| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lớn - Chuyện xa vời

Thứ Tư 15/06/2011 , 08:08 (GMT+7)

Phương thức chăn nuôi nhỏ đã đang gây ra những hệ lụy lớn. Định hướng phát triển một nền chăn nuôi tập trung đã được các cơ quan quản lý nhà nước đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực đến nay, phát triển chăn nuôi tập trung vẫn đang... dậm chân tại chỗ.

Phương thức chăn nuôi nhỏ đã đang gây ra những hệ lụy lớn. Định hướng phát triển một nền chăn nuôi tập trung đã được các cơ quan quản lý nhà nước đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực đến nay, phát triển chăn nuôi tập trung vẫn đang... dậm chân tại chỗ. NNVN triển khai chuyên đề "Chăn nuôi sản xuất lớn-chuyện xa vời" với mong muốn nhận diện thực trạng, tìm ra những nút thắt và một số kiến giải để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của vấn đề này.

Phần 1: NỀN CHĂN NUÔI…THẢ RÔNG

 Bài 1. Lùa trâu lên núi

Mỗi thôn bản ở khắp miền Tây Bắc đều có một bãi chăn thả trâu bò, rộng vài trăm đến cả nghìn ha. Mùa cày cấy họ lên núi tìm vài con trâu khỏe về cày bừa, hết vụ họ lại lùa chúng đi. Nhiều hộ không biết nhà mình có bao nhiêu con trâu, sau một vụ rét họ mới hoảng hồn khi cả đàn trâu chết gục, lăn lông lốc như đá tảng xuống chân núi…

 Khắp Tây Bắc, hình thức chăn nuôi trâu bò đều là thả rông, vậy nên, để tìm hiểu về thực trạng này không có gì khó. Huyện Trạm Tấu - Yên Bái, nơi chúng tôi đi thực tế là một địa phương như vậy. Trong những năm qua, ở huyện này đã có hàng ngàn trâu bò bị chết rét, dịch bệnh. 

Đến bản Tấu Trên, tôi gặp Giàng A Mềnh khi nó đang xua trâu lên rừng. Mềnh kể, đàn trâu hơn chục con này là của ông bác họ Giàng A Di giao nó chăn thả. Mùa đông sáng lùa đi tối lùa về, còn khi đã hết rét từ cuối tháng ba đến tháng mười một âm lịch đàn trâu ở hẳn trên núi. Thỉnh thoảng Mềnh cùng ông Di sẽ lên núi kiểm lại số trâu xem con nào đẻ thêm, con nào bị ngã không đi được…

Hai ba tháng Mềnh phải lên núi lùa trâu về mấy ngày cho ăn muối để trâu nhớ đường về nhà. Hôm nay Mềnh lùa trâu về bản cho ăn muối, tôi hỏi Mềnh: Đàn trâu nhiều thế này tối buộc ở đâu? Thằng Mềnh chỉ vào mấy bụi tre ven đường bảo: Chuồng trâu nhà bác Di là mấy bụi tre này, chỉ buộc ở đây vài hôm lại đuổi chúng lên núi, ở dưới này làm gì có cỏ cho chúng ăn? Nói rồi nó chỉ vào những hòn đá muối cho trâu liếm.

Theo Mềnh mô tả thì những hòn đá muối này là ông Di rắc muối vào đây, sau một thời gian muối ngấm vào đá, mỗi lần lùa trâu từ trên núi xuống ông lại rắc muối vào những hòn đá đó, đàn trâu về cứ những hòn đá ấy mà liếm muối, sau vài lần thành quen. Tôi hỏi đường lên nhà ông Giàng A Di, Mềnh bảo: Bác Di đi làm ruộng rồi, ở trên núi kia, khi nào cấy xong mới về. Cán bộ đến không gặp được đâu…

Tôi bỗng sực nhớ, bây giờ đang mùa làm ruộng của người dân vùng cao, từ già đến trẻ đều đổ ra đồng. Đi xuống thôn Tấu Dưới, rất may gặp Giàng A Tu vừa từ trên nương trở về nhà lấy thêm thóc giống để gieo. Gia đình ông Tu có 7 con trâu, cũng như mọi gia đình ở bản Tấu Dưới đều thả trâu trên núi, một bãi thả trâu chung của bản rộng mấy trăm ha, bao gồm cả rừng và đồng cỏ.

 Mỗi năm một lần, tất cả các hộ trong thôn đều cử người lên núi xếp lại các kè đá, sửa lại giao thông hào hoặc rào lại những lối trâu đi, để trâu bò không thể vượt ra ngoài bãi thả. Bởi thế chẳng nhà nào làm chuồng cả, mấy năm nay rét quá, trâu bò chết rét hàng loạt thì người dân ở đây mới có khái niệm về việc làm chuồng cho đàn gia súc.

Giàng A Tu cho biết, vụ rét năm 2008 nhà ông bị chết 1 con trâu và 4 con dê, đầu năm nay chưa ăn Tết xong thì chết 3 con trâu. "Chúng chết ở trên rừng, hôm ấy rét quá buổi chiều không thấy trâu về mình mới lên rừng xem đàn trâu thế nào, vừa bước vào rừng đã thấy 3 con trâu nhà mình chết cứng, chúng chết từ đêm hôm trước, còn 4 con bị cứng chân không đi được, mình phải đốt lửa hơ cho chúng mãi sau chúng mới đứng dậy đi được về nhà. Vụ mùa này mình chỉ còn một con cày được, nên bây giờ vẫn chưa làm đất xong" - Tu nói. 

Tôi hỏi Tu: Tại sao nhà mình không làm chuồng chống rét cho trâu? - Cả bản này có mấy nhà làm chuồng trâu, nhà ít trâu thì làm được chuồng, nhà nhiều trâu thì làm chuồng sao được?

Nhà Giàng Nhà Lâu làm được chuồng nhưng chưa làm vách, mang hai mẹ con con trâu từ trên rừng về nhà tránh rét, thì cũng bị chết, nhà Giàng A Thào vay tiền ngân hàng mua được con trâu làm giống, chưa kịp cày thì bị chết rét. "Ở trên núi rét lắm, trâu chết cũng kệ thôi, cả bản nhà nào cũng có trâu chết rét mà"- Tu nói.

Ông Trịnh Văn Xuê, Trưởng phòng NN-PTNT Trạm Tấu cho biết: Huyện Trạm Tấu đang triển khai chương trình "3 cứng" giúp các hộ nghèo làm chuồng trâu. Đó là cứng mái, cứng cột và cứng nền, đến nay đã hỗ trợ làm được 1.491 chuồng trâu, bò. Do suất hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi chuồng, nên bà con mới thực hiện được hai cứng, là cứng mái và cứng cột, còn cứng nền thì nhiều nhà chưa làm được, do kinh tế quá khó khăn.

Ngay chuyện làm vách, vụ rét vừa rồi huyện cũng phải bỏ tiền ra mua 28.000m2 bạt phát không cho bà con để chống rét cho gia súc, nếu không số trâu, bò, dê, ngựa của Trạm Tấu còn chết nhiều hơn nữa, không phải chỉ dừng ở 1.200 con.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Yên Bái, tổng số gia súc chết rét 2 đợt đầu năm 2011 là 7.034 con, tương đương với đàn gia súc chết rét năm 2008. Số trâu bò chết tập trung ở các huyện vùng cao- huyện Mù Cang Chải chết 2.051 con, huyện Trạm Tấu 1.213 con, huyện Văn Chấn 1.844 con. Tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu giảm 5,62%, đàn bò giảm 20,99% so với cùng kỳ năm 2010…

Mặc dù Yên Bái cũng đã có những quyết sách khá mạnh trong việc đầu tư cải tạo đàn trâu, bò; xóa dần tập tục chăn nuôi thả rông sang hình thức nuôi nhốt. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang như muối bỏ biển vì thói quen "lùa trâu lên rừng" của người dân không dễ gì thay đổi được.

Vỡ nợ vì dự án phát triển đàn trâu bò bán công nghiệp 

Năm 2005 tỉnh Yên Bái triển khai "Dự án nuôi bò bán công nghiệp", nhằm đưa tổng số đàn bò của Yên Bái lên 40.000 con, cải tạo tầm vóc của đàn bò, loại dần số “bò cóc”, “bò cắp nách” để mỗi năm sản lượng thịt bò đạt 2.000 tấn. Dự án yêu cầu các huyện phải mua bò ở tỉnh khác để tăng số đầu con, không chấp nhận việc mua trong tỉnh. Tiếp theo là Dự án hỗ trợ trâu sinh sản cho các hộ nghèo, Cty TNHH Thẩm Hường là một trong số Cty được tỉnh Yên Bái lựa chọn làm nhà cung cấp trâu bò cho các hộ dân. 

Sau khi có hợp đồng nguyên tắc giữa Cty với chính quyền địa phương, các hộ tới xem bò, nếu ưng con nào thì đánh dấu con ấy, sau đó dắt ra làm giá, thuận mua vừa bán không bên nào bắt ép bên nào. Khi nhận bò về, trong vòng 15-20 ngày "bảo hành", nếu trâu, bò bị chết do ủ bệnh, thương tật do vận chuyển Cty sẽ bồi thường 100%.  Những con trâu bò do Cty Thẩm Hường cung cấp đều sạch bệnh và được đánh số tai.

Trâu bò mua về theo theo yêu cầu của dự án thì các hộ phải nuôi nhốt theo phương pháp bán công nghiệp. Nhưng khi bà con nhận về, tất cả đều thả rông trên các bãi chăn thả, dịch bệnh bùng phát, trâu nhà lây bệnh sang trâu dự án, trâu dự án truyền bệnh cho trâu nhà…không biết đâu mà lần. Hàng trăm con trâu bò buộc phải giết mổ bắt buộc, trong đó có nhiều con do Cty Thẩm Hường cung cấp. Người mua trâu bò của Cty Thẩm Hường không chỉ được ăn thịt và được nhận tiền hỗ trợ còn tiền nợ Cty thì họ cứ…nợ đấy, vì Ngân hàng Chính sách không nhìn thấy trâu bò đâu, nên họ không giải ngân.

Bà Nguyễn Thị Hường- GĐ Cty Thẩm Hường nước mắt lưng tròng: Chả tội nào hơn cái tội này, giao trâu bò cho họ bằng thật nhưng không đòi được tiền, thành ra Cty đang phải nợ ngân hàng hơn 11 tỷ, Cty vỡ nợ đến nơi rồi. Kiện người dân ư, họ bảo cũng đành chịu, vì ngân hàng không cho vay thì họ lấy tiền đâu để trả. Khổ thế!...

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm