| Hotline: 0983.970.780

8X khởi nghiệp từ trồng nấm xuất khẩu, lãi 500 triệu đồng/năm

Thứ Hai 02/07/2018 , 07:15 (GMT+7)

Mới ở tuổi 34, nhưng anh Nguyễn Văn Tú ở đội 2, thôn Trung Hoà, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên đã khá nổi danh trong nghề nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

08-26-00_phong_cy_giong_nm
Phòng cấy giống nấm

Chia sẻ với chúng tôi về lý do khởi nghiệp trồng nấm của mình, anh Tú cho biết: Qua báo, đài, internet và tham quan thực tế các mô hình, anh thấy nấm ăn, nấm dược liệu là nông sản sạch, có giá trị hàng hoá cao, giàu dinh dưỡng, nếu mạnh dạn sản xuất sẽ thoát nghèo và làm giàu bền vững. Vì vậy năm 2009, đang làm tại Cty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên, anh đã quyết định bỏ nghề, về quê đầu tư nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu các loại.

Bằng nguồn vốn tự có và huy động thêm từ nguồn khác, anh Tú đã thuê nhượng được gần 1ha ruộng canh tác từ người dân địa phương, mua sắm đồng bộ các loại máy móc cho nuôi trồng và chế biến nấm.

Để đảm bảo có được nguồn nguyên liệu sản xuất chất lượng tốt, anh Tú đã đặt hàng mua rơm khô từ các nhà nông địa phương, mùn cưa gỗ keo từ tỉnh Thái Nguyên, bông dinh dưỡng (lõi quả bông) tại Nhà máy dệt Nam Định và mua mùn cưa gỗ cao su từ các tỉnh Tây Nguyên... Kết hợp với các loại cám gạo, cám ngô, đường kính trắng, bột nhạt và các giống nấm nguyên chủng dùng cho nuôi trồng các nấm ăn, nấm dược liệu.

Tuy nhiên, sau cấy giống nhiều bịch giá thể trồng sợi nấm không phát triển, hoặc quả thể không hình thành... gây thất thu. Sau nhiều đêm trăn trở, không tìm ra nguyên nhân thất bại, anh Tú đã quyết định tạm dừng sản xuất, lên Viện Di truyền Nông nghiệp học quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm một cách bài bản, bởi trước đó anh mới chỉ học “lỏm” qua một số người trồng nấm.

Kể từ sau hoàn thành khoá học ở Viện Di truyền Nông nghiệp trở về, 8 năm qua trang trại nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu của anh Tú luôn gặt hái được thành công. Mỗi năm đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được trên 30 tấn nấm tươi các loại, bao gồm hơn 20 tấn nấm sò, gần 10 tấn mộc nhĩ và 0,5 tấn nấm linh chi. Lợi nhuận thu được 500 triệu đồng/năm. Tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho 15 - 20 lao động tại chỗ, với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (tuỳ theo tay nghề).

Ngoài bán nấm tươi cho người tiêu dùng, anh Tú còn chế biến thành các sản phẩm nấm khô theo yêu cầu khách hàng. Sản phẩm làm ra luôn được thương lái đến bao tiêu hết tại cơ sở, trong đó 70% số lượng nấm đã xuất bán được sang các nước Lào và Campuchia, số còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước. Hiện sản xuất đang không đáp ứng đủ nhu cầu.

08-26-00_img_0450
Sản phẩm nấm linh chi của CSSX nấm sạch Việt Tú

Theo đó, kế hoạch cho năm 2019, anh Tú tiếp tục nâng cấp thiết bị máy móc, đổi mới quy trình công nghệ nuôi trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các loại. Đặc biệt, anh Tú sẽ đầu tư xây dựng nhà nuôi trồng nấm, tự động điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng, cho phép làm quanh năm (không phụ thuộc vào thời tiết), tăng vụ, tăng sản lượng nấm, mà không cần mở rộng diện tích nuôi trồng.

Từ thành công và thất bại trong nuôi trồng nấm của mình, anh Tú khuyến cáo: Bà con cần mua giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín. Mỗi loại nấm, mỗi thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây nấm, chỉ thích hợp với một điều kiện sinh thái (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng) nhất định nên phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi trồng riêng cho từng loại. Nước tưới cũng cần qua bể lọc đúng kỹ thuật. Phòng cấy giống luôn đảm bảo vô trùng. Nhà trồng nấm không có côn trùng hại (kiến, mối, gián, chuột)...

Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thời vụ thích hợp nhất cho trồng nấm mộc nhĩ là từ tháng 7 - 2 (năm sau), nấm linh chi từ tháng 1 - 3 và tháng 9 - 10, nấm rơm là tháng 4 - 6, riêng nấm sò có thể nuôi trồng quanh năm. Chú ý, tìm đầu ra cho sản phẩm trước khi phát triển sản xuất quy mô lớn, để tránh rủi ro, nấm làm ra không có các mối hàng tiêu thụ.

Ngoài nuôi trồng nấm các loại, anh Tú còn trồng thêm 2 ha rau, củ, quả, chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi da xanh, chuối tây và một số loại rau thuỷ canh. Nông sản đều sản xuất theo qui trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Hà Nội ra quân bắt chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại

Trong ngày 20/4, đội xử lý chó thả rông phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm liên quan đến việc để chó thả rông, không rọ mõm.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm