| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh làng ung thư: Những đứa trẻ không có ngày mai

Thứ Năm 02/07/2015 , 14:24 (GMT+7)

Ở tuổi này, lẽ ra các em phải được cắp sách đến trường, được nô đùa cùng các bạn… thì giờ đây, cuộc sống của các em là ở giường bệnh, trên bàn mổ, là những lần hóa trị, xạ trị./ 650 giường nhưng cả vạn bệnh nhân

Căn bệnh ung thư đã cướp đi tất cả những gì đẹp nhất của tuổi thơ. Có hàng trăm đứa trẻ như thế ở BV Ung bướu TP.HCM.

Đến khoa Nhi, BV Ung bướu TP.HCM, thật khó cầm lòng khi chứng kiến hàng trăm bệnh nhi phải nằm chật trên giường, dưới nền nhà, ngoài hành lang, và cả dưới gầm giường.

Mong gánh bệnh cho cháu

Gặp cậu bé Trần Trung Đức ở hành lang khoa Nhi, BV Ung bướu, ấn tượng với chúng tôi là một khuôn mặt lẽ ra sẽ rất đẹp, nếu như đôi mắt của em không bị căn bệnh ung thư cướp đi vĩnh viễn.

Khuôn mặt sáng, với một bên mắt trũng sâu chỉ còn lớp da mỏng, bên còn lại dù chưa bị khoét, nhưng cũng đã hư hoàn toàn ấy, cứ ngước lên… Năm nay 8 tuổi, Đức đã có 7 năm sống trong bóng tối.

Bà Lê Thị Hợp, bà ngoại và là người thân duy nhất của Trung Đức, cho biết: “Lúc mới sinh, Đức không chỉ bụ bẫm, khỏe mạnh mà còn rất đẹp nữa. Được gần một tuổi, mọi người thấy cháu cứ ngước mắt lên nhìn trời mà như chẳng nhìn gì, đưa tay lên quơ quơ trước mặt cháu cũng không có phản ứng. Gia đình sợ quá vội đưa cháu đi khám mới rụng rời tay chân khi bác sĩ kết luận cháu bị ung thư mắt, phát hiện bệnh trễ quá nên một bên mắt cháu đã hỏng, phải khoét bỏ”.

Ngay sau đó, gia đình chuyển Đức xuống BV Ung bướu điều trị. Tuổi thơ của Đức càng bất hạnh hơn khi ba bỏ đi biệt, mẹ đi bước nữa và chẳng khá giả gì, hàng ngày phải đi làm thuê kiếm tiền gửi xuống bệnh viện lo thuốc thang cho em, chỉ còn người thân duy nhất ở bên cạnh là bà ngoại. Hiện nay, có bao nhiêu thứ bán được ở nhà, bà đã bán hết để lo cho cháu.

“Phải vay mượn thêm bà con lối xóm, chứ tài sản trong nhà chẳng có gì quý giá, bán cũng chẳng được là bao”, bà Hợp nói.

“Gần một năm sau, con mắt còn lại cũng bị ăn hết con ngươi. Soi đèn pin vào mắt cháu, tôi chỉ thấy một màu trắng, trong veo như mắt mèo, phần con ngươi đã bị ung thư ăn hết. Lúc truyền hóa chất vào người, miệng cháu bị lở loét, nôn mửa không ăn uống được gì.

Thân thể gầy nhom, nhìn như con mèo, khóc không ra tiếng. Tôi cũng khóc khô nước mắt rồi, giá mà tôi có thể gánh thay bệnh cho nó…”, bà Hợp đau đớn kể.


Phòng bệnh nào cũng chật như nêm, trên giường, dưới sàn và gầm giường

“Mấy năm trước, khoa nhận khoảng 600 bệnh nhi/năm, từ khi BV Nhi đồng 2 tự điều trị được ung thư thì số bệnh nhi giảm xuống khoảng hơn 400. Đa số các em bị ung thư trong độ tuổi từ 0-8 tuổi và mỗi năm tăng khoảng 70 ca, 30% số này là ung thư máu.
Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ung thư tăng là do môi trường, sinh hoạt, ăn uống và một phần do di truyền”, bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nhi, BV Ung bướu TP.HCM.

Chỉ vào căn phòng sát bên, bà Hợp nói tiếp: “Trẻ nhỏ bị ung thư nhiều lắm. Hồi mới lên đây, phòng này có cả chục đứa, những lúc không bị hành, thằng Đức cũng hay chơi với tụi nó. Thằng Đức mà có bề gì, chắc tôi không sống nổi”.

Đức là cậu bé rất thông minh, hiếu động và có trí nhớ cực tốt, chỉ cần nghe 1-2 lần là Đức có thể nhớ chính xác tên, số điện thoại và địa chỉ của mọi người. Bà Hợp kể, năm lên 6, một phụ nữ tên Dung có con bị ung thư máu nằm chung phòng đã tặng Đức bộ chữ nổi.

Sau một thời gian “nghiên cứu” bộ chữ nổi bằng tay, với sự trợ giúp của người phụ nữ em thường gọi là "mẹ Dung", Đức đã biết hết mặt chữ cái và xếp được chữ “mẹ Dung”.

Khi tôi hỏi: “Con quê ở đâu?”, Đức đọc rõ ràng: “Thôn Ma Năng 2, xã Kim Tân, huyện IA Ba, tỉnh Gia Lai”. Tôi bất ngờ hơn khi nghe em chào, hỏi tên, tuổi, địa chỉ của tôi bằng tiếng Anh dù em phát âm chưa chuẩn. Hóa ra, sau mỗi lần nghe mọi người nói, cháu học theo và nhớ. Khi hỏi về ước muốn của mình, em ngước mặt lên vài giây rồi đáp: “Con thích đàn, hát, muốn đi học tiếng Anh”.

Xé lòng cha mẹ

Mặc dù có cha mẹ túc trực, yêu thương, chăm sóc từ khi mới phát hiện bị ung thư nguyên bào thần kinh, nhưng cậu bé A Hảo, người dân tộc Xơ Đăng, nhà tít trên dãy Ngọc Linh, Kon Tum, lại phải chịu những cơn đau khủng khiếp về thể xác mỗi khi vào hóa chất. Cơ thể em gầy nhom, duy có đôi mắt to tròn và thật sáng. Trong đôi mắt ấy như đang chứa đựng một nỗi buồn sâu thẳm, xen lẫn sợ hãi.

10 tuổi, A Hảo đã gắn bó với bệnh viện gần 7 năm. Mẹ em, chị Ya Ly, bằng tiếng Kinh lơ lớ, nước mắt ngân ngấn, kể: “Năm A Hảo lên 3, không hiểu sao cứ sốt, nó kêu đau, ăn ít, người gầy lắm. Cho uống lá rừng vẫn không hết sốt, người nóng như có đống lửa đốt trên lưng, trên đầu.


Đã 10 tuổi nhưng nhìn A Hảo không bằng đứa trẻ 5 tuổi

Thầy đến cúng rồi mà không hết, đưa xuống bệnh viện huyện lâu lắm cũng không hết nên huyện làm giấy bảo xuống đây, bác sĩ cắt cái u đi, con mình mới hết bệnh được. Thương con lắm, chỉ mong con hết bệnh về nhà”.

Khi con chưa bệnh, gia đình chị Ya Ly cũng đã khó khăn lắm, làm mãi cũng chỉ đủ ngày 2 bữa cơm với măng le, rau rừng, thi thoảng mới có mùi tanh của cá trong bữa cơm. Giờ, vợ chồng chị càng khổ cực hơn.

“Lúc con bệnh, nhà chẳng có đồng nào, phải vay mượn mấy chỗ mới được hơn triệu bạc, anh em góp tiền cho thêm được 2 trăm nữa. Đi xe từ nhà xuống đến Sài Gòn hết một nửa rồi. Xuống đây bác sĩ chữa hết rồi mới cho về, bảo 3 tháng nữa xuống khám lại, mừng lắm. Nhưng một năm nay, bệnh nó lại tái phát, nặng hơn. Khổ lắm rồi”, anh A Vấp, cha của A Hảo, cũng rơm rớm nước mắt nói.

Đưa con trở lại bệnh viện, bác sĩ bảo, bệnh của em đã chuyển sang giai đoạn cuối, cháu không đủ sức khỏe nên không thể phẫu thuật mà phải hóa trị lâu dài. Lần điều trị này, cha mẹ em sẽ khó khăn, vất vả hơn vì không được bảo hiểm toàn bộ nữa.

“Mỗi khi vô thuốc, A Hảo lại khóc thét lên. Chắc đau lắm. Ở đây mấy đứa khác cũng vậy, cứ vô thuốc là khóc”, A Vấp kể.


Mỗi khi tiêm thuốc, các em lại bị hành, đau đớn khóc thét

Từ khi A Hảo bệnh, anh chị đôn đáo chạy chữa cho con. Thiếu tiền nên có cái rẫy làm “cần câu cơm” cũng mang cầm lấy tiền lo thuốc thang.

Anh A Vấp bảo, trong nhà chẳng có đồ gì đáng giá để bán. Bà con, ai cũng nghèo, họ chỉ giúp vật chất, ít lúa, khoai, chứ không có tiền. Hiện nay, cả gia đình anh A Vấp đều sống nhờ bữa cơm từ thiện của bệnh viện.

Ấy vậy mà, đó lại là những bữa cơm “sang” đối với họ. Vì ở quê, món ngon nhất lâu lâu A Hảo được ăn là cá con nấu canh thân cây chuối non, chứ chẳng mấy khi được ăn cơm với cá, thịt thực sự.

Còn hàng trăm đứa trẻ khác đang chịu số phận nghiệt ngã như A Hảo và Trung Đức mà tôi gặp ở BV Ung bướu: Đây, bé Kim Ngọc, 6 tuổi, bị ung thư thận từ 3 năm nay, nằm chung giường với bé Khánh Phương, 3 tuổi, bị ung thư máu. Kia, dưới gầm giường là nơi trú ngụ của cháu Sỹ Khang, cũng bị ung thư máu.


Bé Sỹ Khang đang chơi dưới gầm giường. Đây cũng là những giây phút hiếm của Sỹ Khang cũng như các cháu khác, khi không bị ung thư “hành ” đau đớn

Còn kia, ở ngoài hành lang là hàng chục đứa trẻ khác: Trọng Ân, ung thư ổ bụng; Bảo Trân, 26 tháng tuổi, bị u não…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm