| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/05/2010 , 10:48 (GMT+7)

10:48 - 27/05/2010

60 trò nghèo& cô hiệu phó

Đó là 60 cháu học sinh ở Trường tiểu học xã Trà Bù, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Các cháu đều là con cái các gia đình nghèo, học bán trú ở trường. 60 nhưng chỉ có 20 giường tầng. Những cháu không có giường đều phải ngủ dưới đất.

Các cháu chỉ trông chờ vào 140 ngàn đồng trợ cấp/cháu/tháng, tức là chưa được 5 ngàn đồng một ngày. Cứ hình dung thế này, những quốc gia mà người dân GDP đầu người 2USD, tức là gần bốn chục ngàn VND/ngày đã bị Liên Hiệp Quốc coi là quốc gia nghèo đói rồi.

Nhưng chưa phải là tất cả. Điều bi đát hơn là đã mấy tháng nay, 60 cháu chưa nhận được số tiền trợ cấp đó, nên có gì ăn nấy. Các cháu phải hái thêm rau rừng độn vào nấu ăn cho đỡ đói. Trước tình cảnh đó của các cháu, cô giáo Nguyễn Thị Hương, hiệu phó nhà trường đã bán mấy chỉ vàng để mua gạo về nuôi đám học trò tội nghiệp.

Tình cảnh đói khát của 60 học sinh tiểu học bán trú ở Quảng Ngãi trên khiến dư luận bức xúc. Bị chất vấn, những người có trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi vừa đùn đẩy vừa đưa ra đủ lý do. Và cuối cùng, thì ông Phó trưởng phòng Kinh tế- Đối ngoại và Miền núi của UBND tỉnh Quảng Ngãi trả lời tỉnh queo: Sở dĩ các cháu lâm vào tình cảnh đó là do…ngân sách Trung ương về trễ.

Dân gian có câu “Cứu người đói cần nhanh như cứu người chết đuối”. Bởi người đói, chỉ một thời gian ngắn là cơ thể bị suy kiệt. Dù sau đó có được ăn no cũng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Huống chi những người bị đói đây lại là các cháu học sinh tiểu học, là trẻ em.

Gần trụ sở tỉnh Quảng Ngãi chúng tôi thấy hình ảnh của các cháu bé trên những tấm panô rất hoành tráng “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Vâng, cứ cho là ngân sách Trung ương về chậm đi, thì với 60 đứa trẻ mỗi tháng chỉ cần 8,4 triệu đồng, tỉnh Quảng Ngãi chẳng lẽ lại không ứng trước được số tiền đó hay sao? Sống như thế, thì các cháu làm sao mà tồn tại được ngay trong “thế giới ngày nay”, nói gì đủ sức làm chủ “thế giới ngày mai”?

Đối lập với thái độ của tỉnh, là nghĩa cử đầy cao đẹp của cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Mấy chỉ vàng, với nhiều người, nhất là với những người có chức có quyền, có thể là không lớn. Nhưng đối với một cô giáo vùng cao, thì rất có thể đó là số “của chìm” mà cô phải dành dụm, gom góp sau hàng chục năm trong sự nghiệp “trồng người”. Trước tình cảnh bi đát của các cháu, cô đã không ngần ngại bán vàng đi để mua gạo cứu đói cho lũ học trò. 

Tấm lòng của cô còn quý giá hơn vàng.

Bình luận mới nhất