| Hotline: 0983.970.780

60 năm giúp cháu con "không bắn vào quá khứ"

Thứ Ba 21/09/2010 , 11:40 (GMT+7)

Chúng tôi về xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) để tìm gặp ông Phạm Văn Sao, 78 tuổi, người có gần 60 năm viết sử cho làng, xã.

Cuốn ký sự Ka Đô của ông Sao
Chúng tôi về xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) để tìm gặp ông Phạm Văn Sao, 78 tuổi, người có gần 60 năm viết sử cho làng, xã.

Tại không gian yên tĩnh trong khu vườn, ông Sao tiếp chúng tôi thân mật, mời thưởng thức trà Đà Lạt, nghe tiếng chim hót. Ông là một người giàu cảm xúc khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên. Quê ông ở Bình Định nhưng đã gắn bó ở vùng đất Tây Nguyên lâu lắm rồi. Ông Sao tâm sự: "Sau khi chính quyền về tay cách mạng, tôi được cử đi học CĐSP ở Sài Gòn. Vốn có thói quen và khao khát ghi chép lịch sử, có tâm nguyện ghi lại tất cả những hình ảnh đang diễn ra với nỗi sợ phôi phai".

Ông tốt nghiệp CĐSP và được phân về xã Ka Đô công tác. Khi về đây, ông nhận thấy đồng bào không biết chữ nên ngày đêm giúp đồng bào “diệt giặt dốt”. Song song đó, ghi chép lịch sử về làng xã là khát vọng không thể nguôi ngoai trong ông. Kỷ niệm đáng nhớ trong ông được giãi bày cảm xúc qua trang sách khi buổi đầu đặt chân đến xã Ka Đô. Ông viết: “Ngay từ ngày đầu tiên đến với xã Ka Đô, tôi đã thấy một không khí cách mạng rất sôi sục. Con em ở xã Ka Đô lại học rất giỏi, có nhiều người hiền tài. Tôi quyết định ghi lại tường tận tất cả những thành tích trong giáo dục, những gương học sinh, những trận chiến, những địa danh lịch sử”.

Gần 60 năm miệt mài ghi chép sử làng, ông không thể nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu con đèo, con dốc, lội qua bao con suối, nếm mật nằm gai để bám hiện trường ghi chép lịch sử. Thế nhưng, riêng ở xã Ka Đô, ông chỉ lọc qua những sự kiện đặc sắc, ấn tượng đã có tới 2.000 trang sách về lịch sử. Ông Sao cho biết: "Từ năm 1965 - 1966, các già làng ở đây rất có kinh nghiệm trong việc lập sơ đồ chiến đấu chống giặc rất sáng tạo và hay. Tôi muốn lưu trữ tất cả lại cho đời sau tham khảo. Nhưng có những tư liệu bị mục nát, thiếu hồ sơ nên tôi nhờ ông Trung (một già làng tiêu biểu trong cách mạng), rong ruổi cả tháng trời luồn lách tất cả các khu vực chiến trường xưa để dựng lại, ghi chép”.

Đa số người dân ở xã Ka Đô khi nhắc đến ông Phạm Văn Sao đều tỏ vẻ khâm phục và kính nể trước người cha, người ông đã hy sinh cả cuộc đời ghi lại những trang sử. Hiện nay, với cái tuổi gần đất xa trời nhưng đối với ông Sao không có gì ngăn nổi trước sự đam mê ghi chép lại lịch sử. Đang tâm sự với chúng tôi, bỗng dưng đôi mắt ông hướng về xa xăm, cất lên giọng nói buồn buồn: "Gần 60 năm viết sử làng, hơn 30 năm dạy học nhưng nhìn xã hội bây giờ thỉnh thoảng tôi thấy giật mình, người ta thực dụng quá. Nhớ ngày xưa tất cả sống với nhau chỉ bằng cái tình. Cứ nghĩ như vậy nên tiếp thêm nghị lực cho tôi rong ruổi đi tìm tất cả các chiến tích lịch sử, ghi chép lại mà bước chân không mệt mỏi".

Hiện tại, ngoài cuốn tổng tập lịch sử làng xã dày 2.000 trang, ông Sao còn có khoảng hơn 100 ký sự, phóng sự ghi chép về các vấn đề giáo dục. Ông Sao khoe, ở xã Ka Đô có truyền thống học giỏi, có năm 30 học sinh đỗ đại học. Dù đã biên soạn gần như hoàn thiện cuốn tổng tập lịch sử làng Ka Đô, nhưng ông Sao vẫn chưa hài lòng bởi lẽ, ông luôn mang một nguyện vọng rằng, cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mở lớp hội thảo hay học tập ngoại khoá cho con em trong làng hiểu biết lịch sử. Đồng thời lập thêm ban biên soạn viết tiếp lịch sử làng xã để cho cuốn lịch sử làng Ka Đô ngày càng hoàn thiện hơn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.