| Hotline: 0983.970.780

Ai đe dọa rừng thiêng Pỏm Om?

Thứ Năm 14/08/2014 , 13:20 (GMT+7)

Pỏm Om xưa nay là khu rừng thiêng được cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) ra sức gìn giữ rất cẩn thận. Vậy mà bây giờ, khu rừng thiêng ấy có nguy cơ bị xóa sổ. Nguồn sống, tâm linh của đồng bào cũng sẽ mất theo?

Cây cao su đe dọa rừng thiêng

Bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch có 71 hộ. Người Thái vốn dĩ rất coi trọng rừng, và ở đây cũng vậy. Tổ tiên của người Thái ở Pỏm Om từng có những lời nguyền về khu rừng nằm dưới chân núi Nhoi Hốc. Bất cứ ai xâm phạm đến rừng thiêng Pỏm Om sẽ bị thần linh trên rừng trừng phạt. Đời này qua đời khác đều như vậy.

Cũng có không ít kẻ bất chấp, lén lút lên rừng chặt cây, bẫy thú, nhưng cuối cùng đều phải gánh chịu hậu quả. Bí thư chi bộ Pỏm Om Lô Cẩm Xuyên và trưởng bản Vi Văn Phượng đều xác nhận với tôi rằng: Lời nguyền ở rừng thiêng Pỏm Om chưa bao giờ mất linh ứng cả.

Rừng thiêng cũng hào phóng, ban nguồn sống cho dân bản. Từ những gánh măng rừng đến từng bó cây thảo dược để người dân mang đi đổi gạo. Cũng chính tại ngọn núi Nhoi Hốc, từng mạch nước ngầm chảy xuống khe suối cung cấp nước sạch cho các bản làng lân cận.

Người ta từng ca ngợi rằng, trong khi nạn phá rừng đang hoành hành ở miền Tây xứ Nghệ, nhiều cánh rừng đã “cơ bản phá xong” thì Pỏm Om giống như một điểm sáng hiếm hoi của ngành lâm nghiệp. Để tưởng thưởng cho bà con dân bản, ngày 19/6/2012, UBND huyện Quế Phong đã giao 426,52 ha đất, thuộc tiểu khu 85 cho cộng đồng bản Pỏm Om với thời gian sử dụng là 50 năm.

Ngày 30/7/2012, rừng thiêng Pỏm Om cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Khó nói hết niềm hân hoan của cộng đồng người Thái ở miền biên viễn này. Dân bản còn đề nghị ban hành một quyển hương ước bao gồm nhiều nội quy giữ gìn và bảo vệ rừng thiêng.

Dần dà rừng Pỏm Om trở thành một kho báu thực thụ giữa đại ngàn. Rất nhiều giống thuốc nam quý hiếm được tìm thấy ở đây. Vậy mà...

Một ngày tháng 5/2013, cả bản Pỏm Om đang nô nức ăn mừng dịp khánh thành nhà văn hóa thì có người hớt hải chạy về báo, một nhóm người lạ đưa máy móc vào san ủi rừng thiêng. Dân bản kéo nhau lên kiểm tra thì nhóm người kia giới thiệu họ là người của Nông trường Cao su Quế Phong (thuộc Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An) đang “mở rộng diện tích trồng cao su”.

Quá bức xúc, bản Pỏm Om cử người lên nông trường hỏi cho ra nhẽ. Ngày 29/5/2013, trong một cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết vụ việc, ông Hồ Văn Mười, Giám đốc Nông trường cao su thừa nhận đơn vị này đã lấn vào phần đất rừng của bản Pỏm Om 1,17 ha, đã trồng 280 cây cao su rồi.

Ngay sau đó ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng đã có công văn yêu cầu Nông trường cao su Quế Phong không được tiếp tục san ủi, khai hoang trồng cây lấn sang phần đất đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om… Đối với 280 cây cao su đã trồng trên phần đất lấn sang, phải di dời để trả lại đất cho bản.

16-19-36_nh1
Rừng Pỏm Om

Vụ việc tưởng chừng được giải quyết êm đẹp, tuy nhiên, sau một thời gian im ắng, ông Mười tiếp tục xua quân đưa máy ủi lên lấn chiếm rừng Pỏm Om, mở rộng diện tích lên thành 7,6 ha, thể hiện quyết tâm lấn chiếm khu vực rừng thiêng.

Không những thế, người dân còn phát hiện, công nhân nông trường sử dụng hóa chất để diệt trừ một số diện tích rừng trồng của dân bản. Ngày 3/6/2014, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An đã kiểm tra và kết luận: Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây cao su có sử dụng hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước là có cơ sở.

Những hành động của Nông trường Cao su Quế Phong khiến Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, ông Lương Tiến Lê phải thốt lên: "Họ ăn cắp đất rừng của bà con một cách trắng trợn, bất chấp pháp luật. Rừng thiêng không chỉ có giá trị tâm linh mà còn có giá trị phòng hộ đầu nguồn, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nếu họ phun hóa chất thì khác gì đầu độc dân chúng tôi".

Cty Cao su Nghệ An đã phạm luật?

Sau khi nhận được báo cáo của xã Hạnh Dịch phản ánh việc Nông trường Cao su Quế Phong tiếp tục ngang nhiên lấn chiếm vào diện tích rừng cộng đồng, ngày 19/2/2014, UBND huyện Quế Phong lại phải có công văn gửi Cty CPĐTPT cao su Nghệ An yêu cầu Nông trường Cao su Quế Phong chấm dứt ngay hành động trên.

“Công lao dân bản bảo vệ rừng bao nhiêu năm nay tự nhiên có người đến xâm phạm. Chúng tôi sống dựa vào ngọn măng, cây thuốc, giờ bị xâm phạm thì không biết sống thế nào. Rồi còn nguồn nước sinh hoạt, hóa chất họ phun trên đồi, theo suối chảy về bản, ai dám uống”, Trưởng bản Vi Văn Phượng và Bí thư Lô Cẩm Xuyên phàn nàn.

Tuy nhiên, thay vì tìm cách khắc phục, phía Cty cao su Nghệ An lại thể hiện nhiều động thái thách thức chính quyền sở tại bằng việc có văn bản do ông Trần Ngọc Thắng, Tổng giám đốc Cty ký, yêu cầu ngược UBND huyện Quế Phong rút lại giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om.

Cty cao su Nghệ An cho rằng, việc giao đất của UBND huyện Quế Phong cho cộng đồng bản Pỏm Om là sai qui định, còn việc họ tiếp tục lấn chiếm đất rừng cộng đồng là đúng qui trình?

Cụ thể, trong công văn có đoạn: “Dự án đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp tại huyện Quế Phong giai đoạn 2001 - 2010 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3192/QĐ-UBND ngày 14/9/2001 do Tổng đội TNXP7- XDKT (tiền thân của Nông trường Cao su Quế Phong) làm chủ đầu tư. Địa điểm tại xã Hạnh Dịch gồm 5 tiểu khu 78, 81, 82 và 85 với diện tích là 6.136,3 ha”.

Theo văn bản của Cty Cao su Nghệ An, việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp như hiện tại hoàn toàn là do UBND huyện Quế Phong đã cấp sổ đỏ sai quy trình. Tuy nhiên khi tiếp xúc với NNVN, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng phòng TN-MT huyện Quế Phong khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho cộng đồng bản Pỏm Om là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật vì diện tích trên không nằm trong quy hoạch trồng cao su của tỉnh Nghệ An.

UBND huyện Quế Phong đã có văn bản rất rõ ràng về vấn đề này, nội dung như sau: “Theo quy hoạch trồng cao su được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 thì trên địa bàn xã Hạnh Dịch chỉ có 48,9 ha tại tiểu khu 82, không quy hoạch trồng cao su tại tiểu khu 85.

16-19-36_nh3
Ông Lô Cẩm Xuyên

 Ngoài ra, diện tích đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch nhưng chưa có Quyết định giao đất cho Cty cao su Nghệ An thuê đất, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cty cao su Nghệ An chưa có các điều kiện trên đã tổ chức chỉ đạo và thực hiện trồng cây cao su tại tiểu khu 85, xã Hạnh Dịch là vi phạm pháp luật”.

Trong công văn của UBND huyện Quế Phong cũng nói rằng, họ rất tạo điều kiện cho dự án trồng cây cao su trên địa bàn, nhưng “phải tuân thủ pháp luật”. Việc Nông trường Cao su Quế Phong lấn chiếm rừng cộng đồng, trồng cao su tại tiểu khu 85 thì “huyện Quế Phong chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, phê bình và tìm biện pháp tháo gỡ khắc phục nhưng nông trường không tiếp thu”.

Để có thông tin đa chiều, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Cty cao su Nghệ An. Họ cũng đã có những giải thích nhưng nội dung hết sức mập mờ.

Cụ thể, theo biên bản ghi chép về cuộc thảo luận việc Nông trường Cao su Quế Phong lấn chiếm rừng cộng đồng ngày 6/3/2014, ông Lê Hữu Huy, Phó Giám đốc Cty cao su Nghệ An có thừa nhận: "Qua phản ánh, chúng tôi đã đi thực tế và đúng là chúng tôi có trồng lấn sang phần đất của Hạnh Dịch".

Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc với PV NNVN mới đây, ông Huy lại quay ngoắt trả lời: "Toàn bộ diện tích tại tiểu khu 85 mặc dù không được quy hoạch trồng cây cao su nhưng lại nằm trong phần diện tích Cty cao su Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An cho phép khảo sát".

Như được lập trình sẵn, ông Huy tiếp tục đổ lỗi cho UBND huyện Quế Phong cấp sổ đỏ cho dân bản Pỏm Om sai qui định, trong khi theo chúng tôi, qui trình này không có bất cứ vấn đề gì.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm