| Hotline: 0983.970.780

A đến Z ở "cánh đồng lớn"

Thứ Ba 09/08/2011 , 10:33 (GMT+7)

Từ vụ lúa ĐX 2010-2011, AGPPS) đã mạnh dạn thực hiện mô hình liên minh SX lúa với nông dân trên cánh đồng rộng lớn hơn 1.000 ha. DN bỏ vốn đầu tư SX theo qui trình khép kín từ A tới Z.

Nông dân hợp đồng SX chở lúa về nhà máy của AGPPS

Từ vụ lúa đông xuân (ĐX) 2010-2011, Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) đã mạnh dạn thực hiện mô hình liên minh sản xuất (SX) lúa với nông dân (ND) trên cánh đồng rộng lớn hơn 1.000 ha. DN bỏ vốn đầu tư SX theo qui trình khép kín từ A tới Z. Mô hình mới đã thành công. Lợi nhuận chia sẻ hợp lý, DN và ND đều có lợi, và đặc biệt là cách làm này đã gợi mở một hướng đi hiệu quả, bền vững trong SX và tiêu thụ lúa vốn bấp bênh lâu nay.

Mô hình mới hiệu quả

Bắt đầu cuối vụ hè thu (HT) năm 2010, cán bộ kỹ thuật (Bạn nhà nông-FF) của AGPPS đã tới từng hộ ND bàn kế hoạch, ký hợp đồng SX và tiêu thụ lúa cho vụ ĐX. Vụ lúa đầu tiên mở ra cuộc làm ăn liên kết giữa AGPPS và ND. Kết quả có 486 hộ ND ở địa bàn 6 xã thuộc 4 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) đã ký hợp đồng hơn 1.000 ha. Theo đó, ND được AGPPS đầu tư giống lúa, thuốc BVTV, phân bón từ đầu vụ và tính đến 30 ngày sau khi thu hoạch không tính lãi, tổng cộng khoảng 125 ngày.

Lực lượng Bạn nhà nông FF (Farmer's Friend) của AGPPS sẽ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật canh tác trong suốt vụ. Về phía ND phải cam kết, thực hiện SX đúng theo qui trình kỹ thuật. Tới kỳ thu hoạch, công ty cung cấp bao chứa lúa. ND chở lúa đến nhà máy, được sấy lúa và có quyền bán lúa ngay theo giá thị trường hoặc nếu ND chưa muốn bán có thể gửi lúa miễn phí trong kho nhà máy 30 ngày (từ tháng thứ 2 trở đi công ty mới tính phí thuê kho). Trong thời gian này ND cần tiền chi tiêu trong gia đình hay vốn tái SX, công ty sẽ ứng tiền tương ứng 50- 60% giá trị lúa ký gửi. Đến khi giá lúa tăng, ND muốn bán sẽ được nhà máy mua và thanh lý hợp đồng theo giá thị trường vào thời điểm đó.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc ngành gạo AGPPS cho biết: “Kết thúc vụ ĐX, AGPPS ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với ND là 1.050 ha, sản lượng thu mua được gần 8.000 tấn lúa. Phẩm chất gạo rất tốt, tỷ lệ thu hồi thành phẩm rất cao. Tính chi phí đầu tư trung bình/ha tại vùng nguyên liệu gồm: giống lúa 1.680.000 đồng; thuốc BVTV 5 triệu đồng, phân bón 6 triệu đồng. Tổng cộng 12 triệu đồng/ha. Nếu là ND bên ngoài phải chịu chi phí tăng thêm 355 đồng/kg lúa, trong đó gồm lãi suất 105 đồng, sấy lúa 230 đồng, gửi kho 20 đồng.

Trong khi ND hợp đồng SX trong vùng nguyên liệu AGPPS được miễn phí nên giảm nhẹ phần này. Tính ra giá thành SX bình quân bao gồm: chi phí đầu tư (chuẩn bị đất, giống, phân, thuốc, chăm sóc, thủy lợi, thu hoạch) 17.400.000 đồng/ha. Năng suất lúa tươi 9,088 tấn/ha, giá thành SX lúa tươi 1.914 đ/kg. Như vậy, năng suất lúa khô hơn 7,7 tấn/ha, giá thành 2.210 đ/kg, trong khi giá mua lúa của AGPPS là 6.760 đ/kg, lợi nhuận ND có được 4.550 đ/kg.

Đi tới thành công

ND làm ra hạt lúa vốn nhọc nhằn một nắng hai sương. Chuyện trúng mùa rớt giá lâu nay thường tái diễn. Ở ĐBSCL lo nhất là vụ HT vì thu hoạch thường rơi vào mùa mưa bão. Trong khi còn thiếu sân phơi, lò sấy, kho trữ. Dẫu trước đây từng có nhiều giải pháp, nhưng chưa gỡ hết được khó khăn cho nhà nông. Hệ quả như một vòng lẩn quẩn. Hễ vào mùa thu hoạch rộ, lúa mắc mưa phẩm chất không đạt, trong lúc ND túng tiền đành chấp nhận bán lúa giá rẻ. Vì vậy mô hình liên kết của AGPPS cho thấy sự khác biệt.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc AGPPS chia sẻ: “Thật ra cách đây 2 năm, tôi đã ấp ủ một dự án đầu tư và bao tiêu lúa cho ND. Làm sao cho ND an tâm SX và biết trước làm là có lời. Nói nghe có vẻ ngược, cách tính của AGPPS là mô hình phân phối tính trước cho ND có lợi trước rồi mới đến lợi DN. Điều này khác hẳn với cách tư duy thông thường lâu nay là DN cắt phần lợi nhuận trong đàm phán rồi mới tính ra lợi nhuận cho bà con".

Cơ sở để AGPPS thành công trong vụ này là nhờ trước đó đã thực hiện chương trình cùng ND ra đồng năm 2006- 2007. Chương trình triển khai với đội ngũ FF hùng hậu, có kinh nghiệm. Đến nay lực lượng FF có 251 nhân viên tỏa xuống địa bàn nông thôn thực hiện với 1.701 điểm trình diễn trên tổng diện tích 3.200 ha. Một FF có khả năng giao tiếp với 20 ND. Đây là cách tiếp cận thực tiễn sát cánh cùng ND, thực hiện theo mô hình liên kết 4 nhà: DN- ND và nhà khoa học, nhà quản lý cùng tham gia. Mục tiêu là giúp ND tăng năng suất, phẩm chất và lợi nhuận.

Theo quan điểm ông Thòn, trong quá trình thực hiện tuy có khó khăn, tốn kém kinh phí đầu tư nhưng AGPPS cũng quyết tâm làm. Vì đây còn là vấn đề đạo lý của DN với ND, để thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi dịch vụ. "Chỉ cần làm sao giúp ND quản lý đồng ruộng tốt, sâu bệnh ít, môi trường ruộng đồng không ô nhiễm, giá thành lúa thấp. Lợi nhuận phân chia hợp lý cho ND và vẫn đảm bảo DN kinh doanh có hiệu quả, có như thế SX lúa mới bền vững" - ông Thòn khẳng định.

Kinh nghiệm lần đầu

Liên kết SX thực hiện theo cách này hay cách khác nhưng đó đều là hướng đi tất yếu trong SX lúa gạo. Các cán bộ trực tiếp triển khai dự án của AGPPS cho rằng: Chương trình hướng về ND và xây dựng cánh đồng sản xuất lớn được chính quyền các cấp và các nhà khoa học ủng hộ. Song từ trước tới nay việc tổ chức SX trên cánh đồng lớn theo mô hình liên kết theo cách làm này chưa có bài học thành công. Thêm nữa, cái khó nhất là chỉ trong 4 tháng, từ khi tiến hành ký hợp đồng với ND, đồng thời cũng là lúc triển khai xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo nhằm đáp ứng đủ các điều kiện đón lúa ĐX thu hoạch nên rất cập rập.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại: Chúng tôi xây dựng nhà máy trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt. Từ vận động được chính quyền và ND đồng tình đến khi thực hiện theo hợp đồng ký kết, bỏ vốn ứng trước vật tư cho ND trong điều kiện lãi suất như hiện nay là những bước đi rất cực nhọc. Đó là chưa nói tới những rủi ro như ký bao tiêu sản phẩm với giá thị trường theo giá lúa khô nhưng nhận lúa tươi của ND về sấy, khi giá lúa thấp cho dân gửi kho, giá lúa cao họ mới chịu bán; rồi cả cánh đồng lớn tập trung như vậy, khi thu hoạch đồng loạt, thu mua không kịp lúa sẽ hư hao, tổn thất.

+ Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng: “Nếu không có sự liên kết giữa SX và khâu tiêu thụ chế biến, ND hết sức thiệt thòi. Mô hình mà AGPPS thực hiện là rất tốt, mẫu mực trong việc giúp bà con ND tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam”. 

+ Nông dân Cao Thành Nam, xã Tân Phú, Châu Thành (An Giang): “Làm ăn theo hợp đồng với AGPPS bước đầu thấy yên tâm, vợ con không còn lo phơi lúa nhọc nhằn. Nhân công thuê phơi lúa bây giờ 100.000 đồng/người/ngày. Tới bán lúa không còn mất công mặc cả trả giá lên xuống với cò, lái lúa”

 

 

+ AGPPS dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng 6 nhà máy chế biến gạo, tổng công suất 1 triệu tấn lúa/năm; tổng sức chứa 500.000 tấn gạo/năm; đầu tư 100.000 ha vùng nguyên liệu. Trong đó giai đoạn I (2011-2012) xây dựng vùng nguyên liệu 40.000 ha; xây dựng 3 nhà máy chế biến lúa gạo tại An Giang và Long An với tổng công suất chế biến 400.000 tấn lúa/năm; giai đọan 2 (2013-2015) xây dựng 2 nhà máy chế biến lúa gạo ở Hậu Giang, Đồng Tháp công suất 400.000 tấn lúa/năm và đầu tư vùng nguyên liệu 40.000 ha; giai đoạn 3 (2015-2020) xây dựng 1 nhà máy chế biến lúa gạo tại Kiên Giang công suất 200.000 tấn lúa/năm và vùng nguyên liệu 20.000 ha.

Tuy nhiên qua mùa lúa đầu, sau những nỗ lực không mệt mỏi, các công đoạn ráp nối đã trở nên nhịp nhàng. Tới ngày thu hoạch lúa cũng là lúc nhà máy chế biến lúa gạo hoàn thành đúng như cam kết với ND. Nhà máy nằm ngay trên vùng nguyên liệu, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) trên khu đất 5 ha, có nhà kho, xưởng chính 15.600 m2, sức chứa 35.000 tấn gạo. Tổng công suất 100.000 tấn lúa/năm. Trong nhà máy lắp đặt hệ thống thiết bị liên hoàn gồm máy máy xát 20 tấn/giờ, lau bóng 16 -32 tấn/giờ, máy tách màu 12–16 tấn/giờ; hệ thống bốc dỡ hàng 500 tấn/ngày, hệ thống máy làm than trấu 100 tấn/ngày cùng các hệ thống phụ trợ và văn phòng làm việc.

Theo ông Dũng, nhà máy là trung tâm điều hành các dịch vụ từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho SX đến tiêu thụ lúa gạo. Đây là nơi cung cấp thông tin mua bán, trao đổi hàng hóa. Với cách làm này AGPPS hoàn toàn chủ động thực hiện qui trình chất lượng gạo đảm bảo tiêu chuẩn theo hướng VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất ở ĐBSCL. Năm 2010 sản lượng lúa đạt 3,7 triệu tấn, cao nhất vùng là nhờ mức năng suất lúa cao, chất lượng lúa ổn định và ngày càng nâng cao. Trúng mùa ND đã làm được, nhưng làm thế nào tiêu thụ lúa mà ND chủ động và có quyền của người bán thì đến nay chỉ có cách làm của AGPPS đưa ra mới chứng minh được sự căn cơ, đem lại quyền lợi tốt cho ND.

Những ngày vừa qua, vụ lúa HT mới đã thu hoạch. Đây là vụ lúa thứ hai nhà máy chế biến lúa gạo Vĩnh Bình mở rộng mô hình liên kết thêm gần 600 ha, nâng tổng diện tích lên hơn 1.600 ha SX lúa chất lượng cao. AGPPS đã định hình một hướng đi.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.