| Hotline: 0983.970.780

Ai mua giàu, tôi bán...

Thứ Sáu 25/06/2010 , 10:11 (GMT+7)

Chủ nhiệm Trần Viết Dũng (Hợp tác xã làng nghề Dũng Luật, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) cười tươi rồi vỗ đánh bộp vào vai tôi: “Xét cho cùng thì ai mua giàu, tôi bán. Lo gì".

Chủ nhiệm Trần Viết Dũng: Tui chăm đọc báo để lựa chọn mô hình làm giàu

Quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm đen và tua tủa râu, Chủ nhiệm Trần Viết Dũng (Hợp tác xã làng nghề Dũng Luật, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) cười tươi rồi vỗ đánh bộp vào vai tôi: “Xét cho cùng thì ai mua giàu, tôi bán. Lo gì".

"Lên men" cho rượu Tuy Lộc

Vùng Lộc Thuỷ đất chật người đông, người dân nơi đây vốn bao đời cần mẫn gắn bó với ruộng đồng, với hạt lúa một nắng hai sương thấm đẫm mồ hôi. Dường như thấy rõ điều này nên Dũng chọn cho mình hướng đi thích hợp hơn, nhưng cũng thật gần gũi với bà con địa phương, đó là phát triển làng nghề truyền thống, sản xuất rượu Tuy Lộc, vốn là một thứ rượu quê đã được mọi người biết đến. May mắn, mô hình kinh tế của anh phù hợp với chủ trương về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nên được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao và tạo điều kiện. Vậy là HTX làng nghề Dũng Luật ra đời từ tháng 4/2005.

Lao động trong HTX làng nghề chủ yếu là con em địa phương, những người xưa nay vẫn quen nghề nấu rượu, nuôi heo nên chẳng phải lạ lẫm gì với cái mô hình mới của ông chủ nhiệm người làng... miềng! Tiếp nữa, cũng góp phần bảo tồn và duy trì tốt nghề truyền thống quê nhà. Có khác chăng là lâu nay để có rượu, họ thực hiện quy trình nấu cơm, trộn men, ủ và rồi cho vào nồi nấu (gọi cho oai là chưng cất), rượu ra lò cứ hứng vào can, vào chai nút lá chuối lại là xong. Bán mua cũng chẳng là bao, chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp trong mỗi gia đình. Nay, ngoài việc sản xuất với quy mô, số lượng lớn hơn rất nhiều, trong quy trình sản xuất tại làng nghề còn có các công đoạn làm lắng, khử các chất độc hại được ông chủ nhiệm đưa vào áp dụng, đảm bảo cho sản phẩm ra lò đạt các tiêu chuẩn về bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Làm được sản phẩm tốt rồi, tui lại lo đến khâu thị trường, cũng vất vả trần ai lắm, cạnh tranh ra trò chứ chẳng chơi. Tui và anh em lại xây dựng cái thương hiệu để gắn cho sản phẩm. Đành rằng lâu nay nhiều người biết tới rượu Tuy Lộc, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ mấy anh về quê chơi uống khen ngon, gần như kiểu “con hát mẹ khen hay” vậy thôi... Nay phải làm cho nên tấm nên món”, chủ nhiệm Dũng bộc bạch như vậy.

Một hôm, có đám bạn quen đến, Dũng dẫn ra nhậu tại nhà hàng ở thành phố Đồng Hới. Để giới thiệu, Dũng kêu lấy mấy chai rượu Tuy Lộc uống. Lúc thanh toán, nhà hàng kê mỗi chai 100 ngàn đồng. Cậu trợ lý toan nổi sung vì rượu nhà chỉ bán với giá 30 ngàn đồng. Chém chặt chi khiếp vậy. Dũng khoát tay ra hiệu trợ lý “hạ nhiệt” vui vẻ trả tiền về rồi rỉ tai: “Qua đó mới biết là rượu Tuy Lộc có thương hiệu. Đừng nóng vội lúc đó...”.

Từ hôm đó, Dũng đẩy thương hiệu rượu Tuy Lộc nổi tiếng trong và ngoài tỉnh; có 2 văn phòng giới thiệu sản phẩm, hệ thống bán hàng, đại lý rộng khắp. Sản phẩm rượu Tuy Lộc đã đạt Huy chương Vàng vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng; Huy chương Vàng vì Nông dân Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Hà Nội; Cúp sen Vàng thương hiệu nổi tiếng Việt Nam…

Xông ra vùng cát trắng

Một hôm, giở báo NNVN, Dũng sáng mắt khi đọc được thông tin nuôi đà điểu trên cát là hướng đi mới và hy vọng cao. Hay thế sao lâu nay mà mình không biết? Dũng kêu toáng lên rồi Dũng lôi giấy bút ra ngồi một loáng đã viết được cả chục trang dự án nuôi đà điểu...

Đó là dự án trên giấy A4. Còn thực tế thì hôm sau hoãn lại vụ khách tham quan, giao quyền cho trợ lý, Dũng phóng xe ra vùng cát và chọn được vị trí ưng ý nhất với cả vùng cát và cây rười mọc cằn, gió Lào khan thổi rát cả mặt. Mặc kệ, coi như quyết xong. “Tui nói rõ mục đích lập trang trại là để vừa phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường, vì vậy cũng nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của tỉnh và huyện”, Dũng chia sẻ. Tuy nhiên, từ dự án trên giấy tới thực tế thì còn thời gian dài lắm. Nhưng Dũng “ranh ma” rồi. Khi các văn bản đang còn nằm trên bàn lãnh đạo với dự án xin hẳn 55 ha đồi cát thì Dũng đã “xua” quân ra cải tạo khu rười hoang để trồng rừng...

- Liều dữ hè. Nếu như lãnh đạo không đồng tình với dự án thì coi như vụ trồng rừng mất trắng à?Tôi hỏi dè dặt.

- Phải liều ông ạ. Tôi đánh cược với chủ rừng rồi. Nếu dự án không được duyệt thì xem như tôi biếu không chủ rừng mấy chục hec ta rừng trồng tương đương trên 400 triệu đồng. Nhưng tôi cũng tính kỹ đó chớ. Liều nhưng phải tính mới thắng...

Đổi lại cái liều của Dũng là khi dựa án được cấp giấy phép thì Dũng đã có khu rừng cây khoảng 35 ha được năm tuổi. Cây xanh tốt và vượt quá đầu người. Cả vùng cát trắng hoang sơ như được khoác tấn áo mới của màu anh. Nhờ nó, như xua đi cái nóng hầm hập trên cát.

Được đà, Dũng lấn tới, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2009, Dũng đưa lứa đà điểu giống đầu tiên về nuôi tại trang trại ở thôn Đông Bắc, xã Ngư Thuỷ Bắc. Loại vật nuôi có nguồn gốc từ Châu Phi này không ngờ lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt ở đây nên tăng trọng rất tốt, mỗi tháng từ 10-12kg/con. Qua mấy tháng nuôi, đàn đà điểu có trọng lượng ban đầu từ 20-22kg/con được HTX mua ở các trại giống Ba Vì, Quảng Nam mang về nay đã cao quá đầu người, nặng 70- 80kg/con.

Đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh cái trang trại đang dần hiện rõ hình hài: Một dãy chuồng nuôi lợn thịt dài ngoằng, một khu chuồng nuôi đà điểu chia làm nhiều ô rộng thênh thang, mấy vạt cát đã phủ xanh rau các loại, hệ thống hồ, ao đang nuôi cá và mấy căn nhà cho xã viên nghỉ ngơi, sinh hoạt...

Chủ nhiệm Dũng khoe: Hiện nay, HTX làng nghề có 40 lợn nái, 3 lợn đực Đuroc- giống Mỹ hẳn hoi, để tự chủ động được nguồn lợn giống chất lượng cao. Trung bình mỗi năm xuất ra thị trường từ 450-700 tấn lợn hơi và từ 2-3 tấn cá thương phẩm. HTX đã giải quyết việc làm cho 50 lao động, trong đó số xã viên chính thức là 37 người, với mức lương bình quân gần 2 triệu đồng/tháng (HTX đã bao ăn). Doanh thu năm 2009 đạt hơn 3,2 tỷ đồng.
Lâu lâu, chủ nhiệm Dũng lại thò tay gãi cái đầu đinh: “Tụi này ra đây làm ăn là phải quyết tâm cao lắm, xác định chịu đựng gian khổ lâu dài. Điều kiện đất đai ở đây thì các “quan chú” thấy rồi đấy, khô cằn, chua phèn. Mình ra làm sau nên địa thế tốt không còn, chỉ đầu thừa đuôi thẹo thôi, đường đi lối lại quanh co. Khó khăn đấy nhưng tụi tui có quyết tâm, làm kinh tế nhiều khi cũng phải liều một chút mới được việc. Ngay như cái việc trồng cỏ, rau tui cũng phải chọn những loại thật phù hợp, thử đi thử lại nhiều lần mới sống được. Nước tưới cho trồng trọt phải khoan xuống quá 13m thì mới đảm bảo không bị chua phèn. Mấy cái ao đào xong, để nuôi được cá phải đưa vôi, phân NPK xuống để khử phèn, rồi thì bỏ lá vối, lá sầu đông thường xuyên để cân bằng độ PH, nếu không làm vậy cá thả xuống đảm bảo... chết sạch ngay!

Vạn sự khởi đầu nan, đến nay thì HTX đã xây dựng trang trại với quy mô sản xuất tương đối hoàn chỉnh: Trồng rừng vành đai và trồng rừng chen phòng hộ 25 ha, với 29 vạn cây keo lai; xây dựng đường điện cao thế và hạ thế với nguồn vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng. Chủ nhiệm Dũng khoát tay: “Bên nớ là hệ thống kênh đào thoát nước chống phèn, nuôi cá 6 ha; kế đó là diện tích trồng cỏ phi long, rau, ngô cho đà điểu; rồi hệ thống chuồng trại lợn; các hạng mục công trình văn phòng, nhà bảo vệ, nhà nghỉ... Tất tần tật cũng ném vô thêm 3 tỷ nữa”.

- Nói vậy, ông có sợ bị lõm vốn khi dự án kinh tế vùng cát thất bại không?

Dũng cười khâng khấc rồi gãi đầu đinh: Nếu một vài cú thất bại thì có thương hiệu rượu Tuy Lộc gánh đỡ giùm. Còn thành công thì, xin lỗi “quan chú”, tiền vô cứ như là sóng biển...

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm