| Hotline: 0983.970.780

Âm thầm “giết” sông Lô

Thứ Ba 17/06/2014 , 10:15 (GMT+7)

Vài năm qua, sông Lô đoạn chảy qua xã Cấp Tiến của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bỗng nhiên đổi sang màu đen, bốc mùi khó chịu. Ven bãi bồi giữa sông, các loại trai hến bị chết vô số, nằm phơi vỏ. Thậm chí, có những ngày, người dân vớt được vài chục kg cá bống, cá chép bị sặc nước nổi trắng mặt sông...

Nhân dân tố nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Cty CP giấy An Hòa (Cty An Hòa), trụ sở tại xã Vĩnh Lợi, cạnh xã Cấp Tiến, xả thải.

Đầu độc sông Lô

Trong tiết trời oi nóng của buổi trưa hè, chúng tôi có mặt tại xã Cấp Tiến. Mùi khét lẹt đến ngộp thở bao trùm không khí cả một vùng rộng lớn. Ngồi trò chuyện cùng người dân được khoảng 15 phút, chúng tôi bắt đầu có cảm giác tức ngực, khó thở.

Anh Đỗ Thành Chung, thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến cho biết, gia đình anh đã phải hít cái mùi khủng khiếp này vài năm nay. Đây là “sản phẩm” của Cty An Hòa, nằm cách khu dân cư chừng 200 m.

Mùi khét nồng nặc khắp nơi, hàng trăm người dân các thôn gần Cty An Hòa phải chịu trận gần như 24/24h trong ngày. Hai đứa nhỏ nhà anh Chung, đứa nào cũng bị ho hen. Các bệnh về phổi đeo bám những đứa trẻ nơi đây dai dẳng qua nhiều năm.

Theo anh Chung, không chỉ không khí, nguồn nước sông Lô cũng đang bị nước thải từ Cty An Hòa “đầu độc” nghiêm trọng. Nhiều hộ dân sống xung quanh Cty An Hòa cho biết, cứ 9 giờ sáng, nước thải từ Cty này lại được xả ra sông Lô.

Nước bốc mùi hôi thối như phân lợn. Kể cả khu vực cách vài cây số cũng ngửi thấy mùi. Miệng cống nước bốc hơi ngùn ngụt, hắc như axit. Đặc biệt, vào ban đêm hay những ngày mưa gió, nước xả còn kinh hơn. Nước xả ra sông Lô khi thì màu xanh lét, khi đen như nước bùn.

Anh Đ, cùng thôn Phú Lương cho biết, ban đêm anh hay đi soi cua bắt ếch nên biết rất rõ việc Cty An Hòa xả nước ra sông Lô. “Công ty này xả nước thải không theo lịch trình nào cả. Có lúc thì ban ngày, nhưng chủ yếu là vào ban đêm và rạng sáng. Tôi đi soi ếch đêm, mỗi lần đi qua đoạn này là phải bịt mũi, bịt mồm. Nước xả không chỉ thối mà còn bốc khói mù mịt”, anh Đ kể.

12-38-58_1
Một cống xả của Cty An Hòa hướng ra sông Lô

Chị Nguyễn Thị Tuyến, nhà cách Cty An Hòa 300 m thì cho biết, những ngày mưa, hôm nào chị đi chợ từ tinh mơ cũng bắt gặp nước thải từ Cty xả ồ ạt ra sông Lô. Ban ngày, chỉ cần bơi ra bãi giữa sông có thể vơ cả đống vỏ trai, hến bị chết. Anh Chung kể, trước đây, nước sông Lô trong xanh lắm, giờ thì… có cho tiền cũng không ai dám nhảy xuống tắm. “Hôm nọ, tôi thử lội xuống đến đầu gối chứ không dám dìm cả người. Thế mà tối về ngứa đỏ chân, gãi bắn cả máu. Chân nổi mẩn như bị sâu róm đốt”.

Mới đây, sau đợt xả thải của Cty An Hòa, cá bống, chép bỗng dưng lờ đờ, nổi trắng khúc sông. Người dân kéo ra vớt được 20kg cá các loại nhưng không dám ăn mà phơi khô làm thức ăn chó, mèo. Cách đây không lâu, một vài người dân xã Cấp Tiến, sau khi vớt cá trên sông Lô về ăn đã bị tiêu chảy, nôn ra mật xanh mật vàng.

12-38-58_2
Sông Lô, đoạn chảy qua khu vực Cty An Hòa

Chúng tôi tình cờ gặp một công nhân xây dựng, người trực tiếp thi công nhà máy của Cty An Hòa. Anh này kể, khi thi công, các anh phải xây dựng những đường ống nước thải. Có những đoạn một người lớn đứng còn không chạm đầu.

“Đấy là bên trong, khi ống dẫn gần ra sông thì xây nhỏ lại. Ngoài cống xây, có những đường ống được bóp lại bằng ống nhựa, loại to như bắp đùi rồi xả ra sông. Mấy ống nhựa này không nhìn thấy đâu, cái thì chôn miệng ngầm xuống sông, cái thì để rỉ ra chỗ mấy bụi tre ấy”, công nhân này kể vanh vách.

Nước từ con sông Lô lại được bơm vào đồng ruộng, tưới tắm cho hoa màu. Không biết mức độ ô nhiễm tới đâu, nhưng nhiều mảnh ruộng, nước tưới vào tới đâu, lúa héo tới đó. Một người dân bức xúc, 3 sào lúa nhà chị đang mơn mởn, sau khi lấy nước từ sông Lô vào bỗng dưng đỏ quạch rồi chết. Giặm đi giặm lại lúa mới sống, nhưng phát triển rất chậm. Đổ vào bao nhiêu phân bón mà lúa vẫn còi cọc. Năng suất lúa, một sào cũng chỉ đạt vài chục kg.

12-38-58_3
Hơn 6.000 dân xã Cấp Tiến vẫn phải dùng nguồn nước giếng khoan cạnh sông Lô

Người dân xã Cấp Tiến nhiều lần kiến nghị tình trạng ô nhiễm lên UBND xã. Chính quyền xã lại kiến nghị lên cấp huyện, thậm chí là tỉnh. Các cuộc tiếp xúc cử tri cấp huyện, tỉnh, người dân Cấp Tiến nhiều lần nêu ý kiến đấu tranh nhưng không nhận được câu trả lời từ các cấp kể trên.

Chị này chỉ tay sang mảnh ruộng bên cạnh, cỏ mọc um tùm bảo, hộ đó bỏ cấy lúa rồi, một sào được mấy chục cân thóc thì lấy gì mà ăn.

Doanh nghiệp nuốt lời?

Những hộ dân quanh Cty An Hòa cho biết, trước khi đi vào hoạt động, đơn vị này hứa sẽ thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh cho tất cả người dân sống cạnh Cty, trong vòng bán kính 500 m (khoảng 100 hộ). Mỗi tháng sẽ biếu đường sữa, đồng thời đóng bảo hiểm dài hạn.

Nhưng cho đến nay, các hộ dân trên vẫn chưa được cầm thẻ bảo hiểm, cũng chẳng được khám chữa bệnh như lời Cty đã hứa. Không chỉ có vậy, con đường độc đạo từ TP Tuyên Quang dẫn vào xã Cấp Tiến cũng bị xe chở nguyên vật liệu của Cty cày nát như tương. Chúng tôi chạy xe máy mà ngã lên ngã xuống hai lần mới vào được trung tâm xã Cấp Tiến. Quần áo, giày dép bẩn như vừa đi lội ruộng.

12-38-58_5
Ông Nguyễn Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến

“Bệnh tật bây giờ tôi chưa dám khẳng định. Nhưng 5 – 10 năm nữa, nếu không có biện pháp ngăn chặn, chắc chắn người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không cẩn thận Cấp Tiến sẽ có làng ung thư, xã ung thư mất thôi”, ông Nguyễn Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến lắc đầu.

Ông Trương Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, con đường bùn đất nhão nhoét chúng tôi vừa đi qua trước đây là bờ đê cấp phối của xã. Khi Cty An Hòa về làm việc, có xin một phần của con đường để xây tường rào.

Đồng thời Cty sẽ bê tông hóa đoạn đường này cho người dân đi lại. Nhưng đã mấy năm, đường bê tông chẳng thấy, chỉ thấy con đường đê năm nào nát bét. Lại một lần nữa, lời hứa từ phía Cty An Hòa bị gió thổi bay!

Ông Nguyễn Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, Cty An Hòa mới hoạt động 2 – 3 năm nhưng đời sống của nhân dân đã bị ảnh hưởng rõ rệt.

Trong phạm vi 10 km2, người dân vẫn hít phải mùi hôi thối, khói bụi do Cty xả ra. “Nước thải ra sông Lô, chắc chắn là ô nhiễm rồi, còn nói mức độ ô nhiễm tới đâu thì tôi không dám nói”.

Khi hỏi về việc người dân chưa được Cty đóng bảo hiểm, khám bệnh, ông Lâm bảo không nắm được thông tin. Hiện hơn 6.000 người dân Cấp Tiến vẫn phải ăn nguồn nước lấy từ giếng khoan. Những giếng khoan này hút trực tiếp từ mạch nước ngầm, ngay cạnh con sông Lô khá gần.

Theo đề án xây dựng NTM, xã Cấp Tiến sẽ được cấp nước sạch từ nhà máy cấp nước tập trung, cách đó 6km. Nhưng hơn 1 năm nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Cũng khoảng thời gian đó, nguồn nước sinh hoạt của người dân không hề được cơ quan chuyên ngành tỉnh Tuyên Quang kiểm tra mức độ ô nhiễm.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.