| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 16/09/2019 , 09:01 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:01 - 16/09/2019

Ai đang nuôi bộ máy chính quyền địa phương

Vì sao hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chiếm đến 30% GDP, tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động, mà chỉ đóng góp cho ngân sách có 1,6%?

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đã rất thẳng thắn trả lời câu hỏi này. Sở dĩ có tình trạng vậy, vì “họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn”.

Cũng tại cuộc họp này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng thốt lên “khu vực hộ kinh doanh là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”. Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thì khẳng định: Hộ kinh doanh phải chi phí rất nhiều thứ mà ai cũng biết.

“Rất nhiều thứ” mà ông Đỗ Văn Sinh nói ở đây, là những thứ phải chi ngoài thuế, phí và những khoản phải đóng góp cho nhà nước theo quy định.

Hơn 5 triệu hộ kinh doanh “đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương”? Ô hay, bộ máy chính quyền địa phương đã có ngân sách, tức là tiền thuế của dân, nuôi rồi. Họ ăn tiền thuế của dân là để phục vụ nhân dân, trong đó có các hộ kinh doanh, tại sao các hộ kinh doanh lại phải nuôi họ nữa? Xin thưa: Tiền lương không thỏa mãn lòng tham của các quan chức từ to đến nhỏ của các địa phương, nên họ phải tìm cách bóc thêm, và các hộ kinh doanh chính là “mảnh đất màu mỡ nhất” để họ bóc. Số tiền bóc được đó, nếu xét về từng hộ, thì không nhiều, chúng vẫn được người đời gọi là “tham nhũng vặt”. Nhưng “góp gió thành bão”, theo tính toán của ông Đỗ Văn Sinh, nếu mỗi hộ chỉ phải chi 1 triệu đồng/tháng cho cái thứ gọi là “rất nhiều thứ” đó, thì số tiền mỗi năm cũng lên đến 50 đến 60 ngàn tỷ rồi. Nói thế, để thấy rằng nạn “tham nhũng vặt” đã vặt của người dân một số tiền khổng lồ đến thế nào.

Tham nhũng vặt biểu hiện ra ở rất nhiều hình thức, có thể nói là “muôn hình muôn vẻ”. Với những hộ có cửa hàng, thì hình thức phổ biến nhất là “cưa đôi tiền thuế”. Ví dụ một hộ kinh doanh ở mức phải đóng 2 triệu/tháng. Nhưng người có thẩm quyền sẽ hạ anh ta xuống mức phải đóng 1 triệu đồng/tháng. 1 triệu còn lại đó “cưa” đôi, mỗi bên một nửa.

Còn với những hộ không có cửa hàng, thì nào là “hụi chết”, nào là “luật vỉa hè" từ bà bán nước đến gánh hàng rong... Nếu không chấp nhận các thứ “hụi chết ” đó, thì đều bị xử lí thẳng tay. Một cuộc khảo sát của VCCI đối với các doanh nghiệp cho thấy: 59% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời là họ phải chi phí không chính thức. Với các hộ kinh doanh, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nếu thống kê, thì con số phần trăm chắc chắn là lớn hơn 59.

Chỉ mới ước tính, mà con số đã lên đến 50-60 ngàn tỷ. Chẳng trách dù lương tháng khá thấp, nuôi mình không nổi, mà những công chức từ xã đến huyện, tỉnh, vẫn cứ sống khá giả, ung dung.

Bình luận mới nhất