| Hotline: 0983.970.780

Đưa hoa Đà Lạt nở vùng đất mới

Thứ Ba 11/09/2012 , 10:18 (GMT+7)

Ngay năm đầu tiên thành công, anh Thành đã thu hơn 300 triệu từ 3,5 sào hoa! Một con số anh chưa bao giờ dám mơ.

Anh Thành bên lô hoa đồng tiền trong nhà kính

Từ bao đời nay, người ta vẫn cứ đinh ninh rằng phố núi Đà Lạt mới là xứ sở của hoa. Còn ở Lâm Hà, cây trồng chính phải là cà phê, dâu tằm, chè… Chính vì thế, khi mô hình trồng hoa trong nhà kính của anh Chử Văn Thành (khu phố Đông Anh I, thị trấn Nam Ban) ra đời, nhiều người không khỏi ái ngại nói: “Đây đâu phải Đà Lạt mà trồng mấy thứ đó. Không khéo thì... toi”.

>> Người nông dân số 1 Lâm Hà
>> Đào Nhật Tân trên vùng đất Bazan

NGƯỜI TIÊN PHONG

Căn nhà xây khang trang, khá rộng của anh Thành như chật chội hơn khi dưới nền nhà đang xếp lớp lớp những bông hoa đồng tiền. Thấy chúng tôi đến, anh Thành “thanh minh”: “Hoa không thể xếp chồng lên nhau được cho nên phải rải ra khắp nhà vậy đó. Các anh thông cảm, chút nữa họ đến lấy rồi”. Anh Thành sinh năm 1968, quê gốc ở Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, năm 1986, anh theo người chú ruột vào Nam Ban, làm công nhân lâm trường. Năm 1992, lâm trường giải tán, anh được cấp 3,5 sào đất (3.500 m2), trồng cà phê.

Anh kể: “Năm 1992, tôi cưới vợ, lúc đó, tài sản của chúng tôi chỉ có 3,5 sào cà phê. Không chỉ cần cù chịu khó, tôi còn áp dụng rất tốt khoa học kỹ thuật để chăm sóc cà phê. Chả thế mà hồi đó, vườn cà phê của vợ chồng tôi lúc nào cũng nhất xóm. Mỗi năm thu hoạch ngót 2 tấn, nghĩa là năng suất gần 6 tấn/ha. Nhưng, diện tích quá ít, giá thì rẻ nên cứ làm quần quật mà không khá được".

Năm 2006, anh Thành lên Đà Lạt thăm mấy người bạn, nghe anh than không có đất sản xuất, họ hỏi thăm và khuyên anh trồng hoa, họ sẽ hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, kinh nghiệm cho. Sau mấy lần cân nhắc, đắn đo, năm 2007, vợ chồng anh quyết định bỏ cà phê để trồng hoa. “Nhưng, nhìn vườn cà phê trĩu hạt, tôi cứ chần chừ không đành lòng chặt bỏ. Cứ thế, mãi đến cuối năm 2008, ngay sau khi hái hết trái, tôi thuê xe múc đến “làm một nhát” hết vườn cà phê 15 tuổi. Nếu mình không làm ngay, để cà phê ra hoa, lại tiếc, không nỡ chặt”, anh Thành nhớ lại.

Tháng 2 năm 2009, anh Thành bắt tay vào làm hoa. Lúc đó, ai thấy cũng bảo anh vừa hâm vừa liều, vườn cà phê đẹp như thế tự dưng chặt bỏ! Chưa kể chi phí đầu tư cho một sào nhà kính hết 80 triệu, trong đó phần nhà kính 52 triệu, còn lại là chi phí cho máy móc, phân bón, hệ thống tưới tự động… Sau khi làm xong, tổng chi phí cho 3,5 sào nhà kính của anh Thành hết đến hơn 300 triệu. Trong số này, anh Thành được chính quyền huyện hỗ trợ không hoàn lại 60 triệu đồng.

Có lẽ do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khác Đà Lạt nên năm đầu tiên, mô hình hoa nhà kính của anh Thành thất bại, gần như mất trắng, anh phải trồng ớt thay thế hoa để vớt vát. Đến năm 2010, anh tiếp tục mày mò tìm hiểu, tư vấn qua bạn bè ở Đà Lạt. Một buổi sáng tinh mơ, anh mở cửa nhà kính và sung sướng kêu to: “Thành công rồi!” khi nhìn thấy những bông đồng tiền, cẩm chướng Nhật đầu tiên đang xòe cánh khoe sắc.

Ngay năm đầu tiên thành công, anh Thành đã thu hơn 300 triệu từ 3,5 sào hoa! Một con số anh chưa bao giờ dám mơ.

HƯỚNG ĐI MỚI CHO LÂM HÀ

Hơn 3 năm sau khi mô hình hoa nhà kính của anh Thành ra đời và thành công, diện tích hoa ở Nam Ban tăng chóng mặt, lên đến 7 ha, trong đó có gần 3 ha hoa nhà kính. Một tổ trồng hoa ra đời và người tổ trưởng chính là anh Chử Văn Thành. Bây giờ, ngoài thời gian chăm sóc vườn hoa của gia đình, anh Thành còn bận túi bụi với những buổi hội thảo đầu bờ, những lớp tập huấn về trồng hoa.

“Hoa thu hoạch suốt năm. Mỗi sào cho trung bình 25 ngàn bông/tháng. Giá dao động từ 1.000-1.200 đồng/bông, một tháng thu từ 25 đến 30 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 5 triệu đồng, còn lại bỏ túi! Tính ra, mỗi năm lợi nhuận khoảng 240 triệu đồng/sào. Chẳng cà phê nào bằng! Thu hoạch liên tục trong 3 năm, sau đó phá bỏ, cho đất nghỉ vài tháng lại trồng lớp mới”, anh Thành cười.

Để làm được mô hình này thành công, theo anh Thành, có rất nhiều yếu tố. Như dám đầu tư, dám làm và quyết tâm. Yếu tố rất quan trọng là kinh nghiệm, như tôi thấy, đất ở Đà Lạt không phải là bazan, khí hậu cũng rất khác biệt. Cho nên, không thể áp dụng những kinh nghiệm trồng hoa ở trên đó vào đây. Còn kỹ thuật, kinh nghiệm thì học hỏi lẫn nhau, có khi học cả đời không hết.

"Ví dụ như vấn để sâu bệnh, có khi hôm nay phun thuốc này nó chết, nhưng ngày mai phun cũng loại thuốc ấy mà nó cứ trơ trơ. Lúc đó mình lại phải nghiên cứu, thử thuốc khác xem nó có chết hay không. Đã có lần, tôi phun hoài mà không hết sâu, nghĩ nó lờn thuốc nên tôi pha mấy loại thuốc lại thành một thứ hỗn hợp để phun, sâu mới chết. Và quan trọng là phải hiểu về hoạt chất của thuốc, trong nhà kính chỉ dùng các loại thuốc sinh học chứ không sử dụng các loại thuốc hóa học. Nguy hiểm cho người”, anh Thành nói.

“Theo tôi, thời tiết và đất ở đây thích hợp cho rất nhiều loại hoa thế mạnh của Đà Lạt lâu nay như salem, cẩm chướng Nhật, sao tím, cát tường, cúc, đồng tiền, đại hồng môn, tiểu hồng môn, hoa ly, tulip… Ở Đà Lạt, nhiệt độ có khi xuống đến 10 độ, những lúc ấy, phải phun thuốc kích thích hoa mới nở, và phải 3 ngày mới hái một lần. Còn ở đây, chưa có khi nào nhiệt độ xuống thấp đến mức ấy nên không cần dùng thuốc. Vì không dùng thuốc nên hoa ở Nam Ban bền hơn, đẹp hơn và cứ 2 ngày lại hái một lần”, anh Thành chia sẻ.

Không chỉ hết lòng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa để mọi người cùng khá lên như mình, vợ chồng anh Thành còn mong Nam Ban ngày một giàu lên. Chính vì thế, cậu con trai đầu của anh vừa thi đậu ĐH Nông Lâm TPHCM, anh nói: “Mai mốt cháu học xong tôi cho cháu về đây làm việc để có điều kiện hỗ trợ bà con và địa phương”.

+ “Anh Thành là người đầu tiên của huyện này dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang trồng hoa. Sau khi mô hình thành công, nhiều hộ khác cũng làm theo và đến đây học hỏi kinh nghiệm. Điều đáng mừng là anh Thành rất nhiệt tình giúp đỡ bà con. Chính vì thế mà từ 3,5 sào hoa của hộ anh Thành, sau 3 năm, diện tích trồng hoa của Nam Ban đã tăng lên 7 ha. Hiện nay, mô hình này đang được chúng tôi nhân rộng”, ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban.

+ “Với những thành công của người dân trong thời gian qua, có thể kết luận rằng, thổ nhưỡng, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác tại địa phương phù hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khảo sát, quy hoạch, tạo điều kiện để người dân phát triển nông nghiệp theo hướng này, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”, ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm