| Hotline: 0983.970.780

Ai tiếp tay?

Thứ Sáu 04/05/2012 , 15:25 (GMT+7)

Vườn cây cao su ở Nông trường cao su Sa Sơn là tài sản của Nhà nước. Việc dân tự tiện mua bán, sang nhượng là vi phạm pháp luật.

Người dân dựng lán chờ mua mủ cao su

Vườn cây cao su ở Nông trường cao su Sa Sơn là tài sản của Nhà nước. Việc dân tự tiện mua bán, sang nhượng là vi phạm pháp luật.

>> Mua bán trái phép vườn cao su ở Kon Tum - cần làm sáng tỏ

Điều này cũng đã được ông Hà Ban, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kết luận tại văn bản số 99/UBND-TB ngày 26/4/2006 trong đó có đoạn: “Không được sang nhượng, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã đưa vào trồng cây cao su nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Công ty Cao su Kon Tum; không được tự ý chặt phá, hủy hoại vườn cây trong suốt chu kỳ kinh doanh của cây cao su”. Nhưng rất tiếc việc mua bán, sang nhượng vườn cây cao su vẫn xảy ra.

Tự do mua bán sang nhượng

Từ năm 2007 đến nay nhất là trong các năm 2008, 2009, 2010 tại Nông trường cao su Sa Sơn ồ ạt diễn ra việc mua bán, sang nhượng vườn cây. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ đến nay đã có 74 người mua, 130 người bán, diện tích bán 151,63 ha, số tiền mua bán lên đến 8 tỷ 652 triệu đồng. Và còn bao nhiêu trường hợp mua bán sang nhượng vườn cây cao su trái phép chưa thống kê được? Có vườn cây được mua đi bán lại từ 2 đến 4 lần, có những người mua bán trong một lần giao dịch đã kiếm lời được 40 triệu đồng.

Có trường hợp sau 2 tháng mua thu hoạch, cạo mủ rồi bán lại cho người khác kiếm chênh lệch cũng được 40 triệu đồng/ha. Cá biệt có cá nhân mua 7,6 ha với giá 350 triệu, sau 10 tháng bán 780 triệu kiếm chênh lệch 430 triệu, vườn cây này lại rao bán trên 1 tỷ và đã có người đặt cọc 100 triệu đồng. Được tin này Nông trường đã cử cán bộ đến gặp và giải thích với người mua vườn cây cao su là trái pháp luật. Sau khi Nông trường giải thích thì cá nhân này mới thấy sai và đang tìm cách lấy tiền đặt cọc…

Một câu hỏi được đặt ra ai là người mua bán, chuyển nhượng vườn cây cao su ở Nông trường cao su Sa Sơn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nhiều người đang cư trú tại Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre, TP.HCM và cả một số cán bộ địa phương xã, thị trấn Sa Thầy và có người hiện là cán bộ công chức huyện Sa Thầy cũng tham gia mua bán, chuyển nhượng trái phép vườn cây cao su. Xin đơn cử một số “gương mặt” tham gia mua bán chuyển nhượng: Phó Bí thư xã Bùi Quốc Tưởng mua 2 ha của Bùi Văn Trực; Phó Chủ tịch xã Trần Lịnh Luyến cũng bán 1,5 ha. Năm 2008, Chủ tịch thị trấn Sa Thầy Lê Thế Duy cũng bán diện tích nhận khoán của mình cho Nguyễn Ngọc Lịch ở thị trấn Sa Thầy.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, thôn 4, thị trấn Sa Thầy bán cho ông Nguyễn Viết Xuân diện tích 2,9 ha với số tiền là 260 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Kế, thôn 4, thị trấn Sa Thầy, mua trên 5 ha với số tiền tổng cộng trên 100 triệu đồng. Ông Bùi Xuân Mạnh nguyên trước đây là trưởng Công an xã Sa Sơn có vườn cây nhận khoán 3 ha đã sang nhượng cho Nguyễn Thanh Bằng với diện tích là 3 ha, số tiền 300 triệu đồng. Bà Phan Thị Mai, nhân viên kế toán Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy, có hộ khẩu thường trú tại Sa Bình mua vườn cây nhận khoán của ông Nguyễn Văn Cảnh 4 ha, tổng số tiền 120 triệu đồng. Ông Xầm A Xám (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã mua của 3 người là Khương, Khanh, Khánh với diện tích 5 ha, tổng số tiền 200 triệu đồng. Hay anh Vi Văn Hải đã mua của 4 người là Duy, Thắng, Tình, Đương với diện tích 7,48 ha, số tiền 450 triệu đồng, 10 tháng sau đó bán lại cho một người tên Hiếu ở Bình Dương giá 760 triệu đồng, lãi 310 triệu đồng… Những người mua bán vườn cây cao su ở Sa Sơn đều có biết việc mua bán này là trái luật và vi phạm cả những lời cam kết mà trước đây họ đã từng tự nguyện viết giấy cam kết không mua bán, sang nhượng nếu không được phép của Cty Cao su Kon Tum bằng văn bản. Vậy thì tại sao họ vẫn ngang nhiên mua bán, sang nhượng trái phép vườn cây cao su? Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và có lời giải đáp ở phần sau.

Những điều trông thấy mà… day dứt lòng

Cuối tháng 4, thời tiết ở Kon Tum đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa nhưng nắng vẫn như đổ lửa. Những lô cao su như vắt kiệt sức đang hiện ra trước mắt chúng tôi xơ xác. Lẽ ra sau khi thay lá, cây cao su sẽ tốt tươi, nhưng trái lại cao su ở Nông trường Sa Sơn lại tiêu điều đến thế. Nhìn vườn cây như vậy ai mà chẳng xót xa. Bởi vì, để nhanh thu hồi vốn, các đối tượng mua sẽ tận thu sản lượng bằng việc tăng cường cạo, khai thác mủ. Với những người mua vườn cao su ở các tỉnh xa, họ đã thuê người địa phương để quản lý và tổ chức đấu thầu việc khai thác mủ ăn chia theo tỷ lệ nhất định mà họ đặt ra.

Phần đông những người được thuê đều không có chứng chỉ đào tạo nghề cạo mủ nên gây hại nặng nề cho vườn cây. Nhiều diện tích vườn cây bị cạo 1 – 3 lần/ngày, trong khi theo quy định thì 3 ngày mới cạo một lần. Ngoài ra, họ còn dùng thuốc kích thích bị cấm sử dụng để cho cây tiết, tạo nhiều mủ. Chúng tôi đem ý kiến này hỏi một số kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của một số Cty cao su ở Tây Nguyên thì họ đều có chung một câu trả lời là: Việc làm trên sẽ làm cây bị kiệt sức, giảm tuổi thọ hoặc chết, năng suất khai thác mủ giảm xuống nhiều kể cả khi vườn cây được phục hồi. Thiệt hại này khó mà tính hết.

Bên cạnh đó, việc quản lý của cán bộ Nông trường cao su Sa Sơn rất lỏng lẻo, thậm chí còn có hiện tượng tiếp tay, vì vậy chưa có ở nơi nào mà xuất hiện nhiều điểm thu mua mủ cao su như ở Sa Sơn. Khi nộp sản lượng khoán cho nông trường thì họ nộp rất ít chỉ mang tính tượng trưng, còn lại bán cho tư thương thậm chí họ lấy tất cả sản lượng bán ra ngoài. Điều đáng nói nữa là mặc dù họ nộp sản lượng mủ rất ít nhưng rồi tháng sau Nông trường thanh toán lương họ lên nhận 41,22% tiền công thu hoạch từ sản lượng giao nộp cho Nông trường, tương ứng 85% phần họ được hưởng. Do vậy, năm 2011 Nông trường Sa Sơn chỉ đạt sản lượng 190/420 tấn mủ quy khô (hơn 45% kế hoạch được giao).

Ai chịu trách nhiệm tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt?

Việc mua bán, chuyển nhượng vườn cây cao su ở Nông trường cao su Sa Sơn chỉ bị phát hiện khi Cty Cao su Kon Tum tiến hành thực hiện phương án khoán mới và đổi thửa. Trước đây, những hộ nhận khoán này họ phản ứng, khiếu kiện cho rằng tỷ lệ ăn chia 40/60 (Cty 60 phần, hộ nhận khoán 40 phần) là thấp. Nhưng khi phương án khoán mới được điều chỉnh lên cao hơn nhiều so với khoán cũ, tỷ lệ 45,33/54,67 (Cty 54,67 phần, hộ nhận khoán 45,33 phần) mà các hộ nhận khoán vẫn không ký hợp đồng mới - vì sao? Khi chúng tôi tìm hiểu các chứng cứ thu thập được thì mới biết “cháy nhà ra mặt chuột” những người coi thường pháp luật. Điều đáng nói ở đây là việc vi phạm pháp luật này không chỉ những người dân bình thường, họ viết tay mua bán, sang nhượng với nhau mà còn được sự xác nhận của tổ trưởng tổ sản suất, thôn trưởng, chính quyền xã, lãnh đạo Nông trường cao su Sa Sơn xác nhận việc mua bán, sang nhượng.

Rõ ràng những người này vô hình chung đã tiếp tay cho những người mua bán, sang nhượng trái phép vườn cây cao su. Xin nêu một vài trường hợp cụ thể như: Hợp đồng chuyển nhượng của ông Lê Mạnh Đương với Vi Văn Hải được Phó Giám đốc Nông trường Nguyễn Lê Nguyên xác nhận; hợp đồng của Trần Văn Chín với Nguyễn Sư Quân vào năm 2008 được ông Vũ Văn Toán – Giám đốc Nông trường xác nhận. Anh Võ NoÏ tại thôn 3, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy chuyển nhượng diện tích 0,25ha cho ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn 4, thị trấn Sa Thầy, năm 2008, có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhương. Ông Nguyễn Văn Duy ở xã Sa Sơn chuyển nhượng 2,57 ha cho ông Vi Văn Hải vào năm 2007 có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn Ngô Công Phương và Phó giám đốc Nông trường cao su Sa Sơn - Nguyễn Lê Nguyên. Ông Thao Nhong tại thôn 1, thị trấn Sa Thầy chuyển nhượng vườn cây cho Nguyễn Ngọc Lịch tại thôn 4, thị trấn Sa Thầy với diện tích 0,64ha, năm 2008, có sự xác nhận của Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy Lê Thế Duy…

Như vậy, để xảy ra việc mua bán, sang nhượng vườn cây cao su trái phép ở Nông trường cao su Sa Sơn trước hết thuộc về trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Nông trường, Cty Cao su Kon Tum, chính quyền xã Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy ở những năm trước đây đã không kiên quyết, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm việc mua bán, sang nhượng vườn cây. Vườn cây cao su ở Sa Sơn, Kroong là tài sản của Nhà nước, trách nhiệm bảo vệ không chỉ Nông trường, Cty Cao su Kon Tum mà cả hệ thống chính trị từ xã đến tỉnh Kon Tum. Chúng tôi được biết, hiện nay hàng ngày có rất nhiều người vẫn vào vườn cây cao su cạo mủ một cách vô tội vạ. Nhưng lực lượng bảo vệ của các Nông trường, Cty không có biện pháp mạnh để ngăn cản việc này.

Thay cho lời kết

Để giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương từ xã đến tỉnh Kon Tum và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc, xử lý nghiêm minh với những phần tử xấu lôi kéo, kích động, xúi giục người dân không ký nhận khoán, liên kết vườn cây cao su. Đồng thời xử lý những người cố tình vi phạm, chống đối, như bắt người trái phép, thu lại các khoản tiền mà họ đã sang nhượng vườn cao su trái phép cho Nhà nước. Cty Cao su Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần phải xử lý nghiêm những cán bộ Nông trường cao su Sa Sơn vi phạm pháp luật, tiếp tay cho những việc làm trái phép làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tránh sự im lặng đáng sợ như vụ việc ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng giám đốc Cty Cao su Kon Tum đã vi phạm mà Báo Nông nghiệp VN đã nêu (số 148, 149 tháng 7 năm 2011).

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm