| Hotline: 0983.970.780

Cần thống nhất nhận thức về Chương trình MTQG xây dựng NTM

Thứ Ba 10/01/2012 , 11:51 (GMT+7)

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hồ Xuân Hùng có bài viết quan trọng về một số vấn đề cần thống nhất về Chương trình MTQG xây dựng NTM...

Bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ xây dựng NTM
LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hồ Xuân Hùng có bài viết quan trọng về một số vấn đề cần thống nhất về Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Trong quá trình chỉ đạo thực tiễn bộc lộ nhiều vấn đề chưa thống nhất trong “cách hiểu” và “cách làm” không chỉ ở cơ sở mà ngay cả ở Ban chỉ đạo và các bộ phận giúp việc các cấp; điều đó gây chậm chạp, thậm chí gây những tranh luận không cần thiết. Vì vậy, cần phải có những định hướng rõ nhận thức và tuyên truyền từ trên xuống, trước hết là ở bộ phận cán bộ.

1. Chương trình MTQG xây dựng NTM khác với các Chương trình MTQG khác ở những điểm gì?

Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 9/11/2011 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 2 đã thông qua 16 Chương trình MTQG thì cả 16 Chương trình (100%) triển khai trên địa bàn nông thôn. Vì vậy nếu không hiểu đúng sẽ rất phức tạp khi tổ chức thực hiện.

Khi thiết kế Chương trình MTQG xây dựng NTM chúng tôi đã hình dung rõ việc này, và đã thiết kế Chương trình này là một Chương trình khung. Trong đó nói rõ mục tiêu cụ thể theo 2 giai đoạn: Đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM, đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM (theo QĐ số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Còn mục tiêu cụ thể của các tiêu chí thường là cao hơn nhiều. Ví dụ: Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa y tế trên địa bàn xã đến năm 2015 có 50% xã đạt và đến năm 2020 có 75% xã đạt chuẩn, do Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện.

Về tiêu chí số 6 và số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia NTM: Đến năm 2015 có 30% xã có nhà văn hóa xã, thôn và 45% số xã có bưu điện và điểm Internet đạt chuẩn. Năm 2020 có 75% số xã có nhà văn hóa xã, thôn và 70% có điểm bưu điện và Internet đạt chuẩn. Bộ VH, TT- DL chủ trì hướng dẫn thực hiện nội dung về nhà văn hóa, Bộ TT- TT chủ trì hướng dẫn thực hiện nội dung về điểm bưu điện và Internet …

UBND các tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo huyện hướng dẫn các xã xây dựng đề án theo các nội dung trên và chỉ đạo thực hiện. UBND xã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện.

Như vậy, theo quy định tại QĐ 800/TTg Chương trình MTQG xây dựng NTM là một Chương trình khung, trong đó bao hàm nhiều Chương trình khác liên quan đến địa bàn nông thôn. Xã là đơn vị xây dựng đề án theo hướng dẫn của cấp trên và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Các Bộ ngành trung ương theo chức năng của mình hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra thực hiện các tiêu chí theo phân công của Chính phủ. Chương trình MTQG xây dựng NTM không phải là 1 Chương trình “trùm lên” các Chương trình khác, không phải do Bộ NN – PTNT hay Ban chỉ đạo hướng dẫn thực hiện.

Các Chương trình MTQG khác đang triển khai trên địa bàn nông thôn phải được điều chỉnh các quy chuẩn cho phù hợp với tiêu chí quốc gia đã quy định tại Quyết định số 491/QĐ/TTg ngày 16/4/2009.

Các Chương trình MTQG khác thường là thời hạn 5 năm và hướng tới 1 mục tiêu, có Chương trình phạm vi trên cả nước (bao gồm cả nông thôn và thành thị) ví dụ như là chương trình giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS… Có Chương trình chỉ có ở các tỉnh trung du miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Ví dụ như Chương trình 135, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… Có Chương trình hỗ trợ cho 1 đối tượng cụ thể, như hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo; chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Riêng Chương trình MTQG xây dựng NTM ngay từ khi thông qua Chương trình Chính phủ đã quyết định thời gian là 10 năm và tầm nhìn 20 năm, đối tượng là xã, phạm vi trên địa bàn nông thôn cả nước. Như vậy tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM bắt đầu từ năm 2010 và diễn ra trên 9.121 xã (100%) không phải chỉ triển khai ở các xã điểm của huyện, tỉnh hay quốc gia, hoặc là chỉ làm ở 20% số xã.

2. Ai xây dựng và hưởng thụ thành quả NTM?

Nghị quyết 26, Hội nghị TW7, khóa X ghi rõ: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản. Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt”.

- Cư dân nông thôn là người hưởng thụ thành quả xây dựng NTM. Để người dân là chủ thể thì họ phải là người xây dựng NTM, phải thực hiện nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Không ai khác ngoài người dân. Đảng chính quyền các cấp không thể làm thay được.

Thực tiễn trong chỉ đạo 11 xã điểm của Ban Bí thư gần 3 năm qua và hơn 1 năm chỉ đạo triển khai diện rộng trên phạm vi cả nước cho thấy: Địa phương nào tuyên truyền cho dân hiểu rõ mục đích của xây dựng NTM, để họ tự lựa chọn quyết định lấy việc cần làm, cái gì dân làm được để dân làm, cái gì họ chưa hiểu thì hướng dẫn hỗ trợ họ; cái gì họ không thể tự làm được thì hãy thuê; thì ở đó thành công và tạo được sự đồng thuận của dân.

3. Ai cùng làm với dân?

Nông thôn Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm nay; vì vậy nếu dân tự lo liệu và tự làm được tất cả thì họ đã làm từ lâu rồi, không phải đợi đến hôm nay. Điện đường trường trạm đã có hàng chục năm nay. Một thực tế họ không thể tự làm tất cả và nhiều việc không thể tự từng hộ dân làm được. Nhất thiết Nhà nước các cấp phải tổ chức, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội chính trị của họ như: Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi …; tổ chức nghề nghiệp như: Hội làm vườn, Hội cây cảnh, Hội làng nghề, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Tổ liên gia và các doanh nghiệp cùng làm với dân.

Để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế thì vai trò của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Hội nghề nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vô cùng quan trọng; vừa lo tạo mối liên kết, vừa lo hướng dẫn kỹ thuật, “đầu vào, đầu ra” cho dân. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, hộ gia đình có tính chất quyết định.

4. Ai hướng dẫn cho dân xây dựng NTM?

Chúng ta đang xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia. Không phải xây dựng nông thôn theo ý muốn của ai đó, của một địa phương nào đó. Vì vậy từ các cơ quan chức năng của Chính phủ đến các cơ quan chuyên môn từ tỉnh xuống huyện - xã phải tập trung, cùng nhau hướng dẫn cho dân làm. Phải đơn giản, dễ hiểu tránh lòng vòng, “viết lách” và phù hợp với trình độ của dân, với thực tiễn của nông thôn ngày nay.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các văn bản quy định hướng dẫn cho dân làm, thậm chí nhiều việc “vẫn phải cầm tay chỉ việc” cho dân. Vì dân ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, để cái mới vào được các cơ quan chức năng phải đưa ra những mô hình cụ thể để dân thấy.

Ví dụ để tăng thu nhập thì phải phát triển sản xuất, mở thêm ngành nghề nông thôn, phải đưa vào khoa học công nghệ mới, cơ khí hóa … nhiều việc dân chưa biết và không thể tự làm được, các cơ quan chức năng của hệ thống Nhà nước phải hướng dẫn cho dân, đào tạo cho dân… (còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm