| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 28/12/2019 , 20:38 (GMT+7)
Hoàng Anh

Hoàng Anh

Nhà báo 20:38 - 28/12/2019

Ai đẩy 'thế hệ vàng' ở Mobifone vướng vào lao lý?

"Biết sai nhưng vẫn phải làm vì cấp trên chỉ đạo", không ít các bị cáo trong các vụ đại án khai như vậy.

Cựu Phó TGĐ Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên: 'Giá như họ nghe tôi...'

Sáng 28/12, TAND TP Hà Nội đã tuyên án 14 bị cáo trong đại án Mobifone mua AVG. Việc một số bị cáo từng là lãnh đạo Mobifone lĩnh án cũng khiến nhiều người trăn trở.

Một ngày trước khi HĐXX tuyên án vụ Mobifone mua AVG, Tổng Công ty viễn thông Mobifone đã có văn bản gửi HĐXX và TAND TP Hà Nội xem xét có hình phạt nhẹ nhất hoặc miễn hình phạt cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo của doanh nghiệp này.

Cụ thể, thay mặt Hội đồng Thành viên Mobifone, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thắng đã ký văn bản kính đề nghị HĐXX xem xét và chấp thuận đề nghị của Mobifone.

Theo Mobifone, các bị cáo trong phiên tòa đã có bề dày công tác tại Mobifone, có nhiều thành tích và đóng góp to lớn cho sự phát triển của Mobifone nói riêng và ngành viễn thông di động của Việt Nam nói chung. Từng cán bộ đã có đóng góp to lớn, đều thuộc những thế hệ cán bộ công nhân viên đầu tiên, "thế hệ vàng” của Mobifone ngay từ những ngày đầu mới thành lập.

Được biết ông Lê Nam Trà công tác tại Mobifone từ tháng 7/1994, ông Cao Duy Hải công tác tại Mobifone từ tháng tháng 5/1993, bà Phan Thị Hoa Mai công tác tại Mobifone từ tháng 8/1994, ông Nguyễn Đăng Nguyên công tác tại Mobifone từ tháng 7/1997, ông Hồ Tuấn công tác tại Mobifone từ tháng 9/1996, ông Nguyễn Mạnh Hùng công tác tại Mobifone từ tháng 7/1993, ông Nguyễn Bảo Long công tác tại Mobifone từ tháng 5/1994), bà Phạm Thị Phương Anh (công tác tại Mobifone từ tháng 3/2015).

Mobifone khẳng định đây là những cán bộ lãnh đạo có đóng góp và nhiệt huyết với Tổng Công ty, đang rất cần thiết cho ngành Thông tin và Truyền thông và đặc biệt cho Tổng Công ty Mobifone. Trong suốt thời gian công tác tại Mobifone các bị cáo đã có rất nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Mobifone, được thể hiện bằng những con số tăng trưởng đáng kể về doanh thu qua các năm.

Theo Mobifone, đây là sự tổn thất lớn nhất của Mobifone chính là sự mất mát về đội ngũ nhân sự lãnh đạo và quản lý cao cấp. Đó là những người vẫn còn thời gian, sức lực và năng lực sáng tạo có thể làm việc và cống hiến cho Tổng Công ty Mobifone. Do đó, nếu được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đặc biệt là những người bị truy tố duy nhất với tội danh “Vi phạm quy định sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Văn bản của Mobifone có đoạn mong HĐXX “có hình phạt nhẹ nhất hoặc miễn hình phạt cho các bị cáo” nhưng đã không có bị cáo nào được miễn hình phạt cả. Nhà nước, pháp luật luôn có chính sách khoan hồng, thậm chí “khoan hồng đặc biệt”, nhưng cái lý bao giờ cũng đứng trước cái tình. Cho nên, lúc này, chỉ còn thốt lên hai chữ “giá như” mà thôi.

Theo dõi phiên tòa, nhiều nhà báo kỳ cựu không khỏi bất ngờ khi nghe cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên khai bản thân bị cáo đã từng nêu ý kiến “từ chối thanh toán”, “cần có cái nhìn cẩn trọng về dự án” và “nếu tiếp thu một phần ý kiến của bị cáo thì sai phạm đã không xảy ra”...

Kết quả là gì? Vì phản đối dự án mà ông Nguyên bị “đì”, bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật. Còn cựu thành viên HĐTV Mobifone Phan Thị Hoa Mai khi phản đối việc mua 2 dự án đầu tư ngoài ngành của AVG đã bị Chủ tịch Lê Nam Trà phê bình "nói lằng nhằng".

Nhưng chính cựu Chủ tịch Lê Nam Trà trước tòa cũng nói: “Bản thân bị cáo với cương vị là Chủ tịch HĐTV, người đứng đầu đã không đủ khả năng dẫn dắt vượt qua các sức ép, quyết định không đúng của dự án, để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước vành móng ngựa”.

“Sức ép” mà ông Trà nói đến từ đâu? Chỉ biết là những “sức ép” đó đã góp phần đẩy “thế hệ vàng” của Mobifone vào vòng lao lý.

Còn nhớ cách đây 2 năm, cũng những ngày cận tết, trong phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam, cũng có một số ý kiến bày tỏ tiếc nuối cho những nhà khoa học như ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN.

Khi ông Thực vướng vòng lao lý thì đã và đang nổi danh với những đóng góp vô cùng quan trọng cho ngành Dầu khí. Tại tòa, cựu Tổng Giám đốc PVN đã gửi 24 chứng cứ những mong HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo... Đặc biệt, tâm nguyện của ông Thực còn đang nghiên cứu dở dang một công trình khoa học được đánh giá là cấp thiết, có thể áp dụng nhằm phát triển kinh tế và mong được miễn tội để tiếp tục hoàn thành công trình khoa học của mình.

Những nhà khoa học như ông Phùng Đình Thực sẽ không bao giờ nghĩ có một ngày bản thân phải đứng trước vành móng ngựa. "Thế hệ vàng" ở Mobifone cũng vậy. Nhưng từ Phùng Đình Thực đến Nguyễn Đăng Nguyên, không bị cáo nào được toại nguyện cả, bởi với pháp luật người ta thường có câu “án tại hồ sơ”.

"Cậu ký đi", "đừng lằng nhằng", "không triển khai thì biến đi"... là những trích dẫn tại các phiên đại án như một thứ văn hóa nghe lệnh không khác gì rô-bốt.

Sáng 28/12, phiên sơ thẩm đại án AVG kết thúc cũng là thời điểm báo chí thông tin bắt nguyên Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, lại một đại án khác vẫn đang được tiếp tục điều tra...