| Hotline: 0983.970.780

Ác mộng ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Bài 1 - Hàng tỉ đồng trôi theo nước độc

Thứ Năm 25/07/2019 , 08:55 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh phía Nam có thế mạnh về kinh tế biển, đặc biệt về nuôi trồng thủy sản lồng bè. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do xả thải, cộng với số lượng lồng bè phát triển ồ ạt, tự phát, vượt xa quy hoạch dẫn đến thảm cảnh cá chết hàng loạt…

Đã nhiều lần bị cá chết và thiệt hại, nhưng chưa bao giờ người nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) lại đau xót như lần này khi hàng chục nghìn con cá ngay trước ngày thu hoạch bỗng dưng chết phơi bụng, hàng chục tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhiều gia đình vụt biến mất như trong ác mộng!
 

Làng bè vắng bóng cá

Đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ ngày cá lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt, các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông Chà Và vẫn không quên được “đêm định mệnh” ấy và cho đến nay hầu hết các hộ NTTS ở đây vẫn chưa thể trở lại với công việc bình thường của họ. 

Từ bến đò làng bè Chà Và, người dân dùng ghe đưa chúng tôi ra các khu nuôi cá lồng trên sông để tận mắt chứng kiến cuộc sống giờ đây… vắng bóng cá!

17-04-41_3
Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và trắng tay vì cá chết hàng loạt.

Ông Trần Văn Ba (một chủ hộ nuôi cá ở tiểu khu 3) đón chúng tôi bằng nụ cười buồn rười rượi, rồi lặng lẽ nổ máy, bẻ lái cho ghe hướng về phía những lồng bè vừa bị thiệt hại nặng, kể: “Trước cái đêm ác mộng ấy (đêm 1/7) không khí cả làng bè luôn nhộn nhịp, ai cũng mải mê với công việc chăm cá, tối đến đèn điện rực sáng như thành phố nổi vậy. Ấy thế mà, chỉ sau một đêm, hàng chục nghìn con cá bỗng dưng nổi lên chết trắng sông, bà con chúng tôi gần như trắng tay rồi!”.

Gia đình ông Ba năm nay thả 10.000 con cá chim đã đến ngày thu hoạch, nhưng sau một đêm, cả gia đình ông rơi thảm cảnh, phải bỏ tiền thuê nhân công vớt cá đem đi đổ bỏ. “Vợ chồng tui vay tiền ngân hàng đầu tư cho bè cá, tưởng lứa này nước êm, môi trường nuôi thuận lợi, thu hoạch cá sẽ có tiền trả nợ. Nào ngờ…!”, ông Ba nói như mếu.

17-04-41_9
Đến nay người dân vẫn đang phải thu gom xác cá chết.

Trước mắt chúng tôi, hàng chục lồng bè san sát nhau giờ đìu hiu, buồn tẻ như những ngôi nhà hoang. Ghe ông Ba ghé đến đâu cũng đều vắng lặng, ông khản tiếng gọi mãi chẳng thấy chủ bè cá nào xuất hiện.

Mãi một lúc sau, chị Trần Thị Phương (ở bè cá thuộc tiểu khu 2) lững thững đi ra vẻ mặt vô hồn, buồn bã nói: “Sao họ ác quá, cứ xả thải chất độc xuống sông như thế, đến người dính phải cũng chẳng sống yên chứ đừng nói đến cá. Giờ gia đình tôi mất sạch vốn rồi, tiền vay ngân hàng vẫn còn đọng lại đó, đến hạn họ nhắc quá trời nhưng biết lấy đâu mà trả hả trời!?”.

Để chứng minh trong lồng bè chẳng còn con cá nào sống, chị Phương cầm xô cám ra rồi bảo nếu như ngày thường chỉ cần vãi thức ăn xuống mặt nước là thấy đặc cá, thế mà bây giờ cám nổi đầy, một lúc sau nhão nhẹt khiến nước cũng đục ngàu theo. Tổng số cá bị chết tại lồng bè nhà chị Phương gồm 100.000 cá con và 16.000 con cá lớn các loại. Đau nhất là 5.000 con cá mú đã tới kỳ thu hoạch cũng chết nổi phình bụng, số tiền thiệt hại lên đến cả tỉ đồng.

Gần đó, lồng bè của hộ anh Mai Anh Tuấn (tiểu khu 3) đến nay vẫn còn xác cá chết nổi lềnh bềnh. Cầm vợt ra vớt xác cá dồn vào bao, anh Tuấn nói trong uất nghẹn: “Cá chim là khỏe nhất nhưng con nào con nấy thì cũng có biểu hiện bong tróc vẩy da, sau đó cứ thế chết dần. Hiện tượng này chắc chắn là do nguồn nước bị xả thải đột ngột, gây ô nhiễm nghiêm trọng mới khiến cá đồng loạt lăn đùng ra chết”.

17-04-41_7
Tờ thống kê thiệt hại cá chết của anh Tuấn.
“Tại cơ sở sản xuất thủy sản V.H, chúng tôi phát hiện ra nhiều thùng hóa chất và có đường ống xả thải trực tiếp ra sông nên đã báo cho chính quyền địa phương kiểm tra xử lý”, anh Mai Anh Tuấn (hộ nuôi cá ở tiểu khu 3) khẳng định.

Để phần nào giải tỏa bức xúc, anh Tuấn chạy vào nhà cầm những tờ giấy thống kê số lượng từng loại cá bị chết trong đợt này cho chúng tôi xem, gồm cá chim, cá bóp, cá mú… từ 4 tháng tuổi đến 1 năm, tổng số tiền thiệt hại lên đến… hơn 5 tỉ đồng!
 

Dân tự điều tra nguyên nhân

Theo tìm hiểu của NNVN, từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực này đã có 2 đợt cá chết vào tháng 4 và tháng 7. Trong đó, chỉ tính từ 1/7 đến nay các hộ nuôi khai báo có tổng cộng gần 500.000 con cá bị chết.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao thi thoảng lại có hiện tượng cá chết đồng loạt? Nghi ngờ một số nhà máy chế biến hải sản gần đó xả thải gây ô nhiễm, hàng chục hộ nuôi cá đã bỏ hết việc ở bè để cùng nhau đi truy tìm “thủ phạm”.

Ông Nguyễn Công Biên (nuôi cá thuộc tiểu khu 2) là một trong những hộ NTTS lồng bè đầu tiên và quy mô lớn nhất trên sông Chà Và với khoảng 200 lồng nuôi bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã kéo vào cơ sở sản xuất thủy sản V.H (ở tổ 10, xã Long Sơn) thì phát hiện nhiều dấu hiệu đáng nghi ngờ nên đã yêu cầu chính quyền đến lấy mẫu nước thải mang đi xét nghiệm. Sau đó lãnh đạo thành phố đã trực tiếp xuống xử lý vụ việc để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Theo ông Biên, những năm đầu mới nuôi, môi trường sông thuận lợi, thủy sản phát triển tốt, người nuôi có lãi nên rất phấn khởi. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm nay, cá ở các lồng nuôi chết rất nhiều khiến số tiền bị thiệt hại quá lớn, hộ nào ít thì cũng vài chục triệu đến trăm triệu, còn nhiều lên đến vài tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Tú, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: “Việc bà con phản ánh các nhà máy chế biến hải sản xả thải trực tiếp xuống dòng sông dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, chúng tôi cũng động viên bà con hết sức bình tĩnh. Nếu xem xét cụ thể nguyên nhân chính xác như vậy, chính quyền xã sẽ báo cáo thành phố xử lý cho đóng cửa”.

17-04-41_4
Cho đến nay người dân trên làng bè Long Sơn vẫn chưa thể trở lại với công việc bình thường.
“Trước hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế. Theo thống kê ban đầu, số lượng cá chết khoảng trên 73.000 con. Đoàn khảo sát đã tiến hành lấy mẫu cá và mẫu nước tại khu vực lồng bè có cá chết để gửi đi xét nghiệm, tìm nguyên nhân, sau đó sẽ có biện pháp xử lý”, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.