| Hotline: 0983.970.780

80 năm say một điệu xoan

Thứ Sáu 07/04/2017 , 08:01 (GMT+7)

Sinh ra trong một gia đình có mẹ và người thân đều biết hát xoan, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã hát thành thạo các bài hát xoan cổ.

Cái nôi xoan cổ

Từ xa xưa, làng Thét (xã Kim Đức) được coi là một trong bốn chiếc nôi của di sản hát xoan Phú Thọ. Bởi, từ bao đời nay, xoan Thét vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn một cách tối ưu nhất và còn vang mãi trong lòng người dân đất Việt và bạn bè thế giới.

Nói đến xoan Thét, người dân nơi đây không ai là không biết đến Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sủng (SN 1927), người phụ nữ đã gần 80 năm gắn bó với hát xoan cổ.

14-51-52_nh-1
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sủng

Sinh ra trong một gia đình có mẹ và người thân đều biết hát xoan nên ngay từ nhỏ nghệ nhân Sủng đã hát thành thạo các bài hát xoan cổ. Năm 15 tuổi, cô bé Sủng đã được mời làm cô Đào trong phường Xoan Thét.

“Đến năm 10 tuổi, tôi bắt đầu theo mẹ, anh chị trong gia đình đi tập hát xoan ở đình làng. Sau một thời gian tập luyện tích cực, tôi hát xoan thành thạo, đến 15 tuổi, tôi được mọi người trong làng mời đi làm cô đào”, cụ Sủng nhớ lại

Ngoài việc tham gia làm cô đào trong phường Xoan Thét, Sủng còn đi dậy hát xoan cho các bạn cùng trang lứa ở trong làng. Đến 17 tuổi, Sủng sang tỉnh Vĩnh Phúc dậy hát xoan cổ cho người dân bên đó.

Nghệ nhân Sủng cho biết: Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương, nhờ có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi mà Hoàng hậu đã đỡ đau khi trở dạ và sinh nở được ba hoàng tử khôi ngô, tuấn tú. Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa, rồi vời nàng vào cung dạy hát múa cho các Mị nương. Khúc hát đó được dân làng gọi là hát xuân bởi khi ấy đang là mùa xuân.

Từ đó, hát xoan bắt đầu xuất hiện. Hát xoan còn được gọi là hát xuân, tức là các cuộc hát tổ chức vào mùa xuân. Đây là loại dân ca lễ nghi, phong tục, gắn với hội mùa, thờ Thành hoàng, gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh.

Cũng theo lời nghệ nhân Sủng, mỗi một năm có ba cuộc hát xoan được tổ chức với quy mô lớn, đó là ngày mồng 3 tháng Giêng (khởi đầu cuộc lưu diễn xuân); mồng 10 tháng 3 (giỗ Tổ vua Hùng) và mồng 10 tháng 9 (đại tiệc thờ vua Hùng). Vào những ngày đó, các nghệ nhân ở phường xoan gốc (Thét, An Thái, Phù Đức, Kim Đới) náo nức, vui như trẩy hội.

“Lúc đó, đào, kép tập hợp tại nhà “trùm xoan” hoặc cửa đình để luyện xoan. Điều đặc biệt, các thành viên phải ngâm chân sao cho đôi chân thon gót, hồng sạch sẽ mới được bước vào cửa đình linh thiêng để hát thờ vua”, nghệ nhân Sủng cho hay.

Một nhóm hát xoan cổ gồm 7 người, trong đó 5 cô đào thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa,... 1 kép có nhiệm vụ hát dẫn cho đào bắt theo (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; còn 1 “trùm xoan” (đứng đầu phường xoan) có nhiệm vụ đứng ra đưa đi.

“Tất cả các thành viên trong nhóm phải phối hợp ăn ý với nhau sao cho lời hát, điệu múa mượt mà, điêu luyện hơn thì lúc đó lời hát của bài Xoan mới toát lên được cái vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của bài xoan đó”, nghệ nhân Sủng nhấn mạnh.
 

Đến chết mới thôi hát xoan

Mặc dù, đã bước sang tuổi 90 nhưng niềm say mê của nghệ nhân Sủng với hát xoan vẫn như ngày nào. Cụ hát rành rọt, tay múa chân đưa mềm dẻo các điệu xoan từ Giáo trống giáo pháo, Ngư tiều canh mục, đến Đưa hương, Đóng đám,…

Với chất giọng cao, trong trẻo nên nghệ nhân Sủng vẫn thường xuyên tham gia hát xoan cùng với mọi người trong làng. Nghệ nhân Sủng cũng là người hiếm hoi còn nhớ những chữ hát thờ vua Hùng.

Để chứng minh cho giọng hát của mình, nghệ nhân Sủng đã hát cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài “Tứ đưa xuân cách”:

“Thuở tháng xuân Lê hoàng làm chúa

Dân ta tốt lúa ăn uống mấy lại no say

Bóng nắng xoay vần quanh cụm trúc

Mai kề hiên liễu lục mấy lại phủ bên

Thương xoan đoái năm tìm đến

Chịu sầu thương nhớ

Khắc khoải tử quy là tiếng gù

Mày liễu xanh ngăn ngắt là ả mới nở

Khí hòa giao Lê hoàng làm chúa

Nức mùi thơm lừng lẫy san xuyên…”

Nghệ nhân Sủng chia sẻ, cụ coi hát Xoan là món ăn tinh thần cho chính mình, giúp cụ quên đi cái mệt mỏi của tuổi già. Cụ có thể bỏ cơm, chứ không bao giờ bỏ hát xoan cổ, luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật hát xoan trên địa bàn xã mình.

“Tôi vẫn hay dạy các cháu ở trong làng, những người có niềm đam mê hát xoan là phải coi hát xoan là món ăn tinh thần của chính mình, những làn điệu đó đã đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người hát xoan. Với tôi, đến chết mới thôi hát xoan”, nghệ nhân Sủng quả quyết.

14-51-52_nh-2
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do cho cụ Sủng vào năm 2015

Nghệ nhân Sủng nói: Một cuộc trình diễn hát xoan sẽ có 3 chặng. Trong đó, hát thờ với những bài ca ngợi công đức các vua Hùng Thành hoàng làng với sự nghiêm túc, trang nghiêm trước đình hoàng. Hát quả cách với 14 tiết mục ngợi ca thiên nhiên, con người lao động trong sản xuất (như lên rừng hái củi, người đi cấy,…). Hát hội với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa.

Chức năng trình diễn nghệ thuật của hát xoan, đặc biệt là phần hát giao duyên, ngày nay không những đang được duy trì đều đặn trong mọi dịp lễ, tết mà còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như sinh hoạt cộng đồng, công đoàn, hội phụ nữ, liên hoan văn nghệ…

Tôi hỏi, hát xoan có khó không cụ? Cụ Sủng đáp: “Nếu bảo khó thì cũng không phải, mà bảo dễ thì lại quá buồn cười. Bởi, để hát được làn điệu xoan là do sự tiếp thu, nhận thức của từng người, có người chỉ một thời gian ngắn là đã hát được, nhưng cũng có người hát mãi vẫn chưa thành thạo”.

Hát xoan rất chậm, âm nhạc trong hát xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói. Nó khác hẳn với những làn điệu quan họ, ca trù, xẩm…
 

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Vào những ngày cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân Sủng vẫn chống gậy đi trên con đường đất gồ ghề từ nhà ra các đình làng, Nhà văn hóa khu trong xã để truyền đạt, dậy hát xoan cho thế hệ trẻ. Cách dạy xoan của cụ vẫn theo lối của thế hệ trước là truyền khẩu.

img-20170401-104020153356509
Dạy hát xoan cho thế hệ trẻ

Cụ hát mẫu, trò ca theo. Cứ thế tạo thành bè, nhịp điệu của xoan vừa vang vừa vọng. Người hát xoan vì thế thả hồn vào từng câu hát một cách tự nhiên và truyền cảm.

“Hôm qua, tôi mới chống gậy ra đình làng để dậy hát xoan cho bọn trẻ và cùng các nghệ nhân khác trong làng tập hát xoan để chuẩn bị biểu diễn cho những ngày diễn ra lễ hội Đền Hùng”, nghệ nhân Sủng phấn khởi.

Cụ Sủng mỉm cười bảo: Vào những ngày nắng to hay trời mưa rét mà ở đình làng chưa có ai ra dậy hát Xoan thì tôi vẫn chóng gậy đi ra đó dậy, mặc cho đôi chân nhức mỏi. Tôi vừa đi vừa hát Xoan để quên đi cái mệt mỏi ấy. Chẳng mấy chốc đã tới nơi.

Một học trò theo học hát xoan của cụ Sủng chia sẻ, các điệu xoan như đã ngấm vào sương thịt của cụ Sủng. Được học hát xoan do chính cụ dậy, chúng tôi rất vui, học được cách hát nhanh hơn và hiểu được ý nghĩa của từng bài.

Với những đóng góp to lớn của cụ Sủng vào nghệ thuật hát xoan Phú Thọ, trong sự nghiệp hát Xoan cổ, cụ đã vinh dự được nhận nhiều kỷ niệm chương, Bằng khen của Bộ VH-TT& DL, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, UBND tỉnh Phú Thọ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam…

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hàng trăm câu lạc bộ hát xoan cổ. Hát xoan có sức lan truyền, lan tỏa, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp. Những làn điệu xoan cổ không chỉ tập trung ở những vùng chuyên hát xoan mà giờ đã phát triển đến những làng chưa bao giờ hát xoan cổ.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất