| Hotline: 0983.970.780

8 thuyền viên bị tàu Indonesia bắt đòi tiền chuộc

Thứ Sáu 11/07/2014 , 07:52 (GMT+7)

Cùng bị bắt với 8 thuyền viên trên tàu cá Bình Định này là 2 tàu khác những đã nhanh chóng được thả sau khi nộp tiền chuộc mỗi tàu 800 triệu đồng. Riêng tàu cá Bình Định nài nỉ xuống được 450 triệu đồng nhưng bỗng dưng phía kia đổi ý, giữ lại cả người và tàu.

Từ khi chiếc tàu cá của ông Nguyễn Chim (51 tuổi) ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát, Bình Định) mang số hiệu BĐ-30145 TS bị bắt gữ ở Indonesia cùng với 8 thuyền viên đến nay đã tròn 60 ngày.

Chiếc tàu cá nói trên cùng 8 thuyền viên đang bị giữ tại đảo Adan Banh-Aren Pha (Indonesia). Thế nhưng sau can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngành chức năng phía Indonesia đã trả lời không bắt giữ tàu cá nói trên!? Vậy thực hư sự việc thế nào?

Bắt đòi tiền chuộc

Theo ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, vào ngày 20/5, hai tàu cá của ngư dân xã Cát Tiến là BĐ-30145 TS do ông Nguyễn Chim làm chủ và tàu BĐ-93359 TS do bà Đoàn Thị Đào làm chủ đang dừng nghỉ tại tọa độ 5.58 độ vĩ bắc và 106.26 độ kinh đông cùng với 1 tàu cá khác của ngư dân Bà Rịa- Vũng Tàu thì bị tàu Indonesia bắt giữ.

Hai hôm sau, tàu cá BĐ-93359 TS của bà Đoàn Thị Đào cùng tàu cá của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu được thả ngay trên biển, riêng tàu cá BĐ-30145 TS của ông Nguyễn Chim bị phía Indonesia lai dắt vào đảo Adan Banh-Aren Pha, cả 8 thuyền viên trên tàu của ông Chim bị giam giữ từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Thanh Huy, Trưởng Công an xã Cát Tiến, cho biết thêm: Trong hơn 1 tháng qua, Công an xã Cát Tiến đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an huyện Phù Cát đến làm việc với ông Phạm Minh (chồng bà Đoàn Thị Đào), người trực tiếp chỉ huy chuyến biển vừa rồi về lý do vì sao tàu BĐ-93359 TS do ông làm thuyền trưởng và tàu cá của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu được thả mà tàu BĐ-30145 TS của ông Chim lại bị bắt giữ?

Ông Minh chỉ trả lời: “Do tui năn nỉ quá nên được thả”. Thế nhưng qua điều tra của ngành chức năng, thực tế không phải vậy.

Trưởng Công an xã Cát Tiến nói: “Do ông Minh “mua” đường dài về chuyện làm ăn sau này nên không tiết lộ đầu mối chuộc người hiện đang tồn tại ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo điều tra, chúng tôi được biết sau khi 3 chiếc tàu nói trên bị bắt, ông Minh đã nhận được cuộc điện thoại “giao dịch” chuyện chuộc người với giá 800 triệu đồng.

Ông Minh và chủ tàu cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý. Sau khi bà Đào và người nhà của tàu cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển tiền mặt cho đối tượng môi giới tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tàu của bà Đào và tàu của ngư dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu được thả ra ngay trên biển.

Còn ông Chim thấy số tiền 800 triệu đồng quá lớn nên thương lượng xin giảm. Sau mấy ngày cân nhắc, bên Indonesia đồng ý giảm xuống còn 20.0000 USD (khoảng 450 triệu VNĐ). Thế nhưng khi ông Chim chạy được tiền thì bên Indonesia lại không đồng ý, sau đó bắt giữ cả con tàu lẫn 8 thuyền viên”.

Ông Chim cho hay: “Lúc họ hạ giá chuộc người xuống còn 450 triệu đồng, tui quyết định vay mượn đủ số tiền để chuộc tàu, chuộc người, sau này về bán tàu trả nợ cũng được. Thế nhưng không hiểu sao họ lại đổi ý”.

Cả 3 anh em cùng bị giam

Con tàu BĐ-30145 TS của ông Chim được có từ sự dành dụm của ông và 3 đứa con trai suốt mấy chục năm làm nghề đi bạn. Cách đây 1 năm, ông Chim mua con tàu nói trên và sắm ngư lưới cụ hết 800 triệu đồng để tạo phương tiện cho 3 đứa con trai nối tiếp nghề của ông cha. Không ngờ mới đi được vài chuyến đã bị bắt.

16-22-53_ngu_dn-2
Tàu mất, 3 đứa con bị bắt, ông Chim lo làm lưới kiếm sống

Ông Chim cho biết, trong gần 2 tháng qua, 3 đứa con của ông đang bị giam giữ tại đảo Adan Banh-Aren Pha là Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Nhạn và Nguyễn Văn Sang có liên lạc về nhà. “Trong thời gian bị người Indonesia giam giữ, họ chỉ biệt giam thuyền trưởng là Nguyễn Văn Yến, 7 thuyền viên kia họ bắt ra ngoài lao động phổ thông, làm đủ chuyện, từ đào giếng đến bốc vác đá, phu hồ.

Mỗi chiều về, những người coi trại giam lục lấy hết tiền các thuyền viên làm được. Trong lúc ra ngoài làm, mấy đứa con của tui mượn điện thoại của người dân địa phương nhá vào máy tui. Tui gọi lại, nghe chúng kể chuyện mà thấy đau nhói lòng”.

Những câu chuyện kể của 3 người con trai của ông Chim chứa đầy nước mắt. Lúc tàu của Indonesia áp sát và cho người sang tàu BĐ-30145 TS, họ đã đánh thuyền trưởng Nguyễn Văn Yến đến ngất. Trong thời gian bị giam giữ, họ tiếp tục thường xuyên bị đánh đập.

“Ở nơi giam giữ, thằng Sang con tui từng bị đánh vào ngực đến bỏ ăn mấy ngày. Em vợ của thằng Sang đi bạn trên tàu của Võ Văn Tùng cũng bị đánh trẹo cánh tay. Qua điện thoại, tui hỏi tụi nó bên Indonesia có nhắc lại chuyện chuộc người nữa không? Chúng bảo không! Tui hỏi có nghe đến chuyện khi nào được thả về không? Chúng bảo gặp nhiều ngư dân Việt Nam cũng bị bắt giam ở đây hơn 6 tháng trời nhưng cũng không biết ngày về”, ông Chim chua xót cho biết thêm.

Chúng tôi về thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (Phù Cát) tìm nhà ông Võ Trường Sơn, cha của thuyền viên Võ Văn Tùng.

Vợ chồng ông Sơn tiếp chúng tôi trong nước mắt. “Thằng Tùng là con trai út, mới chỉ 20 tuổi. Xưa nay nó ở nhà giúp vợ chồng tui trồng hành. Anh rể nó là Nguyễn Văn Sang (con ông Chim) về rủ nó đi biển, mới đi được chuyến thứ 2 thì bị bắt. Bà vợ tui nhớ con, lo nó bị đánh đập, khóc suốt ngày không làm lụng gì được”, ông Sơn than thở.

Bị mất tàu, 3 đứa con trai cũng bị giam giữ, vợ của ngư dân Nguyễn Chim phải đi Gia Lai làm thuê kiếm tiền mua gạo.

Tội nghiệp nhất là trường hợp thằng con trai Nguyễn Văn Nhạn của ông. Tháng 6 âm lịch tới đây Nhạn sẽ cưới vợ. Vợ sắp cưới của Nhạn mong chuyến biển này nhanh cập bờ để làm đám cưới, không ngờ bây giờ Nhạn bị bắt không biết ngày về. Buồn quá, vợ sắp cưới của Nhạn đi Quy Nhơn làm thuê trong các nhà hàng.

Mịt mờ đường về

Sau khi nhận thông tin về tàu cá của ngư dân địa phương bị bắt, giam người ở Indonesia, UBND xã Cát Tiến đã làm văn bản báo cáo Sở Ngoại vụ Bình Định.

16-22-53_ngu_dn-1
Ngư dân Nguyễn Chim kể chuyện với PV NNVN

Ngày 11/6, Sở Ngoại vụ Bình Định có văn bản số 384/SNgV-LS gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) báo cáo vụ tàu cá của ông Nguyễn Chim cùng 8 thuyền viên đang bị bắt giữ ở Indonesia và đề nghị các cơ quan nói trên sớm có biện pháp can thiệp nhằm đưa 8 ngư dân về nước đoàn tụ với gia đình.

Tuy nhiên, sau khi Đại sứ quán Việt Nam làm việc với ngành chức năng Indonesia thì được Bộ Biển và Nghề cá Indonesia trả lời là ngành chức năng nước này không có bắt tàu cá BĐ-30145 TS của ông Nguyễn Chim.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết: “Căn cứ Công điện số 155/CĐ-JKT của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết Bộ Biển và Nghề cá Indonesia trả lời là không bắt tàu cá nói trên, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND xã Cát Tiến để thông báo cho gia đình ngư dân Nguyễn Chim”.

Thế nhưng theo UBND xã Cát Tiến, qua xác minh của ngành chức năng, hiện nay người nhà của 8 thuyền viên và chủ tàu Nguyễn Chim vẫn thường xuyên liên lạc với những ngư dân đang bị giam giữ tại đảo Adan Banh-Aden Pha (Indonesia). UBND xã Cát Tiến sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Chi cục KT-BVNLTS Bình Định có biện pháp can thiệp giúp 8 ngư dân đoàn tụ với gia đình.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.