| Hotline: 0983.970.780

Những “quái chiêu” thu hồi đất

Thứ Hai 28/05/2012 , 09:44 (GMT+7)

Thay vì minh bạch, công khai, vận dụng đúng chính sách đền bù và vận động, tuyên truyền thuyết phục để người dân bị thu hồi đất đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước, một số địa phương lại sử dụng rất nhiều “quái chiêu” để ép người dân...

Thu hồi, đền bù đất để GPMB, lấy đất làm khu công nghiệp hay khu đô thị… là một lĩnh vực quá nhạy cảm, thường phát sinh khiếu kiện. Đã có rất nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người từ những vụ thu hồi đất như vậy.

Nguyên nhân là vì khi người dân còn chưa thông, thì thay vì minh bạch, công khai, vận dụng đúng chính sách đền bù và vận động, tuyên truyền thuyết phục để người dân bị thu hồi đất đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước, một số địa phương lại sử dụng rất nhiều “quái chiêu” để ép người dân phải nhận tiền đền bù, giao đất.

Và, trong khi người dân mất đất phải nhận những khoản tiền đền bù rất rẻ mạt thì lợi dụng quyền chức, họ cũng sử dụng những “quái chiêu” để kiếm những khoản tiền rất lớn cho mình, gây nên sự bức xúc lớn trong nhân dân. Loạt phóng sự dưới đây của chúng tôi chỉ mới chạm đến một phần nhỏ trong hàng trăm “quái chiêu” đó.

Triệt đường buôn bán

Xã Tề Lỗ ( huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) nằm ven tỉnh lộ 303, là một xã có nghề buôn bán phế liệu, sắt vụn, chế biến, cơ khí… từ lâu đời và ngày càng phát triển. Trước tình hình đó, ngày 10/8/2004 và 3/11/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có hai quyết định thu hồi tổng cộng 259.281 m2 đất các loại tại thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ để xây dựng “cụm công nghiệp làng nghề - chợ sắt Tề Lỗ”, do UBND huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư.

>> Lãnh đạo UBND xã Tề Lỗ gian lận 
>> Ông Chủ tịch huyện ơi, sao dân khổ thế này!
>> Ruộng đất, nhìn từ chuyện cưỡng chế ở Văn Giang
>> Cưỡng chế thu hồi đất, tạm giữ 20 người
>> Hơn 160 hộ dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất
>> Thủ tướng chỉ đạo về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng
>> 4 cảnh sát bị bắn trọng thương khi tham gia cưỡng chế
>> Cưỡng chế trước, thông báo sau

Trong quá trình thực hiện việc đền bù GPMB tại diện tích đất bị thu hồi nói trên, người dân đã phát hiện ra những việc làm mờ ám, khuất tất của một số người có trách nhiệm như: Theo bảng giá đất do UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố ngày 1/1/2004 thì giá đền bù đất nông nghiệp hạng 1, quỹ đất 1 (đất canh tác được chia lâu dài, ổn định cho dân theo nghị định 64/CP của Chính phủ) khi bị thu hồi là 25.000 đồng/m2, nhưng người bị mất đất ở Tề Lỗ chỉ được đền bù 19.000 đồng/m2; Một số cán bộ xã ở thôn khác, không có một mét vuông đất nào bị thu hồi nhưng lại đứng tên mỗi người hàng chục thửa đất để lĩnh tiền đền bù, có người lĩnh tới cả trăm triệu đồng; Đất công ích của xã (5%) có giá đền bù thấp bị “biến” thành đất canh tác quỹ 1 có giá đền bù cao để hưởng chênh lệch… Nên đã có đơn yêu cầu ban GPMB phải làm rõ những chuyện đó trước khi họ nhận tiền đền bù, giao đất cho chủ đầu tư.

Có thể nói đó là những yêu cầu rất chính đáng. Thế nhưng, lẽ ra phải giải quyết những đề nghị đó của người dân theo đúng luật Khiếu nại - Tố cáo, thì lãnh đạo xã Tề Lỗ đã “ra tay”. Ngoài việc áp dụng những “đòn” rất “bẩn” như đối với thanh niên nam nữ có nhu cầu đăng ký kết hôn mà có đất bị thu hồi, UBND xã nhất định không làm thủ tục đăng ký cho họ nếu bản thân họ hoặc bố mẹ hai bên chưa nhận tiền đền bù.

Với giáo viên thì cho nghỉ dạy để về “vận động gia đình” nhận tiền, giao đất, nếu không sẽ chuyển đi trường khác xa nhà; Ngày 28 đến 30 Tết âm lịch thì “tra tấn tinh thần” bà con bằng cách cho phát loa truyền thanh hết công suất suốt ngày “cảnh cáo” các gia đình chưa nhận tiền, giao đất… UBND xã còn áp dụng một “đòn” rất “độc”, đó là triệt đường buôn bán của bà con.

Tề Lỗ là một xã nghề, số hộ buôn bán sắt vụn, máy xây dựng, gia công cơ khí rất nhiều, đa số đều thiếu vốn nên phải vay ngân hàng. Với những hộ cần vốn, có đất bị thu hồi mà chưa nhận tiền, UBND xã nhất định không xác nhận vào thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc xác nhận theo hướng để ngân hàng… không cho vay. Với những hộ đã vay trước đó nay cần gia hạn khoản vay mà chưa nhận tiền đền bù, ngân hàng không cho gia hạn nữa. Theo phản ánh của bà con, thì UBND xã lập hẳn một danh sách những người chưa nhận tiền đền bù đất gửi ngân hàng, để ngân hàng cứ “chiếu danh sách” mà “trị”.


Cụ Bùi Thị Đích (phải) và bà Nguyễn Thị Tóm, hai người không được NH cho vay vì chưa nhận tiền đền bù đất

Cụ Bùi Thị Đích, 81 tuổi, có con trai là Dương Văn Hồng. Năm 2005 ông Hồng cần vay vốn. Cụ Đích đã thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) 284 m2 thổ cư và tài sản trên đất của mình cho ngân hàng để bảo lãnh cho ông Hồng. Mọi thủ tục đã xong, nhưng chỉ vì một “lời phê” trong phần “chứng nhận đăng ký bảo lãnh” của ông Đào Hồng Chiêm, phó chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, rằng “Đến ngày 15/6/2005 bà Đích vẫn chưa chấp hành chính sách làng nghề, không nhận tiền đền bù đất theo quy định” (cụ Đích có 3 sào đất canh tác bị thu hồi), mà ngân hàng nhất định không cho ông Hồng vay.

Năm 2003, con trai bà Nguyễn Thị Tóm là Nguyễn Trung Anh vay ngân hàng 400 triệu đồng để kinh doanh, và được ngân hàng gia hạn cho cứ 6 tháng 1 lần. Năm 2004, gia đình bà Tóm bị thu hồi hơn 4 sào trong tổng số 5 sào đất canh tác. Do chưa thông nên bà Tóm chưa nhận tiền. Thế là đến hạn, ngân hàng kiên quyết không cho Nguyễn Trung Anh gia hạn nữa, và anh chỉ được gia hạn với điều kiện mẹ anh chịu nhận tiền đền bù đất. Không còn cách nào khác, bà Tóm đành phải nhận tiền.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều người ở Tề Lỗ có nhu cầu vốn kinh doanh nhưng không được ngân hàng cho vay chỉ vì chưa nhận tiền đền bù. Chủ trương “triệt đường buôn bán” này đã khiến cho không ít hộ kinh doanh lao đao, thiệt hại. Có nhà, thậm chí vợ chồng, cha con đã xảy ra mâu thuẫn. Ngày 18/5/2012, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mão, giám đốc phòng giao dịch Đồng Văn thuộc ngân hàng NN&PTNT huyện Yên Lạc (phần lớn các hộ kinh doanh ở Tề Lỗ đều làm thủ tục vay vốn tại phòng giao dịch này) về vấn đề trên.

Ông Mão cho biết, giám đốc trước đó là ông Nguyễn Văn Nhạn, ông mới được bổ nhiệm làm giám đốc phòng giao dịch này từ năm 2007. Bản thân ông không hề nhận được “bản danh sách những người chưa nhận tiền đền bù đất” nào từ UBND xã như bà con phản ánh. Hơn thế nữa bây giờ, việc vay vốn của ngân hàng không cần phải có sự xác nhận của UBND xã, nên ai đủ điều kiện vay vốn là phòng giao dịch giải quyết ngay.

Thế nhưng anh Dương Văn Mạnh, chủ một hộ kinh doanh sắt vụn, máy xây dựng ở Tề Lỗ, lại khẳng định: Do bố anh là ông Dương Văn Gia chưa nhận tiền đền bù nên suốt từ năm 2004, ngân hàng đã kiên quyết không cho anh vay vốn. Năm 2008 anh tiếp tục làm thủ tục xin vay, nhưng cán bộ phòng giao dịch Đồng Văn, cũng tên là Mạnh, trả lời thẳng: "Bảo ông cụ nhận tiền đền bù đi mà vay vốn”. Bực mình vì thấy quá vô lý, anh Dương Văn Mạnh cũng trả lời thẳng: "Cho vay thì cho, không cho thì thôi”.

Đầu năm 2010 Dương Văn Mạnh lại đến xin làm thủ tục vay, cán bộ ngân hàng vẫn lặp lại yêu cầu cũ. Lần này không chịu nổi nữa, Dương Văn Mạnh làm ầm lên, dọa sẽ kiện. Trước thái độ quyết liệt của Dương Văn Mạnh, anh cán bộ ngân hàng tên Mạnh đành phải gọi điện cho ông Đào Hồng Chiêm, phó chủ tịch UBND xã Tề Lỗ “xin ý kiến”. Chỉ khi được ông Chiêm đồng ý, phòng giao dịch Đồng Văn mới giải quyết cho Dương Văn Mạnh vay 200 triệu đồng.


Bà Nguyễn Thị Việt bị cán bộ NH đến tận nhà thông báo không nhận tiền đền bù đất nên không cho vay

Bà Nguyễn Thị Việt bị thu hồi 5 sào 7 thước rưỡi đất canh tác trong dự án cụm công nghiệp làng nghề - chợ sắt Tề Lỗ, cho đến nay vẫn chưa nhận tiền đền bù, cho biết: Năm 2010, con trai bà là anh Nguyễn Kim Quang đến phòng giao dịch Đồng Văn xin vay vốn, nhưng cũng anh cán bộ phòng giao dịch Đồng Văn tên Mạnh xuống tận nhà bảo: "Bà Việt không nhận tiền đền bù đất thì không cho vay”. (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm