| Hotline: 0983.970.780

7.500 ha rau công nghệ cao

Thứ Tư 04/04/2012 , 11:13 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng đang thu hút hàng loạt DN và nông dân áp dụng KHKT mới vào SX rau trên nền tảng an toàn và chất lượng.

* 400- 500 TRIỆU ĐỒNG/HA

Với lãi “khủng” vài trăm triệu đồng/ha trồng rau theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), tỉnh Lâm Đồng đang thu hút hàng loạt DN và nông dân áp dụng KHKT mới vào SX rau trên nền tảng an toàn và chất lượng.

Cục Sở hữu trí tuệ VN vừa tổ chức cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền "Rau Đà Lạt" cho UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) nhằm quảng bá thương hiệu ra thế giới… Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng (TT XTTM&DL) cho biết, Đà Lạt không chỉ nổi tiếng là thành phố du lịch, thành phố hoa mà còn nổi tiếng là vùng SX và cung cấp rau chất lượng cao cho thị trường cả trong và ngoài nước.

Rau an toàn, chất lượng cao của Lâm Đồng tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm; đa dạng về chủng loại như rau ăn lá, ăn củ và quả. Tỷ lệ XK rau hàng năm đạt 10% sản lượng, 90% tiêu thụ nội địa, chủ lực tại TPHCM. 

Sản phẩm rau được cấp giấy chứng nhận “Rau Đà Lạt”

Cũng theo ông Tư, với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho SX rau hoa quanh năm, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển NNCNC, nhằm thúc đẩy và gia tăng giá trị SX, thu nhập trên một đơn vị canh tác, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước và đẩy mạnh XK.

Đến cuối năm 2011 trên địa bàn tỉnh này đã có 40.000 ha đất nông nghiệp đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha. Riêng diện tích đất ứng dụng NNCNC đạt gần 11.000 ha, trong đó diện tích rau ứng dụng CNC lên tới 7.500 ha, đạt giá trị lên tới 400- 500 triệu đồng/ha.

Nhằm hỗ trợ gia tăng hơn nữa giá trị cho sản phẩm rau ứng dụng CNC, theo ông Dương Ngọc Đức, Trưởng phòng Kinh tế TP. Đà Lạt, TP đã sớm bắt tay xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau. Cụ thể, xây dựng dự thảo quy chế quản lý quy định chứng nhận, thiết kế logo chứng nhận nhãn hiệu, xây dựng bản đồ phạm vi vùng chứng nhận nhãn hiệu, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm rau Đà Lạt.

UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó đã ban hành quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt. Quy chế này tập hợp các tổ chức, DN, cá nhân cùng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rau Đà Lạt trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ủy quyền cho UBND TP. Đà Lạt là cơ quan trực tiếp quản lý chứng nhận này.

Để cụ thể hóa, ngày 30/3/2012, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức trao giấy chứng nhận cho 10 DN SX rau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào; HTX Xuân Hương; Cty  TNHH Organik Dalat J.V; Cty TNHH Nông sản Trình Nhi; Cty TNHH Dalat Gap; Cty cổ phần Nông sản- thực phẩm Lâm Đồng (TP.Đà Lạt); Trang trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng); DNTN Phú Sĩ Nông (huyện Đơn Dương)… Tổng cộng có khoảng 20 sản phẩm các loại như bắp cải, cải thảo, súp lơ, bó xôi, ớt ngọt, cà chua, xà lách… của 10 DN này được gắn tem nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” để nâng giá trị khi đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Đức cũng cho biết, các đơn vị muốn có chứng nhận nhãn hiệu rau Đà Lạt phải tuân thủ các điều kiện như: Có cơ sở hạ tầng SX, chế biến rau an toàn trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận; Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện SX rau an toàn do Bộ NN- PTNT quy định; Có giấy chứng nhận đủ điều kiện SX rau an toàn theo hướng VietGap… Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt sẽ là cơ quan thường trực cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt đối với các DN, tổ chức và cá nhân khi có nhu cầu.

“Việc cấp văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu rau Đà Lạt sẽ mở ra cơ hội mới trong SX- KD vì rau Đà Lạt được xác định rõ danh tiếng và chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, ông Đức nói. Tuy nhiên, TP. Đà Lạt sẽ thường xuyên kiểm tra sản phẩm của các đơn vị được cấp giấy chứng nhận, nếu phát hiện đơn vị không đảm bảo tiêu chí ban đầu sẽ tức khắc thu hồi giấy chứng nhận ngay.

+ Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc TT XTTM&DL Lâm Đồng:

Để đạt mục tiêu đến năm 2015 diện tích rau ứng dụng CNC của Lâm Đồng đạt khoảng 10.000 ha, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các DN, nông dân đầu tư trồng rau trên địa bàn như: Hỗ trợ về vốn vay, xúc tiến thương mại, chuyển giao KHKT, đặc biệt lồng ghép SX nông nghiệp thuần túy thành một sản phẩm nông nghiệp du lịch thông qua kết nối với các đơn vị du lịch, hình thành nên các tour du lịch đặc trưng của Lâm Đồng.

+ Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co-op Mart:

Chúng tôi có làm cuộc khảo sát với khách hàng thì trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, 100% đều bỏ tiền chi tiêu cho sản phẩm rau; đặc biệt là hầu hết đều chọn mua rau Đà Lạt. Điều đó chứng tỏ thương hiệu rau Đà Lạt đang được người tiêu dùng tín nhiệm, trở thành nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Hệ thống siêu thị SaiGon Co-op đã hướng tới nhu cầu này khi có tới 70% sản lượng rau bán cho khách hàng đến từ Đà Lạt. Trong số 10 DN nhận giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt ngày 30/3/2012 thì có 3 DN là nhà cung cấp thường xuyên cho chúng tôi.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.