| Hotline: 0983.970.780

Ai giết Hoằng Tháo năm 938

Thứ Năm 20/09/2018 , 08:40 (GMT+7)

Khẳng định Dương Tam Kha là người có công giết chết Hoằng Tháo trong cuốn “Lịch sử Việt Nam phổ thông” khiến bạn đọc hết sức băn khoăn.

Khẳng định... lạ lùng

Mới đây, trong bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – Viện Sử học biên soạn, tập 3, từ thế kỷ X đến năm 1593, do PGS.TS Nguyễn Minh Tường chủ biên, khẳng định rằng Dương Tam Kha là người có công giết Hoằng Tháo: “Trong trận Bạch Đằng năm 938, Dương Tam Kha góp công lớn bằng việc giết chết Hoằng Tháo, chủ tướng giặc Nam Hán” (trang 25).

00-49-37_lich_su_vn_pho_thong_3
Bìa sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”

Điều khẳng định này khiến bạn đọc hết sức băn khoăn bởi vì chi tiết Dương Tam Kha giết chết Hoằng Tháo trong lịch sử từ xưa đến nay chưa từng được nhắc đến.

PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho biết, ông không thấy có chi tiết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo trong lịch sử. Cùng chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học nêu ý kiến: “Ai giết chết Hoằng Tháo trong chính sử không ghi”.

Có thể nói, đó là khẳng định lạ lùng của tác giả Nguyễn Minh Tường.
 

Căn cứ vào thần tích, thơ và câu đối

Để chứng minh Dương Tam Kha là người giết Hoằng Tháo, trong sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, PGS.TS Nguyễn Minh Tường dẫn ra 3 căn cứ. Căn cứ thứ nhất là vào bài thơ “Quá Bình Vương cựu trạch từ” (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của Tiến sĩ Lê Tung. Đó là câu: “Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu/ Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu” (Dịch nghĩa: Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ/ Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha). Dựa vào 2 câu thơ này, ông Nguyễn Minh Tường kết luận: “Lê Tung khẳng định Dương Tam Kha là người chém chết Hoằng Tháo” (trang 26).

Căn cứ thứ hai của PGS.TS Nguyễn Minh Tường là dẫn đôi câu đối tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ (Nam Định): “Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách trạc/ Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong” (Dịch nghĩa: Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách/ Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong”.

00-49-37_duong_tm_kh_1
00-49-37_duong_tm_kh_2
Tư liệu trong “Lịch sử Việt Nam phổ thông” khiến bạn băn khoăn

Căn cứ thứ ba để chứng minh Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo, mà ông Tường đưa ra là dựa vào Thần tích đền Cổ Lễ và Gia phả họ Dương. Tiếc rằng, PGS.TS Nguyễn Minh Tường không nêu cụ thể niên đại của Gia phả họ Dương và nội dung bản Thần tích đền Cổ Lễ.
 

Chính sử

“Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê soạn viết: “Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi”.

“Lịch sử Việt Nam”, tập 1, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2016), ở phần “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938” do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc viết, đã dẫn tư liệu “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi” (trang 472). Tác giả Nguyễn Quang Ngọc cũng dẫn “Ngũ đại sử ký” của Trung Quốc: “Bấy giờ nước thủy triều xuống, những thuyền của Hồng Thao (Hoằng Tháo) vì nước cạn nên mắc vào cọc bịt sắt, vỡ đắm gần hết. Hồng Thao tử trận. Nghiễm nghe tin bại trận phải thu quân về” (trang 72).

Có thể thấy, những gì trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, viết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo là hoàn toàn dựa vào những tư liệu từ dân gian, chứ không hề có trong chính sử.
 

Tư liệu không thể thay chính sử

Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, người nhiều năm nghiên cứu về vùng đất cửa sông Bạch Đằng, và từng tham dự nhiều hội thảo về chiến thắng Bạch Đằng bày tỏ: “Không có tư liệu nào và cũng chẳng nhà sử học nào có tư liệu đủ tin cậy để xác minh được chắc chắn ai chém đầu Hoằng Tháo ở trận Bạch Đằng năm 938”.

Còn đối với 3 căn cứ mà PGS.TS Nguyễn Minh Tường nêu ra, “nhà Quảng Yên học” khẳng định: “Thần tích là truyền thuyết thôi, nó có giá trị giáo dục và giúp các nhà khoa học tham khảo để phục vụ nghiên cứu khoa học, chứ nó không phải là tư liệu chắc chắn đúng với thực tế. Còn bài thơ và câu đối về người chém đầu Hoằng Tháo chỉ là lăng kính chủ quan dựa vào truyền thuyết mà thôi. Tôi khẳng định đây không phải tư liệu chắc chắn về người chém Hoằng Tháo”.

Hoằng Tháo chết đuối

Đó là nhận định của GS Đào Duy Anh – nhà sử học hàng đầu của Việt Nam thế kỷ XX. Trong sách “Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến nửa thế kỷ XIX)”, NXB Văn hóa (1957), quyển thượng, ông viết: “Chợt nước triều xuống, Ngô Quyền cho phục binh ở hai bên sông nổi lên nghịch chiến. Binh thuyền của giặc phải rút lui, nhưng vì nước cạn nên mắc vào cọc bịt sắt, vỡ rất nhiều. Quân giặc chết quá nửa, Hoàng Thao cũng bị chết đuối” (trang 164).

Nhiều tư liệu sử học của Trung Quốc như bộ sử "Thập quốc xuân thu" gồm 114 quyển, chép về 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc, do Ngô Nhậm Thần đời Thanh soạn, cũng viết rằng Hoằng Tháo chết đuối.

“Theo tôi là chưa nên đưa Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo vào sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”. Vì nếu là một sự kiện lịch sử chính xác thì hãy đưa vào những sách phổ biến có tính chất giáo dục truyền thống, còn chưa thực sự chính xác thì người ta hay dùng từ tương truyền” (PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học).

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.