| Hotline: 0983.970.780

60% phụ nữ Việt Nam đã bị bạo hành gia đình

Thứ Sáu 26/11/2010 , 09:55 (GMT+7)

“60% phụ nữ Việt Nam đã từng bị chồng bạo hành” - lần đầu tiên Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố số liệu trên vào ngày 25/11 tại Hà Nội.

“60% phụ nữ Việt Nam đã từng bị chồng bạo hành” - lần đầu tiên Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố số liệu trên vào ngày 25/11 tại Hà Nội.

Đây là nghiên cứu quốc gia đầu tiên đặc biệt dành cho vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã được nhiều tổ chức quốc tế cùng tham gia.

Là người phụ nữ có gia đình, song bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng, khi phỏng vấn trực tiếp gần 5.000 phụ nữ bà thực sự bàng hoàng khi biết rằng, 60% phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Ba hành vi bạo lực chủ yếu mà những nạn nhân phải chịu là thể xác, tình dục và tinh thần. Và, người trực tiếp gây tổn thương cho họ chính là người chồng mà hằng đêm họ vẫn “ấp má kề tay”.

Ai cũng biết, kết quả của những mối tình hạnh phúc là một đám cưới và những đứa con. Thế nhưng, những người có mặt trong hội trường như lặng đi khi bà Nguyễn Thị Việt Nga, cán bộ Tổng cục Thống kê kể về một người phụ nữ sống ở Hà Nội mới lấy chồng nhưng đã bị chồng bạo hành. “Đánh mình xong, ông ấy lôi mình như một con chó, tóc tai rũ rượi, lôi từ ngõ lôi vào. Ông ấy cầm ghế, cái ghế con để con ăn cơm hoặc cầm ngay viên gạch để đánh. Ông ấy còn rút ngay cái dép phang vào mặt, đau ơi là đau”.

Hay như một phụ nữ ở tỉnh Bến Tre cùng lúc chịu bạo lực của cả những người đang sống trong gia đình: “Ông ấy (chồng) uýnh em vào đầu và bụng. Em về viết giấy lên xã, thế là ông bê nguyên cây dừa đánh lại. Rồi cả bà chị dâu, mẹ chồng cũng tham gia đánh em nữa”. Tàn nhẫn hơn khi có hơn 5% người phụ nữ đang mang thai cũng bị chính người chồng, cha của đứa trẻ mình đang mang đánh đập tàn nhẫn. Và tỷ lệ đó cao nhất ở những phụ nữ chưa từng đến trường.

Cũng trong quá trình điều tra, các chuyên gia phát hiện có khoảng 10% phụ nữ từng bị bạo hành thể xác bởi một người khác ngoài chồng mình từ khi 15 tuổi và 2% khi chưa đầy 15 tuổi. Người gây bạo lực chủ yếu là thành viên gia đình (khoảng 65%). 

Cũng theo bà Nga, sau khi bị lạm dụng tình dục hoặc thể xác do chính người chồng gây ra, tất cả phụ nữ sau khi bạo hành đều cho biết tình trạng sức khỏe “kém” hoặc “rất kém”. Trong số này, 60% cho biết họ bị thương tích nhiều hơn một lần và 17% bị thương tích nhiều lần. Những người phụ nữ này có xu hướng mắc phải những vấn đề về đi lại, bị đau toàn cơ thể hay mất trí nhớ.

Với người đang mang thai, sau khi bị đánh nhiều trường hợp đã bị sảy thai hoặc nạo thai vì con bị ảnh hưởng. Đặc biệt ở những người bị bạo lực nghiêm trọng, nguy cơ căng thẳng tinh thần và có ý nghĩ tiêu cực như tự sát cao gấp ba lần so với phụ nữ không bị bạo lực gia đình…Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao những người phụ nữ này không tìm đến tổ chức xã hội để nhờ giúp đỡ vì đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình?”.

Cũng trong ngày 25/11, Tổng thư ký LHQ Ban Ki- Moon gửi thông điệp về ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ông kêu gọi các nước, doanh nghiệp, cá nhân cùng thực hiện trách nhiệm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội nào và không thể tiếp tục dung thứ những kẻ gây bạo lực.
Đại diện cho Tổng cục Thống kê cho hay, hầu hết phụ nữ bị bạo lực chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc chính quyền, bởi vì “họ không nắm được chi tiết Luật. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không nắm được Luật này”. Ngoài ra, sự xấu hổ, kỳ thị cũng là lý do khiến họ im lặng. Nhiều người còn cho rằng, bạo lực trong vợ chồng là chuyện bình thường, phụ nữ phải làm quen và chịu đựng. Hơn nữa, việc nói cho người khác biết cũng là tăng nguy cơ bị bạo lực. Rời khỏi nhà là giải pháp của 1/5 phụ nữ sau khi bị bạo lực.

Lắng nghe những con số, hậu quả khi người phụ nữ VN bị bạo lực gia đình, TS Jean- Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã tỏ rõ bức xúc: “Báo cáo này đã nêu bật tính cấp thiết của việc phá vỡ sự im lặng. Phụ nữ Việt Nam có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình ngay trong gia đình mình”. Cũng theo TS, hậu quả của bạo lực gia đình còn lớn hơn nhiều so với những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà họ phải chịu ngay lúc đó. Rồi cả những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bạo lực của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập rất nhiều.

Những ai từng chứng kiến bạo lực khi còn bé có nhiều khả năng trở thành người gây ra bạo lực khi trưởng thành. TS kiến nghị Việt Nam phải sớm có biện pháp mạnh để chấm dứt vấn nạn này. Là người đàn ông, người chồng, TS cũng kêu gọi nam giới VN cũng lên tiếng để chấm dứt bạo hành gia đình.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.