| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo UBND xã Tề Lỗ gian lận

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Trong quá trình đền bù GPMB, lãnh đạo xã Tề Lỗ đã có những biểu hiện gian dối, nhập nhằng trong việc xác định loại đất, diện tích đất…nhằm thu lợi bất chính.

Năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có 2 quyết định thu hồi tổng cộng trên 250 ngàn m2 đất tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, giao cho UBND huyện Yên Lạc để thực hiện dự án xây dựng Cụm công nghiệp- làng nghề, chợ Sắt Tề Lỗ.

Trong quá trình đền bù GPMB, lãnh đạo xã Tề Lỗ đã có những biểu hiện gian dối, nhập nhằng trong việc xác định loại đất, diện tích đất…nhằm thu lợi bất chính. Và chính những việc làm này đã trở thành một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu kiện của một số công dân, kéo dài đến nay đã gần 8 năm vẫn chưa chấm dứt. 

Người dân Tề Lỗ trình bày bức xúc với PV

Cụ thể, theo các Kết luận số 48-49-50-51 ngày 27/10/2011 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, thì các ông Nguyễn Kim Hữu, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ; Đào Hồng Chiêm, Phó chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, thành viên tiểu ban thu hồi GPMB; Tạ Xuân Hòa, Phó bí thư Đảng ủy xã Tề Lỗ, Phó trưởng tiểu ban thu hồi GPMB, đã có hành vi gian dối, biến 15.002 m2 đất công ích của xã (đất 5%) thành đất quỹ 1 (đất giao cho dân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ), cho một số người đứng tên số diện tích đó, để nhận tiền đền bù cao, thu lợi bất chính 459,2 triệu đồng, bỏ ngoài ngân sách xã, vi phạm nghiêm trong Luật Ngân sách.

Chưa hết, trong quá trình đền bù, bỗng xuất hiện 7 vị đều là cán bộ xã như địa chính, văn phòng, thủ quỹ, tư pháp, Phó chủ tịch HĐND, tuy chẳng có một mét vuông đất nào ở khu vực bị thu hồi, nhưng lại đứng tên là chủ hộ, có ruộng canh tác thuộc quỹ đất I để nhận những khoản tiền đền bù khá lớn, tổng cộng tới gần 400 triệu đồng từ năm 2004.

Mãi đến năm 2007, khi người dân phát hiện ra việc làm gian dối này, đề nghị UBND xã trả lời, thì ông Nguyễn Kim Hữu, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, mới có văn bản, giải thích rằng trong quá trình kê khai đất, trưởng thôn đã kê khai thiếu diện tích được đền bù của một số hộ, nên các các cán bộ trên “phải” đứng tên để nhận số diện tích thiếu đó, sau đó trả lại tiền cho những hộ thiếu. Hai nữa, là họ còn “phải” đứng tên một số diện tích đất công ích của xã, “hô biến” diện tích đất công ích đó thành đất quỹ 1 “của họ”, như vậy sẽ được nhận khoản tiền đền bù cao hơn, vì nếu để UBND xã đứng ra nhận đền bù với tư cách là chủ sử dụng diện tích đất công ích đó thì số tiền sẽ thấp, “thiệt thòi” cho xã.

Sau khi nhận tiền, 7 cán bộ trên sẽ nộp số tiền mà họ đứng tên trên đất công ích của xã vào ngân sách xã.

Lời giải thích trên hoàn toàn không thuyết phục. Nếu phát hiện ra việc dân kê khai thiếu diện tích, thì sao không yêu cầu những hộ thiếu đó kê khai bổ sung, rồi trả tiền trực tiếp cho họ, mà lại phải để mấy cán bộ kia đứng tên? Các hộ kê khai thiếu đâu có ủy quyền cho các vị kia đứng tên hộ? Mà “nhận hộ” sao lại ỉm đi đến 3 năm, mãi khi dân phát hiện ra mới giải thích rằng “đứng tên nhận hộ”?

Còn diện tích đất công ích, thì như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kết luận rõ, xã đã biến 15.002 m2 đất công ích thành đất quỹ 1, chiếm dụng 459,2 triệu để ngoài ngân sách rồi, còn đất công ích nào để các vị đứng tên nữa? Vậy số tiền gần 400 triệu mà 7 vị kia nhận có phải là gồm cả tiền đất công ích? Ông Dương Văn Gia, người đứng tên trong đơn tố cáo, rất bức xúc:

- Trong số gần 400 triệu mà 7 ông cán bộ nhận ấy, chẳng làm gì có tiền đất công ích. Toàn là đất quỹ 1 của dân bị các ông ấy mạo nhận cả. Như thửa đất 608 của ông Tạ Quang Hội, diện tích 158 m2, có ghi trong sổ đỏ của ông Hội hẳn hoi, đến nay ông Hội vẫn chưa nhận tiền đền bù, nhưng thửa đất đó của ông đã bị ông Nguyễn Ngọc Thế, Phó chủ tịch HĐND xã “đứng tên hộ” nhận tiền rồi. Ngoài ra, ông Thế còn “đứng tên hộ” cả chục thửa đất của các hộ khác, nhận đến hơn 100 triệu đồng...

Để chứng minh, ông Gia đã giở bản đồ giải thửa khu đất bị thu hồi ra, chỉ cho chúng tôi xem hàng chục thửa đất của các hộ dân bị ông Thế và 6 ông cán bộ khác “đứng tên hộ”, mà ông phải bỏ rất nhiều công sức mới phát hiện được. Ông Gia cho biết, ông sẵn sàng làm việc với các cơ quan chức năng, sẵn sàng đối chất với ông Thế và 6 ông cán bộ xã khác để làm rõ việc này.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Lạc và ông Nguyễn Quốc Tấn, Chánh thanh tra huyện Yên Lạc, đã thừa nhận những sai phạm trên, và cho biết, ngày 29/2/2012, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra, do Chánh thanh tra huyện làm trưởng đoàn, để xác minh những nội dung tố cáo của công dân. Đoàn đang chuẩn bị làm việc.

Đất bị thu hồi, phát sinh khiếu kiện từ năm 2004, mà đến nay cơ quan có thẩm quyền mới tổ chức xác minh là quá chậm?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.