Sự gia tăng bệnh tiểu đường có nguy cơ biến thành dịch. Khoảng 10 năm gần đây nhận thức về bệnh tiểu đường đã có nhiều thay đổi. Có thể sống chung với bệnh, có nhiều người mắc bệnh này vẫn đạt được những thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Chế độ ăn uống của người bệnh ngày nay là khá đầy đủ. Điều chủ yếu làm tình trạng bệnh nặng lên là sự thiếu hiểu biết và khá nhiều những quan niệm sai lầm về bệnh này. Vậy có thể tránh được bệnh này không và nếu mắc bệnh thì sống chung với bệnh thế nào?
1. Bệnh tiểu đường di truyền và không có cách nào tránh được?
Chỉ bị di truyền khi bệnh tiểu đường ở tuyp 1 (chiếm 5-10% trong mọi trường hợp). Còn ở tuyp 2 (chiếm 90-95% trường hợp) có thể mắc bệnh do nhiều nguyên nhân khác như:
- Lứa tuổi: Đa số người mắc bệnh này là ở tuổi 40 trở lên và đỉnh cao là ở độ tuổi trên 65.
Trước đó nhiều người có tiền sử bệnh xơ vữa động mạch, kể cả bệnh ở tuyến tụy. Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch thường hay đi đôi với nhau. Mỗi năm số người mắc bệnh tiểu đường tăng thêm 4%, trong số đó những người trên 65 tuổi chiếm 16%.
- Thừa cân: Có nguy cơ mắc bệnh khi trọng lượng cơ thể tăng rõ rệt.
- Huyết áp cao: Thừa cân, huyết áp cao, tiểu đường là “bộ ba" thường đi liền với nhau.
- Di truyền: Ảnh hưởng của di truyền không phải bàn cãi. Các bác sỹ khẳng định rằng, tiểu đường tuyp 2 thường gặp trong một gia đình và nhiều khả năng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc thông qua sự kết hợp những tính năng di truyền với những yếu tố nguy cơ bên ngoài (béo phì, ít hoạt động thể chất).
- Những biến chứng khi mang thai: Sản phụ sinh con nặng trên 4kg thì gần như chắc chắn sẽ bị tiểu đường. Trọng lượng bào thai lớn có nghĩa là trong thời kỳ mang thai người mẹ đã bị tăng lượng đường, để tránh điều này thì tuyến tụy sản sinh quá nhiều insulin làm cho trọng lượng đứa trẻ tăng. Trẻ có thể hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng người mẹ có nguy cơ bị tiểu đường ngay cả khi xét nghiệm máu không phát hiện được. Lượng đường trong máu có thể phát sinh bất cứ lúc nào, thường là khi bị đói. Tốt nhất là người mẹ nên đo lượng đường sau khi ăn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh nhẹ cân cũng có nguy cơ bị tiểu đường bởi vì nó ra đời khi sự hình thành chưa hoàn thiện nên chưa sẵn sàng cho hoạt động của tuyến tụy.
- Lối sống ít vận động: Là cách trực tiếp làm chậm quá trình chuyển hóa và dễ bị thừa cân.
2. Bệnh tiểu đường làm tăng cân nhanh?
Ngược lại, thừa cân là nguyên nhân, còn bệnh tiểu đường gần như luôn là hậu quả của chứng béo phì. Có đến 2/3 số người béo phì không tránh được bệnh này, trước hết là những người thừa mỡ ở vùng bụng. Lượng mỡ ở bên trong và bên ngoài vùng bụng làm sản sinh ra hormone kích hoạt sự phát triển của bệnh tiểu đường tuyp 2.
3. Ăn nhiều đồ ngọt sẽ bị bệnh tiểu đường?
Nguy cơ mắc bệnh không phải do tính chất của đồ ăn mà do thừa cân chiếm 50% số bệnh nhân. Tình trạng thừa chất béo còn nguy hiểm hơn nhiều.
4. Bệnh tiểu đường là một dạng khuyết tật?
Điều đáng lo ngại không phải là bản thân bệnh tiểu đường mà là những biến chứng của nó, trong số đó nguy hiểm nhất là các bệnh về tim-mạch.
5. Người mắc bệnh tiểu đường không được ăn kẹo bánh, trái cây, ngũ cốc và những đồ ngọt?
Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường nên tính toán sao cho có đủ các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo và quan trọng hơn là các carbonhydrat- đường). Vẫn phải bổ sung lượng đường thích hợp trong máu để tránh những tình huống cấp tính (hạ đường huyết) hoặc lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết).
Nên hạn chế chất béo động vật. Ngược lại chế độ ăn có carbonhydrat (đường) vẫn luôn phải có và đa dạng, nên thay đổi món ăn từng ngày. Carbonhydrat phải được cung cấp cho cơ thể 5- 6 lần/ngày. Người khỏe mạnh sẽ biến nó thành năng lượng, còn bệnh nhân tiểu đường phải có sự hỗ trợ của thuốc. Trong cả hai trường hợp thì bổ sung lượng đường ở dạng tự nhiên (ngũ cốc, bánh mỳ, khoai tây, mì ống) vẫn tốt hơn là bổ sung nhanh (đường và các sản phẩm đường) và nên ăn các loại rau quả có chất xơ nhưng hạn chế quả ngọt.
6. Ăn kiều mạch và táo xanh có lợi khi bị tiểu đường?
Những loại này đúng là có lợi nhưng không nên lạm dụng. Tuy nhiên, kiều mạch cũng làm tăng lượng đường glucoza trong máu cũng như bất cứ một loại ngũ cốc nào. Với táo và các loại quả khác thì hàm lượng đường phụ thuộc vào kích thước và độ chín hơn là vào màu sắc của quả.
7. Người bệnh tiểu đường cần bỏ đường và sử dụng loại khác thay thế cho đường?
Thực tế là không cần. Các chất thay thế đường đôi khi là sự cân bằng vô hại, song đã có những số liệu khoa học về tác dụng phụ của chúng đối với các cơ quan bên trong cơ thể.
8. Chỉ định dùng insulin là nguy hiểm
Thực tế thì không nên lạm dụng insulin trong mọi trường hợp, nhưng cũng không cần phải e ngại nó. Không một loại thuốc nào chữa khỏi hoàn toàn được bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khi chối bỏ insulin thì phải có chỉ định của bác sỹ. Insulin có tác dụng lớn đối với nhiều bệnh nhân và cần thiết đối với sự sống, vì cơ thể không thể tự tạo ra chất này để bù đắp.