| Hotline: 0983.970.780

Ai về Thanh Hóa, dô tá dô tà...

Chủ Nhật 05/06/2016 , 08:01 (GMT+7)

Đấy là Thanh Hóa. Tôi có một mối quan hệ đa nghĩa với vùng đất này. Đầu tiên là mối quan hệ với sông Mã và cầu Hàm Rồng, một mối quan hệ được xác lập qua bài hát Chào sông Mã anh hùng của nhạc sỹ Xuân Giao. 

Lúc đó tôi còn nhỏ đang sống ở quê. Thi thoảng tôi lại nghe bài Chào sông Mã anh hùng từ chiếc đài VEF của Liên Xô mà anh tôi mang về. Cứ mỗi khi bài hát vang lên là hình ảnh về sông Mã hiện ra. Nhưng thực tế những năm tháng đó hình ảnh về sông mã của tôi là hiện hữu của con sông Đáy chảy qua làng tôi.

Sau này, vào mùa hè năm 1980, tôi được phân công vào công tác ở Sài Gòn. Khi tàu chạy bắt đầu chạy qua cầu Hàm Rồng, tôi đã trườn người gần như ra khỏi cửa sổ con tàu để nhìn sông Mã như nhìn một miền đất trong huyền thoại. Ùa vào tôi là con sông kỳ vĩ và những ngọn gió mùa hạ thổi từ lòng sông.

Cho đến mãi về sau, ngọn gió ấy không bao giò ngưng thổi trong tôi, đặc biệt là khi tôi có những mối quan hệ khác da diết hơn, yêu thương hơn với mảnh đất này thông qua những con người cụ thể. Và cho đến bây giờ, thi thoảng tôi vẫn nghe lại bài hát đó.

Dòng sông ấy, chiếc cầu ấy, những con người ấy...của những năm tháng ấy vẫn hiện lên lãng mạn và mênh mông như dòng sông, giản dị và bất khuất như cây cầu và tài ba cùng đắm đuối như con người.

Người Thanh Hóa quả thực rất lãng mạn, rất đa mang, rất hài hước, rất ngang tàng và rất quyết liệt. Tôi không tiếp xúc với nhiều người Thanh Hóa và không có điều kiện sống lâu ở vùng đất ấy, chỉ thi thoảng đến Thanh Hóa vài ba ngày, nhưng tôi lại được yêu một trong những cô gái đẹp nhất Thanh Hóa và được thân quen với những người đàn ông tài nhất miến đất ấy và cũng là của đất nướ. Khi còn trẻ, tôi đinh ninh mình sẽ làm rể Thanh Hóa.

Nhưng con đường của cuộc đời thường có những khúc rẽ bất ngờ không thể nào lường trước được. Suốt mấy năm liền tôi thường xuyên đi về trên chuyến tàu chợ Hà Nội – Thanh Hóa và ngược lại. Trong những năm ấy, tôi là người thường xuyên xếp hàng mua vé xe từ thị xã Thanh Hóa về thị trấn Hoằng Hóa và đi bộ về Đội 4, Bút Sơn.

Đấy là quê hương của người yêu tôi. Một trong những cô gái đẹp nhất của Thanh Hóa thời đó. Và cứ mỗi lần trở về từ Bút Sơn, Hoằng Hóa là tôi mang theo hai cái tải: một cái đựng dừa và một cái đựng cá nục. Bà mẹ của cô gái lúc nào cũng bắt tôi mang về hai thứ quà đó.

Bây giờ nhớ lại tôi thấy mình hình ảnh mình vác hai tải dừa và cá lục từ ga hàng cỏ về cơ quan giống như một con lạc đà trong sáng và đáng yêu. Con lạc đà ấy mang trên lưng nhưng túi quà trĩu nặng của tinh yêu thương và lòng hào phóng của người Xứ Thanh.

Thế nhưng tôi thực là kẻ vô duyên và không may mắn. Tôi đã không có được vĩnh viễn một trong những cô gái đẹp nhất Thanh Hóa. Nỗi buồn ấy vẫn thi thoảng thổi qua tôi khi tôi đi qua cầu Hàm Rồng hay khi nghe một bài hát hoặc một cụm từ nào đó nói về Thanh Hóa. Nhưng đó là một nỗi buồn đẹp và vô giá.

Có một người Thanh Hóa rất nổi tiếng trong thời đại tôi sống mà sau này tôi đã trở thành một người em thân thiết của ông. Đó là nhà thơ Nguyễn Duy. Khi còn trẻ, chẳng bao giờ tôi lại có thể tượng tượng được rằng: có một ngày thi sỹ danh tiếng Nguyễn Duy lại đặt chân đến làng Chùa của tôi và đọc thơ trong đám cưới của tôi tổ chức ở làng.

Và một một nhà thơ Thanh Hóa tài ba nữa đã đọc bài thơ “Thuyền Than Lại Đậu Bến Than” trong đám cưới của tôi: Nhà thơ Anh Chi. Cả hai vợ chồng nhà thơ Anh Chi đã đi gần 50 km từ Hà Nội về dự đám cưới của tôi ở làng Chùa. Có lẽ đám cưới của tôi là đám cưới có nhiều nhất các nhà thơ đọc thơ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Anh Chi, Nguyễn Thành Phong, Trương Nhân Huyền.... Giá đám cưới ấy mà cô dâu là người Bút Sơn, Hoằng Hóa...thì trọn vẹn. Thế nhưng cuộc đời đâu có thể trọn vẹn.

Người Thanh Hóa có một phẩm chất gì đó rất đặc biệt và không bị trộn lẫn vào những người tỉnh khác. Tôi nhớ khi tôi về thăm quê người yêu tôi. Người yêu tôi nói với ông chú ruột của mình tôi có làm văn thơ, ông chú người yêu tôi không tin vì chuyện văn thơ là chuyện hệ trọng, phải người như thế nào mới làm được văn, viết được thơ. Chứ trông xấu giai lại lơ ngơ như tôi lúc ấy thì văn thơ làm sao được. Ông nghi tôi bịa đặt chuyện làm thơ để lừa cô cháu gái quá đẹp của ông. Thế là ông bèn kiểm tra tôi.

Một buổi tối, đứa con gái ông chú người yêu tôi mời tôi sang nhà và nhờ tôi giảng cho một bài thơ trong sách giáo khoa mà cô đang học. Tôi đã say sưa giảng cho cô nghe và nói rất nhiều về thơ ca. Tôi đâu có ngờ ông chú người yêu tôi lúc đó đang bí mật ngồi trong buồng bên cạnh để nghe tôi nói. Khi tôi vẫn đang say sưa nói thì ông đột ngột xuất hiện từ cửa buồng bên cạnh. Ông ôm lấy tôi và nói: “Mày đúng là nhà thơ rồi. Mày là cháu của chú”.

Ông là một giáo viên dạy văn và ông cảm nhận mơ hồ tôi có thể trở thành một nhà thơ trong tương lai. Tất nhiên lúc đó, tôi mới có một bài thơ in trên Báo Công an Nhân dân khi đó vẫn còn phát hành nội bộ.

Cái phẩm chất đặc biệt của người Thanh Hóa càng rõ hơn khi tôi được tiếp xúc với các anh hào xứ Thanh như các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Duy, Anh Chi, Kiều Vượng, Mai Ngọc Thanh, Văn Đắc, Lê Xuân Đức, Từ Nguyên Tĩnh, Mai Ninh...

Thơ văn của những nhà văn này cũng như con người họ rất có cá tính. Và cá tính sáng tạo là một trong yếu tố quan trọng hành đầu làm nên tác phẩm.

Mỗi khi gặp Nguyễn Duy, Văn Đắc, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh...bạn cứ quan sát một chút mà xem. Ngôn ngữ của họ thật ấn tượng, hành xử của họ thật khó quên. Họ luôn luôn có khả năng làm cho một câu chuyện buồn tẻ, một không khí nhạt nhẽo trở nên sống động lạ thường.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Cái gì làm nên tính cách “Thanh Hóa” ấn tượng như vậy của họ? Có lẽ do vùng đất với những đặc điểm và tính truyền thống của thiên nhiên, của lịch sử, của văn hóa và của những thăng trầm đầy tính sử thi trên mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Họ làm nên Thanh Hóa nhưng mỗi người trong họ lại khác biệt rất rõ để làm nên chính cá nhân và tên tuổi của họ.

Hữu Loan rất khác Nguyễn Duy, Văn Đắc rất khác Mai Linh, Kiều Vượng rất khác Từ Nguyên Tĩnh. Họ không thể là ai khác ngoài chính họ nhưng họ lại rất Thanh Hóa. Có lẽ vì sự khát biệt trong một đồng nhất mà họ đã cùng nhau qua nhiều thế hệ làm nên thương hiệu lớn : Thanh Hóa.

Sau này, cũng có người Thanh Hóa rất ghét tôi. Tôi nghĩ mãi mà không hiểu lý do chính xác vì sao. Nhưng chắc chắn vì chính một điều gì đó của tôi còn khiếm khuyết, còn vô tình, còn ích kỷ...Nhưng cho dù họ ghét tôi thì tôi vẫn yêu họ vì tôi đã yêu họ. Và cho dù có một trăm người Thanh Hóa ghét tôi thì vẫn không thay đổi được tình yêu của tôi đối với vùng đất đó.

Ai về Thanh Hóa, dô tá dô tà, Thanh Hóa anh hùng...

(KTGĐ số 21)

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Đình Bắc, Văn Khang xuất phát ngay từ đầu trong trận gặp U23 Kuwait

HLV Hoàng Anh Tuấn đã tung những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của U23 Việt Nam thi đấu trận mở màn ở VCK U23 châu Á gặp U23 Kuwait.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.