| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh làng ung thư: Làng trăm người chết vì ung thư

Thứ Ba 30/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chỉ hơn 350 hộ dân với khoảng 1.400 nhân khẩu mà số người chết vì bệnh ung thư đã có đến hơn trăm./ Hoang mang nguồn nước nhiễm độc

Đó là chưa kể nhiều bệnh nhân ung thư khác đang sống lay lắt. Bệnh ung thư đang là nỗi ám ảnh treo trên đầu người dân làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Những cái chết "bí ẩn"

Theo bà Phạm Thị Ngọt, nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Hoài Mỹ, trước đây, trên địa bàn làng Xuân Vinh liên tục xảy ra nhiều cái chết do những căn bệnh được người dân ở đây cho là “bí ẩn”, vì chưa rõ nguyên nhân.

Người chết không phải già cả gì, mà hầu hết là những cái chết non, tập trung ở lứa tuổi trung niên. Dù có bất thường nhưng cứ chết là chôn, chưa ai nghĩ đến việc đi tìm nguyên nhân.

Khi ấy, ở làng Xuân Vinh có ông Trương Hùng, người chuyên liệm xác chết trong làng. Ông Hùng lại là người hay để ý nên sau nhiều ca liệm xác chết, ông đúc kết là có nhiều người trong làng chết cùng 1 loại bệnh.

Sự phát hiện của ông thợ liệm Trương Hùng chẳng mấy chốc lan truyền khắp làng Xuân Vinh. Khi ấy bà Phạm Thị Ngọt đương chức Trưởng Trạm Y tế xã Hoài Mỹ, lại có người mẹ cũng chết vì bệnh ung thư nên bà Ngọt cảm thấy có trách nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân.

“Khi tôi mở cuộc điều tra, đến tìm hiểu từ những gia đình có người nhà chết bởi những căn bệnh “chưa biết tên” thì có gia đình còn giữ giấy tờ của bệnh viện, có gia đình đã làm mất hết giấy tờ.

Hầu hết những gia đình còn giữ giấy tờ của bác sĩ thì biết ngay bệnh nhân chết do mắc bệnh ung thư.

Căn cứ theo đó, liên hệ đến nhiều cái chết khác dù không còn giấy tờ của bác sĩ, nhưng có triệu chứng giống y như vậy nên có thể khẳng định cũng bởi bệnh ung thư. Số liệu thống kê đến năm 2008, ở làng Xuân Vinh đã có đến hơn 100 người chết vì bệnh ung thư”, bà Ngọt cho biết.

Cũng theo bà Ngọt, mới đây ở làng Xuân Vinh vừa xảy ra thêm nhiều cái chết cũng do bệnh ung thư, như ông Lê Văn Nhân chết cách đây 3 tháng do bệnh ung thư gan. Những người chết ở làng Xuân Vinh tập trung ở các bệnh ung thư da, vòm họng, lưỡi, máu, gan…

Có nhiều gia đình có đến 2 người chết vì bệnh ung thư như mẹ con ông Trần Hạnh hoặc mẹ con bà Trần Thị Tài.

Thông tin của Trạm Y tế xã Hoài Mỹ cho rằng ở làng Xuân Vinh vẫn đang còn 6 bệnh nhân ung thư đang sống lay lắt, theo đó, chúng tôi lần lượt tìm đến nhà những bệnh nhân nói trên để tìm hiểu sự tình.

Gặp ông Trần Hường (sinh năm 1952) tại ngôi nhà nằm sâu trong làng Xuân Vinh, thoạt nhìn, tôi không nghĩ ông đang mắc bệnh ung thư đến thời kỳ “hết thuốc chữa”, ông vẫn đang quanh quẩn sau vườn cho bò ăn.

Ông Hường kể: Vào tháng 11/2002, ông phát hiện trên cổ nổi u cả hàng. Đi bệnh viện Bồng Sơn khám thì bác sĩ chuyển ngay xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi khám, bệnh viện cho ông Hường tiền xe và động viên phải vào ngay Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn để khám.

“Vào đến Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, sau khi xác định tui bị ung thư hạch nên bác sĩ cho nhập viện ngay và tiến hành điều trị bằng hóa chất. Cứ 21 ngày 1 lần hóa trị, tổng cộng trong người tui đã chịu 6 liều hóa chất.

Sau đó cơ thể tui tiếp tục được điều trị bằng 35 tia phóng xạ khác, cơ thể như muốn cháy ra. Bây giờ mỗi khi trở trời tui không thở nổi, vào Sài Gòn khám lại thì bác sĩ chỉ cho thuốc chứ không điều trị, bảo là tui đã được điều trị hết liều”, ông Hường bộc bạch một cách tuyệt vọng.

Đến nhà ông Nguyễn Hữu Tài (68 tuổi), tôi lại được chứng kiến một bi cảnh khác. Ông Tài phát bệnh vào tháng 10/2005. Ban đầu, dưới tai trái của ông Tài nổi lên một cục u nhỏ, sau lớn dần. Khi bệnh mới phát, ông Tài chỉ thấy ớn lạnh chứ không đau đớn gì.

10-09-22_2
Bệnh nhân ung thư Nguyễn Hữu Tài sống trong tuyệt vọng khi mình đã được điều trị hết liều

Thế nhưng khi đi khám tại Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn thì bác sĩ khẳng định ông đã bị ung thư vòm hầu. Thế là ông Tài phải nằm viện từ ngày 5/10/2005 đến ngày 5/2/2006 mới được xuất viện.

Cũng như ông Hường, trong quãng thời gian ấy ông Tài được điều trị 6 liều hóa chất và 35 tia phóng xạ. Tuy nhiên, hiện nay bệnh ông vẫn không bớt, mỗi năm phải đi tái khám 3-4 lần nhưng chỉ nhận thuốc chứ không được tiếp tục điều trị, bởi cũng đã được chạy chữa hết liều.

“Hiện tế bào vòm hầu của tui đã bị chết, nước miếng khô kiệt, phải uống nước liên tục. Bữa ăn phải có canh và phải có ly nước bên cạnh nhưng vẫn nuốt không nổi”, ông Tài than thở.

Sống trên vùng chiến địa

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, làng Xuân Vinh trong thời kháng chiến chống Mỹ là vùng chiến địa rất khốc liệt. Vùng đất này không chỉ hứng chịu nhiều bom đạn mà còn oằn mình dưới thảm chất độc màu da cam.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, trên những vùng đồi núi bao quanh làng Xuân Vinh được cách mạng xây dựng các trạm phẫu để điều trị cho thương bệnh binh.

Trên những vùng đồi núi này còn được nhân dân thành lập trạm cứu thương để cấp cứu người dân sau những đợt càn của quân địch.

“Trước sự khẩn thiết của người dân làng Xuân Vinh, đầu năm 2015, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn tiến hành đợt kiểm tra mới. Đoàn công tác đã về Xuân Vinh thu thập thông tin và lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để về nghiên cứu. Dân Xuân Vinh đang mong kết quả cuối cùng để có cách ứng phó”, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ.

Đồng thời, đây cũng là nơi đồn trú của cán bộ hoạt động cách mạng. Ban ngày những cán bộ này rút lên núi trú ẩn, đêm xuống liên lạc với dân làng Xuân Vinh.

“Biết đồi núi quanh làng Xuân Vinh đang che chở cho cán bộ cách mạng, lính Mỹ không những thường xuyên tổ chức càn quét mà còn thả chất độc màu da cam lên vùng núi ấy hòng tước đi nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng.

Mỗi khi thả chất độc màu da cam, lá cây trên rừng đang xanh lập tức cháy khô, quả cây rừng còn non cũng cháy đỏ trông như chín rồi tự rụng”, ông Sơn cho hay.

Bà Phạm Thị Xuân, một cư dân ở làng Xuân Vinh có nhà nằm sát cạnh dãy núi Giếng, kể: “Hồi đó tui khoảng 17-18 tuổi, từng chứng kiến những đợt máy bay thả chất độc màu da cam dọc dãy núi Đá Đen qua núi Giếng. Thuốc bay trắng trời nhưng bọn tui đâu biết đó là thuốc gì.

Sau đó đi thả bò trên núi, thấy quả cây rừng chín rụng, cứ ngỡ chúng chín tự nhiên chứ đâu biết do chất độc làm cho chúng cháy nên cứ vô tư lượm ăn, bây giờ mới thấy hậu quả.

Gia đình tui ngoài ông chồng mắc bệnh ung thư, còn có 1 đứa con bị thiểu năng trí tuệ trong bụng mẹ”.

Căn bệnh ung thư dường như chưa dừng lại trên đất Xuân Vinh. Ngoài những người đã chết và những người đang “chung sống” với bệnh ung thư, hiện nay còn nhiều người dân ở làng này mới chớm bệnh, dù chưa xác định là bệnh gì nhưng họ rất hoang mang, lo bệnh ung thư đã tấn công đến họ.

Bà Phạm Thị Liêm (70 tuổi), lo lắng: “Suốt 5 tháng nay khớp gối của tui phát sưng, đau nhức không đi lại được, phải ngồi một chỗ. Đang sống giữa “làng ung thư” nên tui cứ lo mình mắc phải căn bệnh quái ác này”.

10-09-22_3
Bà Phạm Thị Liêm lo sợ mình đang mắc bệnh ung thư

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết thêm, từ năm 2006 đến năm 2008, ở làng Xuân Vinh bỗng dưng rộ lên nhiều cái chết không rõ nguyên nhân, sau đó được khẳng định do bệnh ung thư.

Ngay trong giai đoạn đó, UBND xã Hoài Mỹ đã có văn bản gửi các cơ quan chuyên môn yêu cầu mở cuộc điều tra thực trạng. Trước đây, đã có đoàn công tác về lấy chỉ số nước, chỉ số không khí tại làng Xuân Vinh về nghiên cứu nhưng chưa có kết luận, xã lại tiếp tục kiến nghị, mong có cuộc điều tra kỹ càng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.