| Hotline: 0983.970.780

A Tiêng đang nỗ lực cán đích nông thôn mới

Thứ Bảy 23/07/2016 , 13:30 (GMT+7)

"Không chỉ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thực hiện san ủi mặt bằng dân cư, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững,… chúng tôi còn thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu...".

A Tiêng, xã miền núi huyện Tây Giang, với dân số hơn 2.200 người, có hơn 80% là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống đang nỗ lực phấn đấu cán đích nông thôn mới (NTM).

Đồng bộ các tiêu chí

Thực hiện xây dựng NTM, huyện Tây Giang có hai xã là A Nông và Lăng đã hoàn thành các tiêu chí. Tiếp nối những thành quả đó, xã A Tiêng đang cố gắng cán đích.

A Tiêng được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong việc triển khai đồng bộ các tiêu chí theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng định hình và duy trì ổn định các tiêu chí giảm nghèo, giao thông - thủy lợi, y tế - giáo dục, nhà ở dân cư, an ninh - trật tự xã hội,… nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bà Alăng Thị Thiếu, Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho hay, là một trong 3 địa phương được huyện Tây Giang chọn điểm làm NTM, những năm qua A Tiêng đã nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác giảm nghèo và rút ngắn tỷ lệ hộ đói nghèo theo từng năm.

“Cùng với việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất sản lượng lương thực có hạt, chúng tôi còn lập và triển khai đồng bộ các phương án hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi cho nhân dân các thôn theo Chương trình 30a, 135 và NTM.

Cụ thể trồng hơn 22.000 cây ba kích, cùng hàng trăm con bò, dê, heo cỏ địa phương; hàng nghìn con gà, vịt xiêm và nhiều mô hình rau sạch, rau dinh dưỡng.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện, tỉnh và tổ chức phi chính phủ; cũng như công tác khuyến nông - khuyến lâm trên địa bàn xã trong việc cấp, hỗ trợ cây, con giống phục vụ cho nhân dân sản xuất cũng được địa phương thực hiện”, bà Thiếu cho hay.

11-03-21-nh-1104916208
Người dân thôn Tà Vàng trồng cây ba kích

 

Tính đến thời điểm này, A Tiêng đã đạt được 14/19 tiêu chí về NTM. Trong đó, nhiều tiêu chí được thực hiện đồng bộ về quy mô, đảm bảo quy trình hoạt động và phát huy hiệu quả, giúp từng bước nâng cao thu nhập người dân.

Cũng theo bà Thiếu, cùng với các chương trình hoạt động an cư lập nghiệp, xây dựng làng bản văn hóa, địa phương còn đặc biệt chú trọng đến công tác san ủi mặt bằng dân cư tại các thôn.

Theo đó, đến nay đã có 7 mặt bằng được hình thành, đảm bảo ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân tại các thôn R’bhượp, Aching, Ahu và Agrồng. Đây là những khu tái định cư mới, được mở rộng theo chủ trương xây dựng NTM, đáp ứng mục tiêu “9 có, 5 không” vì cuộc sống của đồng bào vùng cao Tây Giang.

“Phát huy hiệu quả từ các chủ trương đúng đắn, nhiều hộ dân địa phương đã dần thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được nâng cao. Hiện toàn xã chỉ còn 14,24% hộ nghèo theo chuẩn mới với thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt gần 33 triệu đồng”, bà Alăng Thị Thiếu, Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho biết.

Song song với đó, chính quyền xã A Tiêng cũng đã hình thành các khu sản xuất ổn định, phát triển bền vững, cùng nhiều mô hình gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại hầu hết các thôn trên địa bàn.

Chủ trương đồng bộ hóa trong việc triển khai các nội dung theo bộ tiêu chí NTM đã góp phần tạo hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh triển khai về hạ tầng giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, hệ thống kênh mương thủy lợi,…từng bước giúp người dân hưởng lợi.

Nỗ lực cán đích

Ông Bh’riu Quân, Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho hay, mục tiêu đến cuối tháng 6/2016 này địa phương sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại, trình UBND tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do đó, xã sẽ kiến nghị Ban chỉ đạo tỉnh lùi lại một năm để thực hiện.

Để có được những thành quả nói trên, ngay từ đầu triển khai, A Tiêng đã tập trung công tác chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh các chủ trương, chính sách đi vào đời sống người dân, đảm bảo theo đúng quy trình và tiến độ các dự án triển khai của Chương trình NTM.

“Không chỉ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thực hiện san ủi mặt bằng dân cư, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững,… chúng tôi còn thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu, xây dựng và duy trì các tiêu chí về giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng. Qua đó, đảm bảo đời sống người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn miền núi thêm khởi sắc”, ông Quân nói.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của xã A Tiêng chính là việc chưa thể hoàn thiện mặt bằng khu trung tâm hành chính xã, cũng như thực hiện tiêu chí về trường học, môi trường và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Dù vậy, ông Quân vẫn tin tưởng địa phương sẽ “cán đích” đúng theo kế hoạch.

Thôn Tà Vàng, Aching, Ahu là những điểm sáng trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại xã A Tiêng được kỳ vọng sẽ là những “cánh chim đầu đàn” giúp địa phương trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng Chương trình NTM.

11-03-21-nh-3104917176
Làng mới R’bhượp, xã A Tiêng

 

Cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng làng bản văn hóa, đồng bào Cơ Tu trên địa bàn xã còn đồng lòng trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng mặt bằng dân cư và tìm cơ hội giảm nghèo bằng các mô hình kinh tế hiệu quả với sự giúp sức của chính quyền.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm dần theo từng năm, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chủ trương, chính sách đầu tư của Nhà nước. Để dễ quản lý các hộ dân trên địa bàn xã, chính quyền xã A Tiêng đã triển khai gắn số nhà cho người dân. Mặc dù mô hình này còn rất mới mẻ với người dân miền núi, nhưng nhờ tính hiệu quả mang lại nên đã nhận được sự ủng hộ cao.

Trưởng thôn Tà Vàng, ông Alăng Nheeng chia sẻ, là thôn đầu tiên của xã đăng ký thực hiện gắn số nhà cho người dân, đến nay hầu hết các ngôi nhà của đồng bào Tà Vàng đều đã được gắn số, góp phần giúp quản lý thông tin của từng hộ dân được dễ dàng.

“Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ, người dân chỉ cần đến UBND xã để cán bộ chỉnh sửa thông tin ngay trên máy tính. Rất tiện lợi”, ông Nheeng bộc bạch.

Đến với A Tiêng hôm nay, trên không gian khu dân cư bằng phẳng, một diện mạo mới đang từng ngày khởi sắc. Thấp thoáng dưới màn sương ở khu dân cư Z’rượt, đồng bào Cơ Tu cùng giúp nhau vận chuyển nhà cửa, dọn về vùng đất mới trong niềm vui khôn tả. Ai cũng phấn khởi nghĩ về cuộc sống mới, hân hoan chào đón ngày hội cồng chiêng trong lễ công nhận xã NTM, từ bây giờ.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất