| Hotline: 0983.970.780

8 tiếng kinh hoàng nơi tâm bão dữ chưa từng thấy

Thứ Hai 18/09/2017 , 14:45 (GMT+7)

Vù, vù, vù! Những tiếng rít liên hồi kèm theo mưa lớn vang liên hồi. Ngoài trời, tịnh không một bóng người, nhường chỗ cho những mái tôn, cánh cửa, cành cây... bay vèo vèo.

8 tiếng nổi cơn thịnh nộ, cơn bão số 10 (Doksuri) đã “nuốt” trọn hơn 62.500 nóc nhà; nhiều trường học, trạm y tế, công sở; 3.100ha nuôi trồng thủy sản ... của tỉnh Hà Tĩnh.
 

Cơn thịnh nộ

Độ 4h sáng 15/9, TP Hà Tĩnh - vùng ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 bắt đầu nổi gió, lúc này thị xã Kỳ Anh - khu vực tâm bão đi qua, sóng yên biển lặng. Rất nhanh sau đó, 7h cùng ngày, cơn thịnh nộ bắt đầu bao trùm các huyện ven biển như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, đặc biệt là thị xã Kỳ Anh.

Tại khu vực Đồn biên phòng Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, hơn 250 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, thuộc các xã ven biển Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) được di dời đến đây để tránh trú bão. Trên khuôn mặt khắc khổ, mặn mòi của bà con hiện rõ vẻ bơ phờ, lo lắng. Họ lo cho căn nhà bao năm làm lụng vừa dựng được đang có nguy cơ đổ sập; lo chiếc thuyền neo đậu ngoài khơi bị sóng đánh chìm; lo lứa tôm đến kỳ thu hoạch chưa kịp bán...
15-01-51_4
Hoang tàn, đổ nát là những hình ảnh hiện hữu sau khi cơn bão Doksuri quét qua thị xã Kỳ Anh
 
Bà Hồ Thị Lài (75 tuổi), trú thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi thất thần nói: “Bão chưa đổ bộ mà gió đã rít ầm ầm từ 7 giờ sáng đến giờ (10h ngày 15/9 - PV). Không biết căn nhà của tôi có trụ nổi qua cơn bão này không”.
 
Theo bà Lài, căn nhà cấp bốn của bà chỉ cách bờ biển chừng 100m. Chiều ngày 14/9, chính quyền địa phương và bộ đội đến nhà di dời bà, cô con dâu và hai người cháu đến Đồn biên phòng tránh trú, còn anh con trai lên nhà anh em ở thị xã Kỳ Anh ở nhờ chờ bão tan. Toàn bộ đồ đạc, tài sản đều được giằng néo phó mặc cho ông trời.

Nằm co quắp cạnh bà Lài, bà Nguyễn Thị Thanh, cùng thôn mệt mỏi chia sẻ, mấy chục năm qua hầu như năm nào cũng có bão nên việc di dời đi tránh trú dân Kỳ Lợi cũng quen rồi. Tuy nhiên, năm nay bão dự báo giật trên cấp 12 nên ai ai cũng hoang mang, lo lắng. Ngoài trời mưa trắng xóa, gió thổi ầm ầm mấy tiếng liền, lúc nào cũng mạnh nên ngồi trong nhà chẳng thể xác định được lúc nào bão thực sự đổ bộ.

11h ngày 15/9, cuồng phong bắt đầu kéo đến, cả thị xã Kỳ Anh “thất thủ”, điện mất trên diện rộng, nhà nhà đóng kín cửa. Để trở lại trung tâm thị xã đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, chúng tôi phải bê những tảng đá nặng đặt lên xe để tránh cơn bão hất tung. Suốt đường đi, hai bên đường cây xanh bị bẻ gãy, thậm chí có những cây cổ thụ hàng trăm năm cũng nằm “phơi bụng”.

15-01-51_6
Hình ảnh hoang tàn sau bão

4 giờ sau đó (từ 11 đến 15h) “siêu bão” Doksuri bắt đầu càn quét. Sức gió ngoài trời lúc bấy giờ không thể xác định được nhưng đứng từ trên tầng 3 một tòa nhà cao tầng, chứng kiến cả mái nhà hàn bằng bê tông, cốt thép bị cuốn bay xa hơn 30m, đè bẹp ngôi nhà ngói hàng xóm đến tôi cũng hoảng sợ. Những tấm cửa kính cường lực bắt đầu rơi lộp độp, vỡ tung tóe. Ngoài đường, biển quảng cáo, mái tôn, prô xi măng bay vèo vèo hàng trăm mét...

Đồng nghiệp của tôi ở Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Kỳ Anh, giọng thảng thốt trên điện thoại: “Đồng nghiệp ơi, cột phát sóng truyền hình cao 100m bị bão đánh sập rồi. Nằm bên cạnh, cột trạm BTS của Viettel và 1 tháp của Viễn thông TX Kỳ Anh cũng đổ sập luôn”.
 

Cả xã “mất nóc”

Sau 15h bão tan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói với chúng tôi: “Hiếm có cơn bão nào kéo dài dai dẳng đến 8 tiếng đồng hồ. Sức tàn phá rất ghê gớm. Rất may nhờ chủ động ứng phó tốt nên hạn chế được tối đa thiệt hại về người”.

Cùng thời điểm này, chúng tôi ra đường ghi lại những hình thiệt hại ban đầu. Từ QL1A đến các tuyến đường liên xã, thôn xóm, hầu như tuyến nào cũng bị chia cắt vì cây cối, cột điện, tôn thép gãy đổ. Cả thị xã ngổn ngang như bãi chiến trường sau chiến tranh.

Bà Nhự Thị Vân, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh chưa hết bàng hoàng nói: “Đã gần 30 năm, kể từ năm 1990 trở lại đây tôi mới chứng kiến cơn bão mạnh và kéo dài như vậy”. Ngôi nhà bà Vân dựng làm chỗ trú mưa che nắng đã mấy chục năm đang bị đè bẹp bởi mái nhà bằng sắt thép của ông Bùi Quang Chín cách đó chừng 30m. Cơn bão cũng đã hất tung toàn bộ cửa, đồ dùng trong nhà, bây giờ bà phải nhờ chính quyền, đoàn thể giúp đỡ nhặt lại phần gạch, ngói còn dùng được để dựng lại nhà; vay mượn mua sắm đồ dùng mới.

15-01-51_5
Rất nhiều ngôi nhà "mất nóc"

Xã biển Kỳ Lợi phải gánh chịu thiệt hại nặng nền nhất với hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Theo một lãnh đạo UBND xã, bà con nơi đây 100% bám biển mưu sinh, tuy nhiên, sau sự cố môi trường đời sống của họ đang gặp phải những khó khăn nhất định. Bây giờ cơn bão số 10 ập xuống phá hỏng hầu hết của cải người dân tích góp được nên tình cảnh bi đát càng nhân lên bội phần.

Vừa trở về từ nơi tránh trú, chị Nguyễn Thị Anh đứng bên ngôi nhà chỉ còn lại bốn bức tường khóc nức nở: “Trời ơi, còn chi mô nựa (không còn gì - PV). Ngói vỡ vụn hết, đồ đạc ướt sũng, bay tứ tung. Mai mốt biết sống thế nào!”. Nhìn vào ngôi nhà chị Anh đúng là quá bi đát. Những căn nhà khác bị tốc phần ngói, phần tôn, còn nhà chị đến thanh xà gồ, rui mèn cũng bay theo gió; tập sách vở của 2 con chị ướt nhẹp, rách tươm; nồi niêu xoong chảo mỗi cái mỗi nơi, dồn đống như bãi chiến trường, không thể vớt vát.

Ngay lúc này, cảnh “màn trời chiếu đất” rất dễ bắt gặp ở những địa phương ven biển phía Nam Hà Tĩnh. Riêng xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có đến 8 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn. Thời điểm bà con đi tránh bão, những ngôi nhà vẫn bình thường nhưng chỉ sau một buổi trưa, toàn bộ bị san phẳng.

Vợ chồng anh Bùi Xuân Hương, chị Nguyễn Thị Hà, làng Nhượng Bạn là một trong 8 trường hợp đó. Anh chị lấy nhau sinh được 3 người con, cả 3 hiện đang đi học. Ngày ngày anh Hương theo đội tàu trong xã vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, mỗi tháng được trả công gói ghém trong 4 - 5 triệu đồng; chị Hương ở nhà ai thuê việc gì làm việc ấy. Thu nhập thấp, tích góp mãi anh chị xây được căn nhà cấp 4 bên kè biển Cẩm Nhượng.

15-01-51_nh2
Bão số 10 san phẳng ngôi nhà của vợ chồng anh Hương, chị Hà, làng Nhượng Bạn

Trước khi đi tránh bão số 10 ở thị trấn Cẩm Xuyên, anh chị giằng néo nhà cửa, kê gác đồ đạc cẩn thẩn. Tuy nhiên, chiều hôm sau trở về ngôi nhà “không cánh mà bay”, toàn bộ đồ đạc từ tủ lạnh, ti vi, quần áo đến sách vở, nồi niêu... chôn vùi dưới đống gạch vỡ vụn. Cả gia đình bỗng chốc còn hai bàn tay trắng, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Chị Hà cho biết, bây giờ cả gia đình phải xin ở nhờ nhà hàng xóm, tiền bạc tích góp không còn nên chỉ mong Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho gia đình dựng lại căn nhà mới, sớm ổn định cuộc sống.

Bão đi qua, nước mắt ở lại. Cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục nhưng những nhọc nhằn, lo toan càng đè nặng lên đôi vai những người nông dân cần cù, chịu khó mảnh đất miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm