| Hotline: 0983.970.780

9 tháng đầu năm, phạt vi phạm ATTP tới hơn 46 tỷ đồng

Thứ Tư 10/10/2018 , 07:10 (GMT+7)

9 tháng đầu năm 2018, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã xử phạt hành chính lĩnh vực ATTP lên đến hơn 46 tỷ đồng.

16-02-00_hinh_2
Hội nghị Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định số 115/2018/NĐ-CP

Tại hội nghị Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và triển khai Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, Cục đã xử phạt hành chính lĩnh vực ATTP lên đến hơn 46 tỷ đồng.

Cụ thể, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, 67 hành vi vi phạm về quảng cáo (phạt hơn 2,5 tỷ đồng), 19 hành vi vi phạm về chất lượng (phạt hơn 1,2 tỷ đồng), 14 cơ sở không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định (phạt hơn 439 triệu đồng)…

Ngoài ra, Cục ATTP đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu SX, kinh doanh hàng giả.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 63 tỉnh, TP cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 19,2%); đã xử lý 24.603 cơ sở (chiếm 31,91% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42 tỷ đồng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu gồm vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không công bố sản phẩm theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, từ giờ tới cuối năm, hoạt động bảo đảm ATTP sẽ được triển khai hết sức mạnh mẽ trên cả nước. Việc hậu kiểm phải ưu tiên số một. Khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 20/10 tới đây, thì các hành vi vi phạm, mức độ vi phạm của cùng một sản phẩm sẽ cộng gộp lại, mức xử phạt sẽ tăng lên.

16-02-00_hinh_1_-_ong_nguyen_thnh_phong
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Một khi quyền của doanh nghiệp lớn lên thì trách nhiệm của doanh nghiệp cũng phải lớn hơn. Tất cả phải làm quyết liệt, một mặt tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe của cộng đồng. Nhất là gần Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm tiêu thụ lớn, như bánh, mứt, kẹo, thịt, rau, củ, quả… nên càng phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát.

Ông Phong cũng cho biết, thời gian qua các đoàn đã phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập.

Cụ thể là việc nhiều cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã cố tình vi phạm về SX, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, như SX nhưng không công bố sản phẩm; đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe như sản phẩm giảm cân, sinh lý nam; quảng cáo quá mức, quảng cáo không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh uy tín của cơ sở y tế, nhân viên y tế.

Hiện nay tình trạng bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, điện thoại… đang khá phổ biến. Tình trạng kinh doanh thực phẩm xách tay chưa được kiểm soát, đã tạo cơ hội cho thực phẩm chức năng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái bung ra.

Trước tình hình đó, Cục ATTP đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP, phổ biến chính sách pháp luật về ATTP; đề cao trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện và xã, tăng cường công tác hậu kiểm… nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 115/2018/NĐ-CP. Đồng thời đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở địa phương.

Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM:

“Những vi phạm về ATTP ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Việc xử phạt lại chưa tương xứng với sai phạm, chưa đủ sức răn đe, chưa bao quát được hết các hành vi vi phạm.

Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115, nhấn mạnh bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm, mức phạt cũng tăng hơn rất nhiều… Tuy nhiên, tăng xử phạt là điều kiện cần, nhưng không phải là chìa khóa vạn năng, mà cần phải làm sao phát triển được nhiều thực phẩm sạch”.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất