| Hotline: 0983.970.780

6 vấn đề nóng bỏng ở Vĩnh Phúc liên quan đến đất lúa và rừng phòng hộ

Thứ Tư 17/05/2017 , 09:32 (GMT+7)

Ngày 16/5, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục làm Trưởng đoàn kiểm tra thuộc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

 Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ, giải trình hàng loạt vấn đề…
 

Thủ tướng yêu cầu giải trình, làm rõ

Cụ thể, theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh giải trình, làm rõ về 6 vấn đề mà báo chí phản ánh và dư luận đặc biệt quan tâm.

17-16-59_flc1
Thủ tướng yêu cầu Vĩnh Phúc giải trình các vấn đề liên quan đến đất lúa và đất rừng phòng hộ

Thứ nhất, về vấn đề cải cách hành chính; cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền địa phương phải “3 cùng” với doanh nghiệp (cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển; cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp).

Từ sau hội nghị trên đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 đã tụt 5 bậc so với năm 2015. Thủ tướng nói Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, 1 trong 13 tỉnh nộp ngân sách về Trung ương, nếu năng lực cạnh tranh giảm thì sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển...

Thứ hai, công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc được phản ánh vẫn bộc lộ không ít bất cập, yếu kém, gây bức xúc cho nhiều người dân.

Cụ thể như tình trạng khai thác cát ở sông Lô, có công ty khai thác cát sát bờ kè vượt quá khối lượng, gây những hố sâu tới 40m, khiến bờ kè sạt lở. Một số khu vực đồi núi bị băm nham nhở, đục khoét suốt ngày đêm, không ít khu vực bị san phẳng, thậm chí “biến mất” vĩnh viễn... Ở một số nơi, chủ khai thác đã tự thỏa thuận với người dân có ruộng, đồi để khai thác đất đồi, đất sét làm gạch ngói, cát xây dựng, khiến một lượng lớn đất đai cho nông nghiệp bị tàn phá, khó khắc phục về sau. 

Ngoài ra, liên quan đến bờ kè Trung Hà được nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ năm 2011 từ vốn vay của WB. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ kè đe dọa đến khu dân cư. Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô được cấp phép tận thu cát sỏi tại khu vực này cách 2 đầu mũi kè 70m nhưng khi dân kiểm tra thì việc khai thác cát vượt mấy lần quy định cho phép, đặc biệc có chiều sâu âm 40m và khai thác sâu phía trong ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven khu vực này.

Thứ ba là việc Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang vấp phải sự phản đối của hàng trăm hộ dân thuộc huyện Tam Đảo và các chuyên gia. Chuyên gia bình luận chủ trương phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc là không thể chấp nhận, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, đang đi ngược với khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”...

Thứ tư là vấn đề ô nhiễm môi trường, như sông Phan ô nhiễm nghiêm trọng do hằng ngày đang phải gánh chịu hơn 20.000 m3 nước thải của hơn 200.000 hộ dân, 4.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp cùng hàng trăm hộ dân sản xuất liên quan tới hóa chất, sắt vụn… xả thải. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm trên sông Phó Đáy...

Vào tháng 3/2017, trên mạng xã hội lan truyền clip hình ảnh một người mặc đồng phục áo xanh (được cho là nhân viên của Công ty CP Môi trường đô thị TP Vĩnh Yên) đang tiến hành xả trực tiếp nước thải từ xe bồn ra môi trường tại khu bãi rác TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dư luận cũng phản ánh Công ty này đã từng bị “tố” xả nước thải không qua xử lý xuống sông Phan.

Thứ năm là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, như vụ 7 người trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường phải nhập viện do bị ngộ độc rượu; giáo viên tại Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Lập Thạch, bị phát hiện sử dụng thịt bẩn để chế biến thức ăn cho học sinh, gây bức xúc. Tỉnh có nhiều trường học, khu công nghiệp lớn, cần quan tâm hơn nữa tới công tác này, nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Thứ sáu là công tác bảo đảm an ninh trật tự, nổi lên một số vụ việc như việc thu hồi 256 ha đất nông nghiệp cho khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường của Tập đoàn FLC, huyện Vĩnh Tường, người dân phản ứng mạnh vì họ cho rằng đây là đất tổ tiên, đất xương máu của họ...
 

Quyết tâm lấy... đất lúa và đất rừng

Liên quan đến 6 vấn đề nóng mà Thủ tướng yêu cầu giải trình, làm rõ, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo, giải trình, tuy nhiên chủ yếu dừng lại ở mức chung chung, đặc biệt là những vấn đề nóng như thu hồi đất lúa, lấy đất rừng phòng hộ xây nghĩa trang và cát sỏi.

17-16-59_vp2
Ảnh: Bảo Khang

Về hoạt động khai thác cát sỏi, ông Giang cho rằng đã có Luật khoáng sản, vấn đề là khai thác thế nào cho đúng? Các dự án khai thác cát sỏi đều được cấp phép theo trình tự quy định của luật. Trong quá trình làm có việc nọ, việc kia nên Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết để bảo đảm an ninh nông thôn, không gây ra những bất ổn. Đối với sông Lô là không cấp phép mới, sông Hồng cũng tạm dừng không cấp phép.

Thứ hai là dự án công viên nghĩa trang. Vĩnh Phúc chỉ có diện tích 1.200 cây số vuông, trong đó, diện tích đồng bằng chỉ có 3 huyện, thì không thể mang nghĩa trang ra huyện đồng bằng để làm. Việc lấy đất rừng phòng hộ làm nghĩa trang, xin khẳng định, quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Mặt khác, theo thông tư của Bộ NN-PTNT, căn cứ tiêu chí của loại rừng này thì sớm đưa ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải rừng phòng hộ đầu nguồn.

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc được giao 760 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 637 nhiệm vụ. Còn 121 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và có 2 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của tỉnh để kéo giảm số nhiệm vụ chậm trễ vì tính tới tháng 4, tỉnh vẫn còn 13 nhiệm vụ chậm trễ.

“Ở khu vực này chỉ giao khoán cho 11 hộ nhưng có mấy trăm cái đơn là câu chuyên mà tỉnh đã giao cho Công an tỉnh làm rõ”, ông Giang khẳng định.

Thứ ba là vấn đề thu hồi, chuyển đổi đất lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, du lịch làm đột phá, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi. “Đất trồng lúa hiện nay chủ yếu là trồng cỏ non để chăn nuôi bò, nhưng bò và người ở chung nhà, mức độ ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng nên cần cơ chế chính sách tốt nhất để chuyển đổi, đồng thời quy hoạch.

Cụ thể, sau khi Vĩnh Phúc trình lên Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, và nếu được Thủ tướng đồng ý chuyển đổi đất lúa sẽ thu hồi theo quy hoạch sau đó đấu giá. Ở đây không phải thu hồi cho FLC mà là thu hồi xong sẽ là đấu giá, ai đấu giá được thì vào. FLC chỉ là một trong những nhà đầu tư triển vọng", ông Giang giải trình.

Về việc lấy đất rừng làm công viên nghĩa trang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì khẳng định: Tôi nghĩ là Vĩnh Phúc quyết tâm làm. Dãy núi Tam Đảo chiếm 1/4 diện tích của toàn tỉnh. Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc mới xin chủ trương quy hoạch, chứ sử dụng diện tích bao nhiêu, bao nhiêu đất rừng, bao nhiêu đất ruộng là chưa có. Hiện đồi vẫn nguyên, cây vẫn nguyên. Còn về trữ lượng khoáng sản, tháng 6/2016 tỉnh đã khoanh định 111 vùng cấm khai thác khoáng sản, nhưng thực tế khoáng sản ở đây hàm lượng rất nhỏ. Tỉnh sẽ rà soát tổng thể vấn đề xây dựng nghĩa trang. Việc xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững".

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Lục đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xem lại đề án, phân loại đâu là rừng đặc dụng, đâu là phòng hộ để tính toán phát triển phù hợp.

“Cần xem lại đâu là rừng đặc dụng, đâu là phòng hộ. Vĩnh Phúc trước kia là tỉnh miền núi, nay kết cấu vùng thủ đô, Vĩnh Phúc cần cân đối để phát triển kinh tế xã hội”, ông Lục nói và đề nghị Vĩnh Phúc rà soát lại đề án, tính toán.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.