| Hotline: 0983.970.780

60 năm Dự trữ quốc gia ngành nông nghiệp, chỗ dựa vững chắc

Thứ Ba 07/06/2016 , 07:51 (GMT+7)

Dự trữ quốc gia ngành nông nghiệp Việt Nam 60 năm qua không ngừng phát triển cả bề rộng quy mô và chiều sâu chất lượng. Dự trữ quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống nông dân.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dự trữ quốc gia (7/8/1956- 7/8/2016), chúng ta có quyền tự hào, vì dự trữ quốc gia đã viết lên những trang sử sáng ngời cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là những trang sử kiên cường trong việc phòng ngừa và dập tắt dịch bệnh, khắc phục sự tàn phá sản xuất của thiên tai để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và đi lên.

60 năm đã chứng tỏ Dự trữ quốc gia ngành nông nghiệp nước ta giờ đây đã lớn mạnh, đủ sức vươn cao, vươn xa tìm đến với mọi nhà nông, đến cả vùng sâu, vùng xa để sẻ chia. Dự trữ quốc gia còn là người bạn tin tưởng của nông dân, là nguồn an ủi to lớn cho những người nghèo khổ mỗi khi gặp rủi ro để vượt lên số phận…

Qua thực tiễn, dự trữ quốc gia đã làm nên những điều kỳ diệu, như những tấm lá chắn để che  cho nông dân, nông thôn qua cơn hoạn nạn; là lực lượng vật tư kỹ thuật sẵn có, chủ động đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh lương thực; tham gia bình ổn thị trường, ổn định xã hội.

Sản xuất nông nghiệp chịu chi phối rất lớn bởi thiên nhiên, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra theo chiều hướng gia tăng. Trong khi vật tư nông nghiệp đưa vào dự trữ quốc gia là những vật tư quý hiếm phần lớn phải nhập khẩu, trong nước không sản xuất được; như thuốc bảo vệ thực vật, vacxin, hóa chất sát trùng cho gia súc gia cầm và thủy sản.

Trong vòng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm xuất dự trữ quốc gia từ 3.000 - 4.000 tấn hạt giống cây trồng; hàng ngàn tấn hóa chất sát trùng; hàng triệu liều vacxin các loại; tổng trị giá xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương hàng năm lên tới 230 - 250 tỷ đồng.

Vì vậy, khi có thiên tai dịch bệnh Quỹ Dự trữ quốc gia được xuất cấp kịp thời theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang mang lại lợi ích đáng kể cho nông dân.

Còn nhớ dịch châu chấu như cơn bão bất ngờ ập đến Nghệ An, Hà Tĩnh; Quỹ Dự trữ quốc gia lúc ấy phải huy động ngay hàng chục tấn thuốc bảo vệ thực vật để dập dịch. Tiếp đó, là dịch rầy nâu ở Đồng bằng sông Cửu Long lan ra Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.

Rồi lại đến dịch cúm gia cầm H5N1, dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn, dịch tụ huyết trùng trâu bò và dịch bệnh thủy sản tôm nuôi; hàng triệu liều vacxin và hàng ngàn tấn hóa chất sát trùng được xuất ra kịp thời cho vùng dịch.

Ai ai cũng ngậm ngùi thương cảm cho những vùng bão lụt, nhất là khúc ruột miền Trung thường gặp thiên tai dịch bệnh, hàng triệu nông dân vừa thiếu ăn lại vừa thiếu giống ngày đêm trông chờ Quỹ dự trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta mới hiểu và cảm thông cho dự trữ quốc gia.

60 năm dự trữ quốc gia luôn trăn trở và tự đổi mới; như việc cải tiến quy trình xuất cấp, thực hiện Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính về việc Quy định quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ, nên việc xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương được thuận lợi, kịp thời phòng chống dịch bệnh và đáp ứng thời vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, hàng dự trữ do Bộ NN-PTNT quản lý vẫn được bảo đảm về cả cơ số và chất lượng, không để xảy ra thất thoát. Cơ cấu chủng loại mặt hàng dự trữ luôn được rà soát, kịp đưa những mặt hàng không phù hợp ra khỏi danh mục dự trữ và bổ sung mặt hàng mới đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

Ví như vacxin nhập từ các nước có công nghệ tiên tiến có thời gian sử dụng dài, bảo quản dễ dàng; đưa chủng loại hạt giống cây trồng có chất lượng cao vào dự trữ. 

Để chỉ đạo, điều hành dự trữ quốc gia có hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã kịp ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ các đơn vị và một số quy định về quản lý hàng dự trữ quốc gia; đã xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia… Đây là điều kiện quan trọng để quản lý tốt hàng dự trữ có hiệu quả.

Công tác dự trữ quốc gia của Bộ đã đi vào nề nếp và  tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kho bảo quản hàng dự trữ đã được đảm bảo ở cả 3 vùng chiến lược trọng điểm miền Bắc, miền Trung và Nam bộ. Hiện nay, kho bảo quản hạt giống cây trồng và thuốc thú y đã được xây dựng theo công nghệ tiên tiến hiện đại, đã phát huy hết năng lực và công suất, sẽ chủ động hơn trong công tác bảo quản hàng dự trữ và tiết kiệm chi phí.

Công tác quản lý dự trữ quốc gia đã được củng cố và tăng cường; nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật và hiện đại hóa ngành dự trữ quốc gia trong công tác bảo quản hàng dự trữ để mang lại hiệu quả. Dự trữ quốc gia ngành nông nghiệp những năm qua luôn được quản lý chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng trong điều hành và được sự ủng hộ nhiệt tình của các Bộ, ngành.

Với những kết quả trên, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tặng thưởng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân của Bộ NN-PTNT vì có thành tích xuất sắc trong công tác dự trữ quốc gia. Đây là nguồn động viên khích lệ cho những người làm công tác dự trữ của ngành nông nghiệp, nông thôn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.