| Hotline: 0983.970.780

990 năm danh xưng Thanh Hóa: Có 'đẽo chân cho vừa giày'?

Thứ Năm 02/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

“Thông qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia,nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước” như thông tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, chúng tôi nhận thấy, các nhà khoa học đã “đẽo” xong cho Thanh Hóa năm sinh là 1029.

Kết luận khoa học bằng... biểu quyết

Từ cuối năm 2011, để tìm thời điểm ra đời “Danh xưng Thanh Hóa”, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội KHLS Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học “Thanh Hóa đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”. Từ đó về sau, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa. Cuối cùng, các nhà khoa học thống nhất chọn mốc năm 1029 là năm ra đời tên gọi Thanh Hóa – đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

fullsizerender145149136
Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa (2017)

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ cho biết, tại cuộc hội thảo ngày 24/12/2011, nổi lên 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất (Đỗ Bang, Hoàng Tuấn Phổ, Lâm Bá Nam…) cho rằng danh xưng Thanh Hóa ra đời năm 1029 đời Lý Thái Tông. Nhóm thứ hai (Nguyễn Minh Tường, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Hải Kế, Phạm Tấn…) lấy mốc năm 1082. Điều này khiến cho ông Chủ tịch điều hành Hội thảo buộc phải đưa ra ý kiến chỉ đạo “lấy biểu quyết” để kết luận.

Việc “lấy biểu quyết” tại Hội thảo khoa học cứ là lạ thế nào đó. Có lẽ, giơ tay biểu quyết ở những việc khác thì hợp lý hơn là ở Hội thảo khoa học. Trong dân gian cũng đã lưu truyền câu chuyện tiếu lâm từ nửa thế kỷ nay về việc lấy ý kiến biểu quyết danh nhân thì người đó nhất định phải là quê ở Thanh Hóa đó sao!
 

Đẽo chân cho vừa giày

Về tên gọi Thanh Hóa – đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương – có nhiều thay đổi qua thời gian. Dưới thời nhà Nguyễn, năm 1843, mùa thu tháng 7, vua Thiệu Trị cho đổi tên tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa. (Vì kiêng húy mẹ vua Thiệu Trị tên là Hồ Thị Hoa). Trước đó, năm 1831, vua Minh Mệnh chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Thanh Hoa. Đời vua Gia Long thì gọi là Thanh Hoa nội trấn (gọi tắt là Thanh Hoa trấn). Trấn Thanh Hoa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương tồn tại từ đời vua Lê Tương Dực (1509 – 1516) đến nhà Tây Sơn, gần 300 năm tồn tại.

Đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, đặt ra Thanh Hóa thừa tuyên. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469) lại đổi thành Thanh Hoa thừa tuyên.

Khi Hồ Quý Ly làm Tể tướng của nhà Trần năm 1397 thì đổi tên Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô. Lên ngôi vua năm 1400, Hồ Quý Ly đổi thành phủ Thiên Xương. Còn trước đó, từ thời Bắc thuộc, hai danh xưng của Thanh Hóa phổ biến là Ái Châu và Cửu Chân.

Những năm vừa qua, các nhà khoa học xác định căn cứ theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi năm Thiên Thành thứ 2 (1029), đời vua Lý Thái Tông đổi Ái Châu làm phủ Thanh Hóa. Từ đây, các nhà khoa học cho rằng “Danh xưng Thanh Hóa chính thức xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” vào năm 1029.

Sách “Danh xưng Thanh Hóa” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa biên soạn

Chúng tôi đánh giá đây là hành động “đẽo chân cho vừa giày”. Bởi vì, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục được khắc in vào năm 1884, đời vua Kiến Phúc, phải kiêng húy mẹ vua Thiệu Trị như trên đã nói. Thêm vào nữa, việc các nhà khoa học bảo vệ danh xưng Thanh Hóa ra đời vào năm 1029 nhưng đều dựa trên cơ sở các bản dịch mà không căn cứ vào tư liệu gốc là chưa phù hợp trong nghiên cứu.  

“Dư địa chí” là một cuốn sách có giá trị về mặt địa lý lịch sử, được Nguyễn Trãi viết ra theo thể văn của thiên Vũ Cống trong Kinh Thư (cho nên sách này còn có tên gọi khác là “An Nam vũ cống”), lời tập chú của Nguyễn Thiên Túng, lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích và lời thông luận của Lý Tử Tấn.

Nguyễn Trãi đã viết trong Dư địa chí, thiên 31 như sau: Na, Tùng và Lương ở về Thanh Hoa.

“Na, Tùng là hai tên núi. Lương là tên sông, phát nguyên từ Quảng Bình. Thanh Hoa là bộ Cửu Chân ngày xưa; thời Đường là Ái châu, triều Lý lấy làm phủ Thanh Hoa; đông và bắc giáp Sơn Nam và biển, tây và nam giáp Sơn Tây và Hoan lộ; có 6 lộ phủ, 22 thuộc huyện, 4 châu, 975 làng xã. Đấy là phên giậu thứ hai ở phương nam vậy” (Bản dịch của cụ Phan Duy Tiếp, công tác tại Viện Sử học; GS Hà Văn Tấn chú thích, in trong sách Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, 1976, tr. 230).

Như thế, đến như Nguyễn Trãi, sống cách thời nhà Lý hơn 200 năm, khi viết sách vẫn cho thấy tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh như ngày nay là Thanh Hoa chứ không phải Thanh Hóa.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất