| Hotline: 0983.970.780

Ai qua Quán Cháo- Đồng Giao...

Thứ Ba 16/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

“Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao. Má hồng để lại, xanh xao theo về”. Câu ca ai oán ấy nói về một thời hoang vu của vùng đất Tam Điệp (Ninh Bình) ngày nay.

“Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao. Má hồng để lại, xanh xao theo về”. Câu ca ai oán ấy nói về một thời hoang vu của vùng đất Tam Điệp (Ninh Bình) ngày nay. Về Thị xã trẻ Tam Điệp những ngày cuối năm, ít ai nghĩ rằng cách nay vài ba thập kỷ, đây còn là vùng đất lau lách ngập đầu. Nhắc đến đất Đồng Giao ngày ấy, người ta khiếp đảm nghĩ ngay tới “Cọp Đồng Giao, ma Quán Cháo”.

Đêm đêm Quán Cháo, cọp trêu người

Những người già ở phố Ghềnh, ở Yên Bình (Tam Điệp) nói rằng, vùng núi Tam Điệp giống như cái đuôi của vòng cung núi đá vôi Hoà Bình ăn sát ra biển, phía trên là vùng núi Hoà Bình – Sơn La điệp trùng. Bao hang động, vách đá cheo leo trập trùng nối đuôi dồn hết về đây. Beo cọp, thú dữ khắp nơi tìm về “dung thân” ở đất Đồng Giao nhiều vô kể. Ngồi trong khuôn viên đền Quán Cháo, cụ Đinh Văn Vượng – 73 tuổi trú ở Yên Bình hiện đang quản lí đền Quán Cháo và đền Dâu trông ra QL1A thênh thang trước cửa đền bồi hồi nhớ lại: “Không thể tưởng tượng được! Thay đổi nhiều và nhanh quá!”. Khoảng những năm trước 1960, đền Quán Cháo chỉ có một miếu thờ nhỏ dùng thắp hương nằm lọt thỏm giữ bốn bề lau lách. Con đường trước cửa đền – bây giờ là QL1A rộng 4 làn xe nườm nượp lúc ấy chỉ là một lối mòn nhỏ nằm vắt qua một con suối lớn chảy từ Hoà Bình về, mùa lũ nhầy nhụa không thể qua lại.

Đoạn đường mòn từ phố Ghềnh đến đền Dâu chính là trung tâm Thị xã Tam Điệp bây giờ dài hơn 10km hai bên chỉ toàn lau lách rậm rạp, không một túp lều, không bóng người qua lại. Ban ngày ai muốn từ đền Dâu vượt qua Dốc Xây vào Bỉm Sơn (Thanh Hoá) phải “gom” thành một nhóm, trước lúc khởi hành ai cũng vào đền thắp hương khấn vái cầu an kẻo chết mất thây. Cụ thân sinh ra ông Vượng đang là thủ từ coi đền Quán Cháo phải “dũng cảm” lắm mới dám ở lại một mình vào ban đêm. Dân gốc TX Tam Điệp lúc đó chỉ vẻn vẹn vài chục túp lều tranh “co cụm” ở khu vực làng Ghềnh. Ban ngày lên nương, vào rừng lấy củi thì nơm nớp sợ hổ vồ. Ban đêm trời chưa tối đã phải đóng cửa, đến buồn tiểu cũng không dám ra ngoài vì hổ có thể ngồi ngay trước nhà.

 Nhắc đến Đồng Giao Quán Cháo hồi ấy, người ta nghĩ ngay đến hổ. Hổ dữ đã trở thành nỗi khiếp đảm với người dân bản xứ và những công nhân Nông trường Đồng Giao. Người ta không dám nhắc đến từ hổ mà phải gọi một cách kính cẩn bằng “ông” hay “ngài” hầu mong “ngài” chiếu cố tha cho! Bà cụ thân sinh ra cụ Vượng có lần lên núi lấy củi đổi gạo, đang mải làm thì giật thột thấy “ngài” đang nằm khoanh tròn giữa một vạt rừng cháy ngủ lim dim. Bà cụ vứt rựa bỏ củi chạy thục mạng về nhà nằm ốm đẫy tháng. Đúng là phúc lớn bằng cửa đình, chứ “ngài” mà thức giấc thì bộ xương đem về chôn cũng không còn! Cụ Nguyễn Văn Hàn (89 tuổi) ở thôn Lí Nhân (Yên Bình) còn kể cho chúng tôi nghe “sự tích” về con hổ thọt mà người Đồng Giao bây giờ cũng không rõ thực hư thế nào.

Chuyện rằng con hổ ấy già lắm, không biết dính bẫy ở đâu một chân bị thương cứ co lên, đi kiểu cà thọt. Thỉnh thoảng người làng Ghềnh vẫn gặp nó quẩn quanh ở khu Quán Cháo, Thang Lang, Quèn Voi…Nó “quản lí” đàn hổ từ Dốc Xây về tận Ghềnh, sang tận Khe Gồi. Sau này nó thành tinh. Đêm đêm người ta thấy nó bắt chước người đi chặt củi, nhặt nón rách đội lên đầu lang thang khắp nơi. Chính anh “hầu lâu” (người lái xe lu thời kỳ làm đường QL 1A qua Tam Điệp) ngủ trong buồng lái đã nhìn thấy nó đội nón thẫn thờ một mình dọc đường.

 Lại có chuyện kể rằng “ngài” thiêng lắm. Khoảng những năm 1953 - 1954, có lần dân làng Ghềnh rước hội lên đền Quán Cháo. Lúc đi tới ngã Baren (khu Barie đường sắt Bắc Nam qua Tam Điệp bây giờ) thì “ngài” lao ra chặn đường. Một cô gái trong đám rước ấy bỗng nhảy cưỡi lên lưng “ngài”. “Ngài” chở cô gái và rước cả đám hội đến trước cửa đền Quán Cháo rồi phục xuống, sau mới cong đuôi chạy vào rừng. Cụ Đặng Xuân Thiềng (đội Yên Lại, Nông trường Đồng Giao) lại có vô vàn kỷ niệm về loài chó sói. “Bọn ác ôn” ấy ăn thịt súc vật chỉ thích kéo ruột ra mà ăn. Đội Yên Lại hồi ấy là khu chăn nuôi của Nông trường Đồng Giao. Đêm đêm, lũ chó sói kéo về trại khoét hậu môn bò, lôi ruột ra ăn. Cụ Thiềng được giao trông coi trại bò, có hôm chó sói vào chuồng bò, mới hé cửa soi đèn để huy động anh em đuổi sói thì lại gặp ngay “ngài” đang ngồi trước cửa lán. Những năm chiến tranh, đàn gia súc của Nông trường Đồng Giao vừa bị bom Mỹ sát hại, vừa bị lũ chó sói ăn thịt nhiều vô kể.

Tam Điệp thay da đổi thịt nhờ qủa dứa

Trong lời tựa cuốn ký sự lịch sử “Nông trường Đồng Giao- 30 năm xây dựng trường thành” , đồng chí Phạm Tường Minh – GĐ đầu tiên của nông trường viết: “Sau lễ khai canh nông trường ít ngày, chúng tôi gồm gần 200 anh chị em bộ đội chuyển ngành khoác balô về xây dựng nông trường thì ở vùng đất Đồng Giao- Tam Điệp này hoang vu lắm.

Suốt chặng đường dài gần 10km từ ga Ghềnh vào đến đền Dâu chỉ có vài ba quán nước lèo tèo. Ban ngày trên nương rẫy luôn luôn phải đối phó với hùm beo và rắn rết. Ban đêm về lán trại thì muỗi rừng nhiều vô kể. Bệnh sốt rét hoành hành đe doạ”.

Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng đối với ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Cty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thì ký ức về TX Tam Điệp sau ngày đất nước thống nhất (1975) vẫn như còn nguyên vẹn. Chiến tranh tàn phá tiêu điều, vùng đất là trung tâm của TX Tam Điệp bây giờ hồi ấy chỉ có vài quán lá bán nước chè và khoai lang luộc. Công nhân Nông trường Đồng Giao lúc đó ở trong những khu lán trại đầy muỗi và rắn rết. Đi làm thì uống nước Ao Than (một hồ nước hình thành do lò than từ thời Pháp bị sập, hiện thuộc xã Quang Sơn), ăn hạt bo bo. Thế mà bây giờ mọi thứ khác hẳn! Không ai có thể tưởng tượng được rằng công cuộc đổi mới đất nước đã làm thay da đổi thịt vùng “rừng thiêng nước độc” ấy nhanh đến thế.

Chúng tôi về Tam Điệp giữa lúc công nhân các đội sản xuất thuộc Cty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tấp nập vào vụ thu hoạch nông sản. Từng chiếc xe tải chở đầy ắp dứa Cayen về nhà máy. Những quả dứa giống mới nặng trên dưới 2kg. Hai bên con đường rải nhựa thênh thang từ Trung tâm TX Tam Điệp về khu Yên Lại, những đồi dứa dài ngút tầm mắt. Những vạt đồi nhấp nhô bóng bà con vỡ đất thu hoạch khoai, dứa, lạc tiên...Những chiếc ôtô tải đánh vào tận ruộng, thương lái nhộn nhịp mua bán với chủ vườn. Nông trường Đồng Giao nay đã được chuyển thành Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hoạt động theo cơ chế thị trường. Gần như 10% sản phẩm XK ra thị trường nước ngoài. Trong khi nhiều NM dứa hoạt động thua lỗ thì trong nhiều năm qua, Công ty làm ăn có lãi. Đời sống của nông trường viên trồng dứa vì thế luôn ổn định. Hình như đâu đó người ta đang ruồng bỏ cây dứa, tố cáo nó không nuôi sống người thì ở Đồng Giao khác hẳn, dứa là cây làm giàu.

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang đầy đủ tiện nghi, anh Nguyễn Văn Giang (đội 12 – Khe Gồi) phấn khởi cho biết, đã qua rồi cái thời ra đồng dứa theo tiếng kẻng, tối về chẳng biết sẽ ăn gì. Chủ trương khoán đất đến từng hộ triển khai từ năm 1995 đến nay đã làm cho bộ mặt đời sống công nhân không ngừng được nâng cao. Với 3ha dứa Cayen, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, nhà anh Giang thu về trên 30 triệu đồng/năm. Từ năm 1996, nhà anh Giang cũng như các nông trương viên khác bắt đầu có của ăn của để, xây được nhà tầng, sắm phương tiện sinh hoạt và nuôi 2 con học Đại học. Anh Giang xúc động: “Đó thực sự là một giấc mơ. Nếu không có khoán hộ thì còn vất vả lắm”.

Chúng tôi ngược lên Quang Sơn - một vùng đồi khô cằn sỏi đá mà người Đồng Giao hay gọi “chế” thành đất “Quang Sỏi”. Nhà máy Xi măng Tam Điệp công suất 1,4 triệu tấn/năm đặt tại đây làm vùng đất “Quang Sỏi” ngày nào trở thành những dãy phố thẳng tắp, những con đường rải nhựa phẳng lì vào tận các hộ dân. Nhà Văn hoá TX Tam Điệp đứng sừng sững, án ngữ cạnh trụ sở Thị uỷ, UBND khang trang tươm tất. Tam Điệp mùa này rộn ràng như ngày hội. Người lớn lên đồi, vào xí nghiệp, đi cơ quan. Trẻ con ríu rít ở các khu nhà trẻ, trường mầm non khang trang đạt chuẩn quốc gia. Chếch về hướng Đông Bắc của thị xã, Dự án khu vui chơi giải trí hồ Đồng Thái và sân golf Yên Thắng 54 lỗ đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010 hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch cho Tam Điệp. Một thị xã từng bị xem là “Thị xã bị bỏ quên” bây giờ đang thức tỉnh vùng lên mạnh mẽ.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.