| Hotline: 0983.970.780

Agribank đã xử lý và thu hồi 57.922 tỷ đồng nợ xấu

Thứ Ba 11/09/2018 , 14:25 (GMT+7)

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống còn khoảng 2%. Riêng Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này duy trì ở mức 1,98%.

Quyết tâm của Agribank

Nghị quyết 42 đã tạo ra các biện pháp mạnh để giải quyết, xử lý nhanh nhất nợ xấu của ngân hàng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chia sẻ khó khăn cùng ngành Ngân hàng nên việc xử lý nợ xấu đã có dấu hiệu tích cực đạt được những kết quả nhất định.

17-18-14_gribnk_thnh_ho
Lãnh đạo Agribank và Agribank Thanh Hóa trong cuộc họp về tình hình nợ xấu và giải pháp xử lý rốt ráo các gói cho vay

Tuy nhiên, để triển khai Nghị quyết 42 hiệu quả hơn nữa cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm…

Chưa đầy 1 tháng ngay sau ngày Quốc hội công bố Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, ngày 20/7, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu để triển khai Nghị quyết này. Về phía Agribank ngay sau khi có chỉ đạo đã lập tức đưa ra Chương trình hành động với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng thời tổ chức Hội nghị toàn hệ thống để quán triệt những cơ chế để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống: (i) Thành lập 02 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; (ii) Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Cty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; (iii) Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường; (iv) Agribank đã mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15/8/2017; Miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi SX kinh doanh.
 

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42 xuất hiện một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Công tác quản trị rủi ro tín dụng đã được nghiên cứu triển khai nhưng vẫn còn thiếu công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro. Thông tư 13 của NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài mới được ban hành, cần có thời gian để triển khai thực hiện.

Các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại tài sản đảm bảo, tuy nhiên quá trình xử lý lại gặp khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý thông qua thi hành án. Như vậy, TCTD chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý của TCTD.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các TCTD chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC…

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ban ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc triển khai Nghị quyết 42 tại Agribank đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi. Từ ngày 15/8/2017 đến 31/7/2018, xử lý và thu hồi nợ xấu là 57.922 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ bán cho VAMC tại 153 Chi nhánh. Phối hợp với VAMC đấu giá, bán nợ theo giá trị thị trường các khoản nợ. Tập trung mọi nguồn lực về tài chính, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi nợ sau xử lý rủi ro để tái tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ…

Với mục tiêu được quán triệt ngay từ đầu gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi SXKD, vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.

Agribank xác định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ, linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ tại Nghị quyết 42 như: Miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm; sử dụng dịch vụ xử lý nợ của AMC; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường… Việc phát mại tài sản đảm bảo được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.