosphor 2,7%, kali 1,4% và S chỉ có 0,52%. Tổng hàm lượng chỉ có 7,2% và gian lận hàm lượng dinh dưỡng tới 45%. Thậm tệ hơn, Cty Đông Hải trên giấy phép bao bì đăng ký tổng dinh dưỡng cũng là 53%, nhưng khi kiểm định chỉ đạt 2,99%, hàm lượng gian lận đến 50%. “Như thế chẳng khác nào việc đem đất trộn với nhau, rồi bán cho nông dân. Đây là một tội ác chứ không còn dừng lại ở việc gian lận hay làm ăn giả dối nữa”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Phân bón Việt Nam gay gắt lên án.

Ông Thúy phân tích: “Họ (các DN sản xuất phân bón giả - PV) phần lớn làm theo kiểu “đánh quả”, tức là sản xuất theo mùa vụ, chộp giật, tìm thị những thị trường miền núi, vùng sâu vùng xa, bán chớp nhoáng rồi rút lui. Việc này để lại hậu quả rất lớn cho các nhà sản xuất chân chính”.

ĐAU ĐẦU ĐỐI PHÓ

Trong cuộc họp ký kết thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng chống việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón, nhiều ý kiến bày tỏ sự không hiệu quả trong việc loại trừ phân bón giả khỏi thị trường. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - cơ quan giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về phân bón, lắc đầu ái ngại: “Xử phạt phân bón giả chưa kiên quyết, nhẹ quá thành ra chẳng răn đe được ai”. Để loại dần phân bón giả khỏi thị trường, ông Ngọc đòi phải có pháp lệnh, thậm chí có thể phải soạn thảo cả luật để xử phạt. “2009 là năm chất lượng phân bón mà các Bộ, ngành không đẩy lùi được nạn phân bón giả, kém chất lượng thì không còn cơ hội nào tốt hơn” - ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Hạc Thúy thì đòi sớm ban hành tiêu chuẩn về tên phân bón. Ông Thúy lập luận: “Nếu sản xuất phân bón chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn cũng quy vào là phân kém chất lượng như khi đạt 90% với mức xử phạt như nhau thì chẳng ai dại gì mà sản xuất phân 90%”. “Một Bộ, ngành không làm được thì nhiều Bộ, ngành cùng phối hợp”, ông Thúy đề xuất. Theo ông PCT HH Phân bón thì ngành Công an cần là lực lượng đi đầu. Công an có lực lượng, có phương tiện làm việc và trên hết là hiện nay, ngành này có đủ các văn bản pháp lý để dựa vào đó thực thi. Ngoài ra, Bộ Công thương, mà trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường, thanh tra phải đón lõng, triệt tiêu nạn phân bón giả.

Sợ giả, nông dân chuyển sang tự chế biến phân bón

Ông Nguyễn Văn Linh - GĐ Cty TNHH phân Hữu cơ cũng tỏ ra bức xúc: “Năm 2009, khi nông dân mua phải nhiều phân bón giả quá đã sợ mà chuyển sang tự chế biến, hạn chế mua phân bón do các nhà máy sản xuất. Để tạo được niềm tin trở lại cho nông dân, chúng ta cần làm công khai hơn, minh bạch hơn. Bởi hiện có tình trạng các phòng phân tích trong cùng một mẫu đã đưa ra kết quả khá khác nhau, đôi khi hoàn toàn khác nhau, làm các DN và nông dân rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Về vấn đề này, Bộ NN-PTNT nên chỉ định một vài phòng chuyên môn có trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ để đưa ra kết quả phân tích cho chính xác”.

    Tags:
Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.