| Hotline: 0983.970.780

Ai chịu trách nhiệm bồi thường oan sai?

Thứ Bảy 20/05/2017 , 08:45 (GMT+7)

Sau khi đồng ý cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận hoàn thành các thủ tục để lấy 10 tỷ đồng từ ngân sách bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Bộ Tài chính cũng đề nghị sớm xác định trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người đã gây ra án oan… 

Như vậy, sau 7 năm, kể từ ngày ra đời Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, vấn đề “ai làm nấy chịu” trong quá trình xử lý oan sai cho công dân, mới được nhắc đến một cách nghiêm túc. Liệu người gây ra án oan có miễn cưỡng tự bỏ bao nhiêu tiền túi cá nhân để khắc phục những hậu quả đau lòng cho xã hội?

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén

Tinh thần thượng tôn pháp luật, đã giúp Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước được hình thành rất nhanh chóng và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, và dẫn đến tình trạng chưa có vụ nào có thể buộc người thi hành công vụ gây ra oan sai phải hoàn trả trong lĩnh vực hình sự. Nguyên nhân được lý giải bằng nhiều góc độ khác nhau, nhưng quan trọng là những người “cầm cân nảy mực” vẫn chưa quen chấp nhận một cách chuyên nghiệp về những lỗi lầm quá khứ.

Về trường hợp “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, vụ án oan sai của ông được dẫn dắt và kéo dài bởi những hoạt động tố tụng xâu chuỗi từ điều tra, khởi tố đến xét xử các cấp… Như vậy, cả ba ngành công an, kiểm sát và toà án đều có liên quan. Chỉ cần một sự tắc trách hoặc cẩu thả, lỗi nhỏ sẽ kéo theo lỗi lớn, một khâu sai sẽ kéo theo nhiều khâu sai. Muốn truy vấn, ai có trách nhiệm chính thì thật khó có câu trả lời rành mạch. Nếu nói cán bộ điều tra sai sót, thì vai trò cán bộ kiểm sát đâu? Nếu nói cán bộ điều tra và cán bộ kiểm sát đều sai sót, thì khả năng minh định vụ việc của cán bộ toà án như thế nào? 10 tỷ đồng bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, nếu phải tìm ra một cá nhân chịu trách nhiệm thì không khác gì thử thách nhau bằng một “vụ án thế kỷ” nữa!

Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước có nhiều điều khoản cặn kẽ, nhưng quy định trong lĩnh vực hình sự thì phải là lỗi cố ý mới phải thực hiện việc hoàn trả. Đối với những người thi hành công vụ, có dễ xác định “lỗi cố ý” không, nhất là những vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản công dân? Rất khó, dù truy vấn gay gắt thì kết quả vẫn chỉ dừng ở mức “yếu kém nghiệp vụ” hoặc “thiếu tinh thần trách nhiệm”.

Trong một xã hội nhân văn, chẳng ai nhẫn tâm và bất lương đến độ “cố ý” đẩy người khác vào tù. Cơ quan công quyền tin như vậy, và công dân lương thiện cũng tin như vậy. Cái cam go duy nhất là khi đã xảy ra vụ án oan sai, thì chúng ta không thể đưa mắt nhìn nhau an ủi tạm bợ rằng mọi thứ do sự an bài trớ trêu của số phận! Phải có người chịu trách nhiệm chứ, xã hội pháp trị và xã hội văn minh không thể thờ ơ trước mất mát vô cớ và thiệt thòi cay nghiệt của bất kỳ người dân nào!

Chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi vừa qua, những người yêu chuộng công lý ở nước ta không chỉ bẽ bàng trước một “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Liên tục nhiều vụ án oan được lật lại, được phơi bày để cộng đồng chia sẻ với những người tù oan khác như Nguyễn Thanh Chấn, như Hàn Đức Long… Nghĩa là số tiền mà ngân sách tạm thời bỏ ra không chỉ dừng ở con số 10 tỷ đồng bồi thường oan sai.

Tiền tỷ từ ngân sách, nghĩa là tiền tỷ từ thuế do nhân dân đóng góp, không thể đội nón ra đi vì sự tắc trách của một vài cá nhân được giao phó sứ mệnh hành pháp và chấp pháp! Theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, khi công chức gây oan cho công dân, trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường và sau đó nhà nước có quyền yêu cầu công chức đó phải bỏ tiền túi đền lại ngân sách.

Vì vậy, văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận truy cứu trách nhiệm hoàn trả số tiền bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén là một động thái đúng đắn và tích cực. Ít ra, văn bản của Bộ Tài chính đã đánh động rằng những ai gây án oan không thể xem như chưa có chuyện gì xảy ra mà áp dụng kỹ năng ngó lơ “để lâu phân trâu hoá bùn”.

Nếu Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước được áp dụng từ đầu năm 2010, thì đến năm 2015 có thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, TAND tối cao và Viện KSND tối cao nêu rõ trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được chia làm 3 trường hợp.

Thứ nhất, đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người có trách nhiệm hoàn trả. Thứ hai, đối với người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương. Thứ ba, đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Trong ba trường hợp trên, có lẽ dễ vận động người gây án oan đang còn tại vị chốn công sở sẽ tình nguyện gánh vác trường hợp đầu tiên là “lỗi vô ý” để hoàn trả 3 tháng lương cho ngân sách. Nhà nước đã chi ra 10 tỷ để bồi thường oan sai, mà cá nhân chỉ hoàn trả 10 triệu đồng, thì có phải một câu chuyện trớ trêu chăng?

09-55-34_trng-6nguoi-tu-on-hn-duc-long
Ông Hàn Đức Long

Riêng vụ án “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là các thẩm phán đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Nén. Liệu theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ khi Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận chi trả toàn bộ số tiền 10 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén, thì cơ quan này có thể xác định các cá nhân đã gây ra oan sai và yêu cầu hoàn trả tiền cho nhà nước không? Lẽ thường, đã là án oan thì rất lâu sau ngày thụ án mới trắng đen rõ ràng. Thẩm phán đã tuyên án cho ông Huỳnh Văn Nén năm xưa, nếu đã nghỉ hưu hoặc đã qua đời thì sao? Cũng căn cứ vào Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, thì người gây ra án oan sẽ bị trừ tiền vào lương hưu, còn người gây ra án oan qua đời thì người thừa kế phải có trách nhiệm hoàn trả tiền. Người đương chức còn khước từ “lỗi cố ý” để nhận “lỗi vô ý”, thì người nghỉ hưu và người quá cố lại càng khó giải quyết hơn.

Bàn về án oan và xử lý án oan trong thiên hạ, dân gian khắp nơi vẫn truyền tụng về huyền thoại Bao Thanh Thiên. Bộ phim “Bao Thanh Thiên” chinh phục rất nhiều thế hệ khán giả, vì ai cũng mơ ước công lý cho chính mình và cho mọi người. Bài hát “Mộng uyên ương hồ điệp” được chọn là ca khúc chính trong bộ phim “Bao Thanh Thiên” có mấy lời đáng nhớ: “Xưa nay chỉ thấy người bây giờ đang cười, chẳng thể thấy người hôm qua từng khóc. Ái tình, hai chữ thật đắng cay.

Muốn hỏi một câu cho minh bạch, hay cứ cúi đầu làm kẻ hồ đồ…”. Ở đời, có được bao nhiêu Bao Thanh Thiên? Và sự minh bạch càng là khao khát lâu dài và bền bỉ của nhân loại. Xác nhận được án oan cho Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn hoặc Hàn Đức Long đã là một bước tiến bộ đáng kể trong xã hội chúng ta. Thế nhưng, để giảm thiểu án oan và để chấm dứt án oán, không thể không đòi hỏi khắt khe về trách nhiệm của những Bao Thanh Thiên thế kỷ 21. Ngồi trên toà cao để đưa ra phán quyết chỉ là một mặt của Bao Thanh Thiên, và biết chấp nhận sai lầm và sửa chữa sai lầm vì phán quyết của mình mới là một mặt nữa của Bao Thanh Thiên.

Nói theo ca khúc trong bộ phim Bao Thanh Thiên, rằng “muốn hỏi một câu cho minh bạch”, tại những buổi xin lỗi công khai dành cho những người tù oan, đã có bao nhiêu người từng gây ra án oan có mặt tham dự bằng tất cả sự thành khẩn và sự đường hoàng? Bỏ tiền túi bồi thường cho ngân sách, chỉ là hành vi xã hội. Còn thái độ hối lỗi thực sự, mới là hành vi lương tâm. Trong một xã hội văn minh, ai cũng chờ đợi những người từng gây ra án oan, bằng đạo đức nghề nghiệp chân chính có thể đứng trước những người tù oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn hoặc Hàn Đức Long để thốt lên những lời tha thiết tận đáy lòng: “Tôi đã sai. Tôi xin lỗi!”. Ngoài việc giữ gìn quan hệ giữa nhà nước và công dân, đó còn là vẻ đẹp giữa con người với con người!

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm