| Hotline: 0983.970.780

Ăn cắp còn la làng?

Thứ Tư 20/07/2011 , 10:42 (GMT+7)

Cuộc tranh chấp đất đai giữa nguyên chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) với nhiều hộ dân diễn ra đã 6 năm qua, hiện vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông Châu tại khu đất tranh chấp với ông Sửu
Cuộc tranh chấp đất đai giữa ông Đinh Văn Sửu, nguyên chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) với nhiều hộ dân diễn ra đã 6 năm qua, hiện vẫn chưa hạ nhiệt.

BỖNG MẤT CẢ VẠN MÉT VUÔNG ĐẤT

Năm 1967, thực hiện chủ trương của Nhà nước, hàng trăm hộ gia đình ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã xung phong lên vùng núi thuộc xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn để xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1990, để thực hiện phủ xanh đồi trọc, 210 hộ dân nói trên đã làm đơn xin nhận đất rừng với tổng diện tích 292 ha. Đơn của họ được ông Đinh Văn Sửu, chủ tịch UBND xã lúc đó ký tên đóng dấu. Năm 1991, các hộ trên được cấp lâm bạ.

Thế nhưng, bước sang năm 2002, do thực hiện Nghị định 163/NĐ-CP thu hồi lại lâm bạ (bìa xanh) của các hộ được giao đất, giao rừng trước đây để cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) nên UBND xã Thọ Sơn đã thu hồi toàn bộ bìa xanh mà UBND xã đã cấp cho các hộ dân.

Đến năm 2004, ông Sửu thôi làm chủ tịch UBND xã Thọ Sơn. Năm 2005, trong lúc đang hoàn tất thủ tục để chuyển bìa đỏ cho dân thì xã Thọ Sơn nhận được 2 đơn tố cáo của ông Đinh Văn Sửu. Một đơn ông cho rằng bà Nguyễn Thị Cọt và con trai Bùi Giang Châu "ngang nhiên khai thác, chặt phá cây cối trên diện tích đất rừng"; đơn kia ông cho rằng ông Nguyễn Đình Kiên "lấn chiếm, tranh chấp, làm nhà lên một vùng đất rừng khác" của gia đình ông Sửu.

Nhận được giấy triệu tập, ông Bùi Giang Châu lên xã trình diện. Ông Châu sững sờ khi thấy 20.000 m2 đất rừng mà gia đình ông được giao vào ngày 28/9/1990 (ông Bùi Quốc Việt, con trai trưởng bà Cọt đứng tên) đã được cấp lâm bìa xanh tự dưng bị chia làm 2 thửa: Thửa 149 mang tên bà Cọt (mẹ anh) chỉ còn lại 2.743m2. Thửa 150 mới mang tên ông Đinh Văn Sửu có diện tích 11.265m2.

Điều làm ông Châu phẫn nộ là từ năm 1990 đến nay gia đình ông vẫn trồng cây canh tác liên tục trên cả 2 thửa đất (149 và 150) thì làm sao ông Sửu lại có được thửa đất 150? Ông Châu cho rằng: "Năm 2002, ông Đinh Văn Sửu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, tự ý lập sơ đồ địa chính để chiếm đoạt đất rừng của gia đình tôi".     

Cuộc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa ông Nguyễn Đình Kiên và ông Sửu càng lạ lùng hơn. Ông Kiên được giao diện tích đất 20.000 m2 phía Nam giáp ranh với phần đất của cụ Nguyễn Xuân Nhung ở khu vực đồi Lim. Năm 1997, sau khi được ông Sửu ký xác nhận, ông Kiên đã lập tức đưa cột trụ bê tông vào chôn sâu tại mốc giới và trồng một hàng keo làm ranh giới giữa 2 hộ. Thế mà, giữa diện tích đất của 2 hộ này bỗng “mọc” thêm thửa đất số 178, tờ bản đồ số 3, có diện tích 9.904 m2 đứng tên ông Đinh Văn Sửu.

Nhìn trên sơ đồ thì đất của ông Kiên bị mất một phần còn diện tích đất của gia đình cụ Nhung bỗng biến mất. 

LA LÀNG?

Tưởng mọi việc đã rõ mười mươi thế nhưng hiện tại ông Đinh Văn Sửu vẫn "kêu oan". Trong đơn gửi lên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Sửu cho rằng: “Tất cả giấy tờ gốc mà các gia đình kia xuất trình có dấu UBND xã Thọ Sơn và chữ ký của ông đều là…giả mạo vì khi ông làm Chủ tịch chưa bao giờ ký các loại giấy tờ này".

Từ năm 2005 đến 2008, UBND xã Thọ Sơn đã mời ông Đinh Văn Sửu và ông Bùi Giang Châu hòa giải 6 lần. Mỗi bên đưa ra lý do riêng của mình. Ông Sửu thì có hồ sơ giao đất lâm nghiệp, còn ông Châu thì lưu giữ được “Giấy xin nhận đất rừng” nên các cuộc hoà giải đều không thành. Tranh chấp chưa ngã ngũ thì ngày 10/11/2008, ông Sửu bỗng dưng được cấp sổ đỏ số AL517304 cho diện tích đang tranh chấp. Vụ việc kéo dài đến tháng 9/2009 thì UBND xã buộc phải chuyển hồ sơ lên UBND huyện để giải quyết tiếp.

Cuối năm 2009, huyện Anh Sơn vào cuộc. Ngày 22/3/2010, UBND huyện Anh Sơn quyết định thu hồi sổ đỏ thửa 150 đã cấp cho ông Sửu; đồng thời cuối năm 2010, UBND huyện có quyết định “Hủy bỏ hồ sơ giao đất lâm nghiệp năm 2002 đối với thửa đất 149 và 150 vì được lập không đúng quy định. Công nhận thửa đất đang trang chấp là của ông Bùi Quốc Việt".

Riêng diện tích đất của ông Kiên, bất chấp hàng cây keo cổ thụ cành lá sum suê, cột mốc bê tông và việc ông Kiên đang sử dụng đất thực tế, ông Sửu vẫn cao giọng cho rằng đó là đất đã giao cho mình. Thậm chí ông Sửu còn “đòi” chiếm luôn ngôi nhà 3 gian mà ông Kiên xây dựng kiên cố từ năm 1999 cho con trai ở. Cũng như lô đất của gia đình ông Châu, cuộc tranh chấp giữa ông Sửu và ông Kiên cũng phải chuyển lên UBND huyện để giải quyết.

Ngày 23/8/2010, dựa vào kết quả thanh tra, UBND huyện Anh Sơn đã ra quyết định “Công nhận phần đất lâm nghiệp đang tranh chấp giữa ông Sửu và ông Kiên là của ông Kiên. Hủy bỏ hai hồ sơ giao đất lâm nghiệp năm 2002 đối với thửa đất 168 và 178 vì lập sai quy định”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất